Kinh nghiệm quốc tế về mô hình đặc khu kinh tế: Nhân tố quyết định thành công

Theo Mạnh Hùng/daibieunhandan.vn

Chỉ đưa ra những ưu đãi về tài chính có thể giúp đặc khu phát triển mạnh hơn so với vùng xung quanh. Tuy nhiên, giải pháp này không bền vững. Xem xét những mô hình đặc khu kinh tế thành công nhất hiện nay có thể thấy, yếu tố then chốt quyết định thành công là có thể chế hành chính - kinh tế riêng biệt, phù hợp, với mức độ tự do và tự chủ cao; đồng thời phải có cơ chế giám sát chặt chẽ và hữu hiệu để ngăn chặn nguy cơ tham nhũng, lộng quyền.

Khu kinh tế tự do Incheon, Hàn Quốc. Nguồn: Internet
Khu kinh tế tự do Incheon, Hàn Quốc. Nguồn: Internet
Các đặc khu cần có mức độ tự do hóa vượt trội so với thể chế hiện hành (trong nước và quốc tế) nhằm tạo được môi trường tốt nhất cho nhà đầu tư. Cơ quan quản lý đặc khu cần được trao quyền tự chủ lớn để lập kế hoạch phát triển và vận hành nền kinh tế của mình.
Các đặc khu cần một bộ máy vận hành và quản lý gọn nhẹ, với phương thức quản lý hiện đại, minh bạch và linh hoạt. Bộ máy quản lý này sẽ giúp các chính sách ưu đãi phát huy được tác dụng, tạo điều kiện cho đặc khu phát huy lợi thế, sức sáng tạo và chủ động, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư chiến lược từ bên ngoài.

Ngay từ buổi đầu thành lập chương trình phát triển đặc khu kinh tế, Chính phủ Trung Quốc đã mạnh dạn thử nghiệm áp dụng những cơ chế, chính sách mới, chưa từng có. Các đặc khu này được trao quyền tự chủ cao, đóng vai trò là “phòng thí nghiệm” về cải cách thể chế và “cửa sổ nhìn ra thế giới” của Trung Quốc.

Nhằm đẩy mạnh tiến trình tự do hóa và mở cửa, năm 2013, Trung Quốc thành lập Khu thương mại tự do Thượng Hải, trong đó thí điểm áp dụng một số chính sách như tự do chuyển đổi đồng Nhân dân tệ. Ngoài ra, hai Đặc khu hành chính là Hong Kong và Ma Cao vẫn duy trì thể chế kinh tế tự do và hành chính tự trị về mọi mặt, trừ hai lĩnh vực là đối ngoại và quốc phòng, nhờ vậy vượt trội so với thể chế hành chính và kinh tế của nội địa Trung Quốc.

Hàn Quốc cũng triển khai một chương trình lớn nhằm phát triển các đặc khu khá thành công. Từ đầu những năm 2000, Hàn Quốc đã thành lập 8 khu kinh tế tự do. Chính phủ Hàn Quốc đặt ra mục tiêu xây dựng hệ thống thể chế “đẳng cấp thế giới tốt nhất” để tạo điều kiện cho nhà đầu tư sinh sống và kinh doanh tại các khu này.

Ở các đặc khu của Hàn Quốc, nhằm tạo môi trường mang tính quốc tế cho nhà đầu tư nước ngoài, chính quyền quản lý ở các đặc khu này thậm chí yêu cầu nhân viên công vụ chỉ nói tiếng Anh. Đáng chú ý nữa, Hàn Quốc cũng quy định khu vực đảo Jeju trở thành “thành phố tự do quốc tế” thuộc tỉnh tự trị Jeju hoạt động theo luật đặc biệt, với chủ trương “không visa, không thuế.” 

Tại Trung Đông, thành phố Dubai thuộc UAE đã xây dựng hàng chục khu kinh tế tự do thực sự hiện đại, trong đó nổi bật là Trung tâm tài chính quốc tế Dubai và Trung tâm Đa hàng hóa Dubai (DMCC). Các khu này có tính quốc tế cao, bộ máy quản lý có quyền tự chủ cao, hệ thống tòa án độc lập, xét xử theo hệ thống luật pháp và thông lệ tốt nhất của thế giới.

DMCC của UAE (được chính quyền Dubai thành lập năm 2002) hai năm gần đây chiếm vị trí đầu bảng xếp hạng của Financial Times về thu hút FDI của các đặc khu trên thế giới. DMCC đã xây dựng chiến lược thành phố thông minh, trong đó gồm chiến lược chuyển đổi sang kỹ thuật số, cung cấp tất cả dịch vụ qua mạng, cho phép các nhà đầu tư có thể truy cập dịch vụ từ thiết bị di động ở mọi nơi trên thế giới.

Thủ tục mở công ty ở DMCC chỉ mất 15 ngày; cấp đổi giấy phép chỉ mất 4 ngày và tất cả được số hóa. Từ năm 2015, DMCC cung cấp danh bạ kinh doanh cho tất cả thành viên; cho phép các thành viên kết nối với nhau trong quá trình mua bán hàng hóa và dịch vụ. Các chương trình đào tạo, hội thảo, tọa đàm và triển lãm cũng được cung cấp qua mạng cho mọi thành viên.

Tại Bắc Phi, từ năm 1999, Chính phủ Morocco đã thành lập Khu kinh tế tự do Tangier có cơ chế tự do, kết cấu hạ tầng hiện đại và cung cấp nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư. Khu này đã được Tạp chí FDI Intelligence coi là khu kinh tế tự do tốt nhất châu Phi năm 2015 trong tạo dựng môi trường đầu tư.

Khu tự do Tangier cung cấp dịch vụ hành chính “một cửa, một dấu” cho các nhà đầu tư; tất cả thủ tục hành chính đều được tiến hành tại đây. Đặc biệt, tại vùng Tây Bắc (giáp eo biển Gibraltar), Chính phủ Morocco đã xây dựng tổ hợp kết nối gồm cảng biển, sân bay, công viên công nghệ, thành phố xe hơi, khu thương mại tự do... (Tanger Med Zones), cho phép nơi đây thực hiện nhiều cơ chế thông thoáng nhằm thu hút đầu tư từ khắp thế giới.  

Nhìn chung, để xây dựng được mô hình thể chế và quản trị hiện đại cho khu kinh tế tự do, các chính phủ cần có quyết tâm cao, mạnh dạn thử nghiệm áp dụng những mô hình mới nhất của thế giới.

Tuy nhiên, chính phủ cũng cần thiết lập cơ chế giám sát quyền lực hữu hiệu đối với cơ quan quản lý đặc khu để phòng ngừa những cơ chế tự chủ có thể trở thành yếu tố gây ra tham nhũng và lộng quyền. Việc thử nghiệm những mô hình mới này không chỉ có ý nghĩa đối với sự phát triển của các khu kinh tế mà còn đối với cả tiến trình cải cách và phát triển của nền kinh tế quốc gia.