Kinh nghiệm quốc tế về áp dụng thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ tài chính

TS. Lê Quang Thuận - Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính

Từ khi áp dụng thuế giá trị gia tăng ở Việt Nam đến nay, dịch vụ tài chính thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Cùng với quá trình phát triển kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng thì thị trường dịch vụ tài chính sẽ ngày càng phát triển, nhiều loại hình dịch vụ tài chính sẽ xuất hiện và các hình thức giao dịch cũng ngày càng đa dạng. Vì vậy, việc thu thuế tiêu dùng đối với dịch vụ tài chính là cần thiết nhằm đảm bảo tính công bằng của chính sách thuế.

Về bản chất, thuế đối với dịch vụ tài chính ở các nước là thuế doanh thu. Nguồn: Internet.
Về bản chất, thuế đối với dịch vụ tài chính ở các nước là thuế doanh thu. Nguồn: Internet.

Đôi nét về thuế giá trị gia tăng

Thuế giá trị gia tăng (GTGT) là thuế gián thu do nhà sản xuất kinh doanh nộp nhưng người tiêu dùng cuối cùng mới là người chịu thuế GTGT. Xét về mặt lý thuyết, thuế GTGT đánh theo tỷ lệ phần trăm trên phần GTGT mới được sản xuất ra trong các khâu của quá trình sản xuất và lưu thông hàng hoá.

Trong thực tế, việc xác định giá trị mới tăng trong sản xuất và lưu thông hàng hoá là không đơn giản. Về cơ bản, có hai phương pháp tính thuế GTGT: (i) Phương pháp khấu trừ; (ii) Phương pháp trực tiếp.

Phương pháp khấu trừ: Định kỳ nộp thuế, người nộp thuế khai và tính thuế GTGT bằng cách lấy tổng số thuế GTGT đầu ra thu được khi bán hàng trừ đi tổng số thuế GTGT đầu vào phải trả khi mua hàng.

Nếu kết quả là một số dương thì đó chính là số thuế GTGT phải nộp ngân sách nhà nước (NSNN) trong tháng đó. Nếu kết quả là một số âm thì được chuyển bù trừ vào số thuế GTGT phải nộp của kỳ sau hoặc đề nghị cơ quan thuế hoàn lại.

Phương pháp trực tiếp: Định kỳ nộp thuế, người nộp thuế xác định số GTGT do cơ sở kinh doanh tạo ra và nhân với thuế suất thuế GTGT để xác định số thuế GTGT phải nộp NSNN.

Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia trên thế giới áp dụng thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ.

Chính sách thuế GTGT được áp dụng ở Việt Nam từ ngày 01/01/1999, thay thế cho thuế doanh thu. Chính sách thuế GTGT ở Việt Nam đã trải qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và trở thành một sắc thuế quan trọng trong hệ thống chính sách thu NSNN.

Từ khi áp dụng thuế GTGT ở Việt Nam đến nay, dịch vụ tài chính (DVTC) thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Quy định này không chỉ làm cho danh mục nhóm hàng hóa không thuộc diện chịu thuế GTGT rộng, khiến cho công tác quản lý phức tạp mà còn không đảm bảo nguyên tắc công bằng, vì nhiều hàng hóa trung gian khác là đầu vào của sản xuất vẫn thuộc đối tượng chịu thuế tiêu dùng.

Kinh nghiệm quốc tế về áp dụng thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ tài chính

Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế thấy rằng, nhiều nước áp dụng chính sách thuế có tính chất tương tự thuế GTGT đối với DVTC và không cho phép khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Về bản chất, thuế đối với DVTC ở các nước là thuế doanh thu.

Trung Quốc áp dụng thuế kinh doanh đối với nhà cung cấp dịch vụ ngân hàng, dịch vụ bảo hiểm và dịch vụ chuyển nhượng tài sản vô hình với mức thuế suất 5%. Cơ sở tính thuế kinh doanh là doanh thu của người nộp thuế. Trung Quốc đang có kế hoạch chuyển DVTC sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 11%.

Tuy nhiên, khi áp dụng thuế GTGT đối với DVTC thì người nộp thuế được khấu trừ thuế GTGT đầu vào (người nộp thuế kinh doanh đối với DVTC tính trên doanh thu nên không được khấu trừ thuế đầu vào). Để thực hiện cải cách này, Trung Quốc đẩy mạnh cải cách công tác quản lý thuế, đặc biệt là quản lý hóa đơn thuế GTGT nhằm phòng chống gian lận thuế. Theo đó, người nộp thuế phải áp dụng hệ thống phần cứng, phần mềm và thẻ thông minh do cơ quan thuế chấp thuận.

Malaysia chuyển sang áp dụng thuế hàng hóa và dịch vụ với mức thuế suất 6% áp dụng chung cho cả hàng hóa và dịch vụ từ 01/4/2015 thay cho thuế bán hàng và dịch vụ với mức thuế suất phổ thông 10% và 5% đối với một số sản phẩm dầu mỏ, mức thuế suất 6% đối với dịch vụ.

Hiện tại, Malaysia áp dụng thuế hàng hóa và dịch vụ đối với DVTC có thu phí. Cụ thể, đối với dịch vụ bảo hiểm, thuế hàng hóa và dịch vụ chỉ áp dụng đối với dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ; đối với dịch vụ ngân hàng, thuế hàng hóa và dịch vụ áp dụng đối với các tài khoản tiền gửi, dịch vụ thẻ, dịch vụ thương mại, các khoản đảm bảo, dịch vụ tín dụng và các DVTC khác.

Thái Lan áp dụng thuế kinh doanh chuyên biệt, một loại thuế gián thu, đối với một số đối tượng không chịu thuế GTGT; trong đó, có các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, các tổ chức tài chính, các công ty chứng khoán, các công ty bảo hiểm nhân thọ, kinh doanh cầm đồ, kinh doanh bất động sản, kinh doanh chứng khoán trên thị trường chứng khoán.

Cơ sở tính thuế là doanh thu từ hoạt động kinh doanh. Mức thuế suất được áp dụng đối với từng hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, người nộp thuế còn phải nộp 10% thuế địa phương trên số thuế kinh doanh chuyên biệt.

Kinh nghiệm quốc tế về áp dụng thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ tài chính - Ảnh 1

Về phương thức thu thuế, người nộp thuế phải đăng ký nộp thuế với cơ quan thuế nơi có cơ sở kinh doanh, trong vòng 30 ngày kể từ ngày thực hiện giao dịch đầu tiên. Trường hợp người nộp thuế có cơ sở kinh doanh ở ngoài Thái Lan thì đại lý của người nộp thuế phải kê khai và nộp thuế thay.

Người nộp thuế phải kê khai thuế và nộp thuế theo tháng, vào thời gian 15 ngày đầu của tháng sau liền kề. Trường hợp người nộp thuế có nhiều cơ sở kinh doanh khác nhau thì mỗi cơ sở kinh doanh phải khai và nộp thuế riêng, trừ trường hợp được Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho phép kê khai và nộp thuế chung.

Đài Loan áp dụng thuế kinh doanh đối với DVTC, theo đó, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ngân hàng và bảo hiểm phải nộp thuế kinh doanh với mức thuế suất 5% tính trên doanh thu; trường hợp doanh nghiệp cung cấp nhiều loại DVTC (dịch vụ ngân hàng, dịch vụ bảo hiểm, quỹ đầu tư, chứng khoán, các giấy tờ có giá, cầm đồ…), thì doanh thu từ dịch vụ là hoạt động kinh doanh chính chịu mức thuế suất 2%; còn doanh thu từ dịch vụ không phải là hoạt động kinh doanh chính chịu mức thuế suất 5%; doanh thu từ dịch vụ tái bảo hiểm chịu mức thuế suất 1%. Doanh nghiệp nước ngoài thực hiện kinh doanh DVTC tại Đài Loan phải nộp thuế kinh doanh với mức thuế suất 2% tính trên doanh thu.

Hy Lạp áp dụng thuế bảo hiểm đối với các công ty bảo hiểm. Cơ sở tính thuế là doanh thu phí bảo hiểm. Mức thuế suất có sự phân biệt giữa các sản phẩm bảo hiểm, theo đó, mức thuế suất hiện hành là 4% đối với bảo hiểm nhân thọ, 20% đối với bảo hiểm hỏa hoạn và 15% đối với các sản phẩm bảo hiểm khác (trước 16/7/2015 là 10%).

Ngoài ra, sau khi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng thuế ngân hàng nhằm buộc các ngân hàng đóng góp, góp phần bảo đảm ổn định tài chính, phòng ngừa khủng hoảng trong tương lai.

Vương Quốc Anh là một trong những quốc gia đầu tiên áp dụng thuế ngân hàng (từ ngày 01/01/2011) nhằm hạn chế các ngân hàng cho vay ngắn hạn, đồng thời buộc các ngân hàng phải đóng góp để góp phần bảo đảm ổn định tài chính, phòng ngừa khủng hoảng trong tương lai.

Theo đó, các ngân hàng Anh, các ngân hàng nước ngoài có chi nhánh tại Anh có tổng nợ phải trả từ 20 tỷ Bảng trở lên phải nộp thuế ngân hàng. Mức thu được áp dụng từ 01/01/2011 là 0,05% trên tổng nợ phải trả và tăng lên 0,1% từ 01/3/2011; sau đó giảm xuống 0,075% từ 01/5/2011. Sau khi Anh áp dụng thuế ngân hàng, nhiều quốc gia khác (Pháp, Đức, Mỹ, Hungari) cũng đã áp dụng thuế ngân hàng.

Như vậy, nhiều nước trên thế giới áp dụng thuế tiêu dùng đối với DVTC. Do việc xác định GTGT của mỗi loại DVTC là khó khăn, nên hầu hết các quốc gia không áp dụng thuế GTGT đối với DVTC mà áp dụng chính sách thuế riêng đối với DVTC với tên gọi khác nhau là thuế kinh doanh hoặc tên gọi của sắc thuế gắn với loại DVTC như thuế ngân hàng, thuế bảo hiểm.

Cơ sở tính thuế là doanh thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ, cụ thể là doanh thu từ dịch vụ ngân hàng; doanh thu từ dịch vụ môi giới chứng khoán; doanh thu từ phí bảo hiểm. Phạm vi DVTC chịu thuế ở nhiều nước cơ bản đều áp dụng thuế tiêu dùng đối với ngân hàng, dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ trên thị trường chứng khoán. Một số nước còn quy định phạm vi đối tượng chịu thuế rộng hơn như trường hợp Thái Lan, Đài Loan… Mức thu thuế đối với DVTC ở các nước cũng rất khác nhau nhưng mức thu phổ biến là 5% tính trên doanh thu.

Qua nghiên cứu kinh nghiệm các nước có thể thấy rằng việc thu thuế đối với DVTC có tác động tới hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh DVTC nên mức thu cần được tính toán, áp dụng ở mức hợp lý, đảm bảo không tác động lớn tới hoạt động của thị trường DVTC; đảm bảo sự luân chuyển vốn trong nền kinh tế đồng thời đảm bảo huy động, điều tiết được nguồn thu cho NSNN.

Kinh nghiệm cho Việt Nam

Chiến lược Cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 732/QĐ-TTg ngày 17/5/2011 đã xác định mục tiêu tổng quát cải cách hệ thống thuế đến năm 2020 là: “Xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, thống nhất, công bằng, hiệu quả, phù hợp thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; mức động viên hợp lý nhằm tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất trong nước và là một trong những công cụ quản lý kinh tế vĩ mô của Ðảng, Nhà nước; xây dựng ngành Thuế Việt Nam hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; công tác quản lý thuế và phí, lệ phí thống nhất, đơn giản, dễ hiểu...”.

Trong đó, nội dung cải cách về chính sách thuế GTGT đến năm 2020 cũng xác định: “Nghiên cứu giảm bớt số lượng nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế GTGT để việc tính thuế, khấu trừ thuế không bị ngắt quãng giữa các khâu trong quá trình sản xuất kinh doanh;… bổ sung quy định để xác định đúng cơ chế thu đối với một số loại hàng hóa, dịch vụ mới phát sinh theo sự phát triển của kinh tế thị trường…”.

Trong nền kinh tế thị trường hiện đại, DVTC có vai trò quan trọng, thúc đẩy luân chuyển các dòng tài chính trong nền kinh tế. Cùng với quá trình phát triển kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, đặc biệt là Việt Nam đã chính thức tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và nhiều hiệp định thương mại tự do khác thì thị trường DVTC sẽ ngày càng phát triển, nhiều loại hình DVTC sẽ xuất hiện và các hình thức giao dịch cũng ngày càng đa dạng, kể cả giao dịch qua biên giới. V

ì vậy, việc thu thuế tiêu dùng đối với DVTC là cần thiết nhằm đảm bảo tính công bằng của chính sách thuế vì nhiều hàng hóa trung gian khác là đầu vào của sản xuất vẫn thuộc đối tượng chịu thuế tiêu dùng. Việc thu thuế tiêu dùng đối với DVTC còn nhằm tăng cường nguồn thu cho NSNN trong bối cảnh Việt Nam thực hiện cải cách tài chính công và cải cách hệ thống thuế, đảm bảo bền vững ngân sách và an ninh tài chính công.

Theo đó, nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách thuế của Việt Nam phù hợp với nền kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế, trong thời gian tới cần chuyển DVTC từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT. Người nộp thuế là tổ chức kinh doanh DVTC, bao gồm các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng, các công ty bảo hiểm, các công ty chứng khoán. Cơ sở tính thuế GTGT đối với DVTC là doanh thu từ cung cấp DVTC.

Phương pháp tính thuế là phương pháp tính trực tiếp trên GTGT. Tỷ lệ tính thuế GTGT đối với DVTC bằng tỷ lệ phần trăm (%) đối với dịch vụ, theo quy định tại điểm b, Khoản 2, Điều 11 Luật thuế GTGT hiện hành là 5%. Mức thuế suất áp dụng đối với DVTC là 10%. Người nộp thuế không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

Theo đó, các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng, các công ty chứng khoán, các công ty bảo hiểm kê khai doanh thu và số GTGT do cơ sở kinh doanh tạo ra (áp dụng tỷ lệ 5%) rồi nhân với thuế suất 10%. Số thuế GTGT phải nộp bằng doanh thu nhân với tỷ lệ 5% rồi nhân với thuế suất 10%.

Cải cách chính sách thuế nói chung, thuế GTGT nói riêng luôn là vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Theo đó, để đạt được các mục tiêu đặt ra, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, giải thích chính sách để tăng sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân và của cộng đồng doanh nghiệp về việc áp dụng thuế GTGT đối với DVTC.

Tài liệu tham khảo:

1. Guide to Republic of China Taxes 2015;

2. PWC (2014) Insurance Tax Highlights – Asia Pacific;

3. PWC (2010) Global Financial Services;

4. www.rd.go.th.