Đặc điểm thị trường

Mỗi một quốc gia đều có đặc điểm thị trường tài chính (TTTC) riêng và điều này tùy thuộc vào thể chế luật pháp cũng như môi trường kinh tế. Đặc điểm TTTC chính là thể hiện tiềm năng kinh tế của nước đó trong việc vận hành hệ thống tài chính:

Pháp: Hệ thống tài chính bao gồm 747 tổ chức tín dụng và 685 công ty đầu tư, 1.522 công ty bảo hiểm và khoảng 6.000 quỹ đầu tư.

Thị trường dịch vụ ngân hàng và dịch vụ tài chính của Pháp được tập trung rất cao với 7 tập đoàn ngân hàng nắm giữ khoảng 80% đến 90% thị phần. Các tập đoàn này là các ngân hàng toàn cầu, phục vụ các khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức một cách rất linh hoạt với tư cách là một ngân hàng thương mại hoặc ngân hàng đầu tư; một tổ chức tài chính đặc thù (tín dụng tiêu dùng, thanh toán, thẻ tín dụng); một công ty quản lý tài sản hoặc một tổ chức bảo hiểm.

Hà Lan: Hệ thống tài chính có khoảng 1.800 tổ chức tài chính với tổng tài sản xấp xỉ 5.000 tỷ Euro. Tuy nhiên, vì TTTC Hà Lan đã trải qua một quá trình hợp nhất trong suốt vài thập kỷ gần đây nên hiện nay toàn bộ thị trường dịch vụ ngân hàng và bảo hiểm nằm trong tay một số lượng nhỏ tập đoàn tài chính lớn.

Australia: Năm 2007, có 58 ngân hàng, trong đó 14 ngân hàng trong nước, 10 ngân hàng nước ngoài và 34 chi nhánh ngân hàng. Bốn ngân hàng lớn nhất là: Tập đoàn ngân hàng Australia và New Zealand, ngân hàng thịnh vượng Australia, Ngân hàng quốc gia Australia và tập đoàn ngân hàng Westpac chiếm 67% tổng tài sản các ngân hàng trong nước.

Cơ chế giám sát

Pháp: Cơ chế giám sát theo hệ thống lưỡng đỉnh trong đó Ngân hàng Trung ương (NHTW) đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát cũng như đưa ra các quy định giám sát. Năm 2003, khuôn khổ của việc giám sát tài chính được Chính phủ cải tổ lại dựa trên luật ngân hàng được ban hành năm 1941 nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quản lý tài chính và hệ thống này duy trì sự phân biệt giữa các cơ quan giám sát và cơ quan cấp phép.

Ủy ban Ngân hàng là cơ quan tách biệt về mặt pháp lý đối với NHTW nhưng vẫn phụ thuộc NHTW về mặt phê duyệt nhân sự và cấp ngân sách. Việc cấp phép cho các tổ chức tín dụng được đảm nhiệm bởi Ủy ban Tổ chức tín dụng và Công ty đầu tư, độc lập về mặt pháp lý và nằm trong NHTW Pháp. Bên cạnh đó, các hoạt động bảo hiểm được giám sát bởi cơ quan độc lập có tên là Cơ quan Giám sát bảo hiểm và trợ cấp xã hội; Bộ Kinh tế, Tài chính và Công nghiệp giữ vai trò là cơ quan cấp phép cho các công ty bảo hiểm.

Hà Lan: Giống như Pháp, cơ cấu giám sát tài chính hiện hành của Hà Lan cũng là hệ thống lưỡng đỉnh. NHTW Hà Lan chịu trách nhiệm giám sát đối với tất cả dịch vụ tài chính. Cơ quan TTTC Hà Lan chịu trách nhiệm giám sát hoạt động kinh doanh của TTTC. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm chính về hoạt động của TTTC, giám sát theo thể chế, luật pháp và việc sử dụng các quỹ công cộng trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.

Australia: Cơ quan Giám sát thận trọng Australia chịu trách nhiệm giám sát thận trọng đối với ngân hàng, đoàn thể xây dựng và liên hiệp tín dụng; bảo hiểm và hầu hết lĩnh vực phụ cấp hưu trí. Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Australia chịu trách nhiệm kiểm soát thị trường có liên quan đến dịch vụ tài chính và doanh nghiệp nói chung cũng như các chuẩn mực về pháp lý kinh doanh. Ngân hàng Dự trữ Australia chịu trách nhiệm đối với sự ổn định tài chính.

Trách nhiệm của các cơ quan giám sát

Pháp: Bộ Kinh tế, Tài chính và Công nghiệp đóng vai trò là một cơ quan đưa ra các dự thảo về pháp luật và ban hành các quy định liên quan đến hoạt động của ngân hàng, dịch vụ đầu tư, bảo hiểm.

NHTW Pháp chịu trách nhiệm giám sát thận trọng đối với các tổ chức tín dụng và các công ty đầu tư. Ủy ban Ngân hàng có trách nhiệm giám sát hệ thống ngân hàng và tài chính nhằm đảm bảo sự an toàn và ổn định tài chính. Cụ thể là Ủy ban Ngân hàng chịu trách nhiệm về giám sát thận trọng đối với các tổ chức tín dụng, nhà cung cấp dịch vụ đầu tư và những người được ủy quyền thực hiện lưu ký hoặc quản lý các công cụ tài chính. Ủy ban Ngân hàng kiểm tra các hoạt động của tổ chức tín dụng và tình trạng tài chính của các tổ chức này.

Ủy ban Tổ chức tín dụng và công ty đầu tư là nơi cấp phép cho các tổ chức tín dụng và nhà cung cấp dịch vụ đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến những tổ chức được chấp thuận và nhà cung cấp dịch vụ cho Cơ quan TTTC cũng như các cơ quan của EU.

Cơ quan TTTC chịu trách nhiệm giám sát sự bảo hộ của các khoản tiết kiệm công cộng được đầu tư vào các công cụ tài chính và các khoản đầu tư khác được chào bán công khai, công khai thông tin tài chính và hoạt động của TTTC.

Cơ quan Giám sát bảo hiểm và trợ cấp xã hội là một cơ quan công chúng độc lập và là người giám sát thận trọng trong lĩnh vực bảo hiểm. Ủy ban Công ty bảo hiểm cấp phép cho các công ty bảo hiểm, các công ty bảo hiểm tương hỗ, tổ chức tiết kiệm và các công ty bảo lãnh tái bảo hiểm nhưng không bảo lãnh bảo hiểm trực tiếp. Bên cạnh chức năng cấp phép, Ủy ban Công ty bảo hiểm có thể đưa ra các vấn đề liên quan đến cạnh tranh và những vấn đề đáng lo ngại (trực tiếp hoặc gián tiếp) đối với một công ty bảo hiểm hoặc công ty bảo lãnh tái bảo hiểm nhưng không bảo lãnh bảo hiểm trực tiếp.

Ủy ban Tư vấn về luật pháp và quy định tài chính chịu trách nhiệm đối với các vấn đề chính sách liên quan đến tổ chức tín dụng, công ty đầu tư, và công ty bảo hiểm khách hàng.

Hà Lan: Bộ Tài chính không có chức năng giám sát nhưng cùng với NHTW có trách nhiệm cho phép tiến hành tiếp quản hoặc sáp nhập các ngân hàng và công ty bảo hiểm. NHTW Hà Lan vừa là thành viên của hệ thống NHTW châu Âu (với tư cách là NHTW) vừa là một cơ quan công chúng độc lập (là một cơ quan giám sát). NHTW thực hiện chức năng giám sát thận trọng đối với các tổ chức tài chính, giám sát những vấn đề có liên quan đến phòng giao dịch và phòng tín thác.

Cơ quan TTTC chịu trách nhiệm giám sát hoạt động thị trường và các điều khoản về thông tin đối với tất cả các thành viên tham gia thị trường. Cơ quan này sẽ xây dựng các mục tiêu định hướng trong dài hạn như thúc đẩy việc tiếp cận thị trường, đảm bảo tính hiệu quả, công bằng và hoạt động trật tự của thị trường.

Australia: Cơ quan Giám sát thận trọng Australia chịu trách nhiệm giám sát thận trọng đối với ngân hàng và các tổ chức nhận tiền gửi, các công ty bảo hiểm nhân thọ và công ty bảo hiểm nói chung. Uỷ ban chứng khoán và Đầu tư Australia chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của thị trường. Ngân hàng Dự trữ Australia chịu trách nhiệm đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính nói chung. NHTW Australia áp dụng các chuẩn mực ổn định tài chính đối với các cơ quan trung ương và các thiết bị thanh toán chứng khoán.

Thực thi giám sát

Pháp: Ngoài trách nhiệm thực thi giám sát thì các cơ quan giám sát có các quyền lực thi hành tất cả lĩnh vực từ việc cấp phép, ủy quyền cá nhân đến các hoạt động kỷ luật. Các cơ quan có thể áp dụng các biện pháp hành chính dưới dạng thu hồi giấy phép, cảnh báo, khiển trách đối với các tổ chức. Các cơ quan này sẽ xếp hạng các tổ chức về mặt quản lý và sẽ áp dụng các hình thức kỷ luật thích hợp như: cảnh cáo, kiển trách hoặc cấp tạm thời hay vĩnh viễn một phần hoặc tất cả dịch vụ mà công ty được cung ứng trước đây. Trong trường hợp khủng hoảng kinh tế, hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp do NHTW Pháp toàn quyền quyết định phù hợp với hệ thống NHTW châu Âu.

Hà Lan: Cả hai cơ quan giám sát là NHTW và Cơ quan TTTC đều có quyền lực thi hành tương tự nhau dựa trên các khoản luật. Cơ quan này quyết định việc thừa nhận các cam kết tài chính trên TTTC và có quyền thu hồi giấy phép. Nếu các cơ quan giám sát phát hiện ra sự vi phạm pháp luật, họ có thể đưa ra các biện pháp khác nhau, bao gồm cả việc ban hành hướng dẫn, chỉ định người quản lý, hoặc áp dụng sự trừng phạt bằng các yêu cầu ngừng và chấm dứt, bằng hình thức phạt hoặc phạt hành chính.

Australia: Khuôn khổ của Cơ quan Giám sát thận trọng Australia chủ yếu dựa trên các nguyên tắc. Việc áp dụng các nguyên tắc này phụ thuộc vào việc đối thoại giữa các cơ quan giám sát và các thực thể chịu sự giám sát. Cơ quan Giám sát thận trọng Australia có một bộ phận để thiết lập các chuẩn mực đối với các vấn đề giám sát thận trọng trong mối liên hệ với các ngân hàng và liên hiệp tín dụng.

Sự phối hợp giữa các cơ quan giám sát

Pháp: Cơ quan chuyên trách khu vực tài chính (CACESF) là một phần quan trọng trong khuôn khổ hợp tác trong nước. Thống đốc NHTW đồng thời làm Chủ tịch của Ủy ban Ngân hàng, Chủ tịch của Cơ quan Giám sát bảo hiểm và trợ cấp xã hội, Chủ tịch Cơ quan TTTC. Các cơ quan này được thiết lập nhằm đảm bảo việc trao đổi thông tin giữa những người lãnh đạo của các cơ quan giám sát của tổ chức tài chính liên quan đến cho vay, đầu tư, hoạt động bảo hiểm và đưa ra các câu hỏi về lợi ích chung liên quan đến việc hợp tác và trao đổi thông tin. Cơ quan chuyên trách khu vực tài chính họp ít nhất là 3 lần/năm và có thể tư vấn cho Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Tài chính và Công nghiệp, Thống đốc NHTW trả lời bất kỳ câu hỏi nào có liên quan đến phạm vi có liên quan.

Khi xảy ra khủng hoảng kinh tế hoặc khủng hoảng ngân hàng, sự hợp tác được tăng cường thông qua mối liên hệ trực tiếp giữa NHTW và Ủy ban Ngân hàng. Thống đốc sẽ có các cuộc họp thường xuyên với tổng thư ký của Ủy ban Ngân hàng nhằm xem xét các vấn đề về giám sát tài chính và đặc biệt là tình trạng hiện thời của hệ thống tài chính.

Hà Lan: NHTW và Cơ quan TTTC hợp tác hoạt động với tư cách là một cơ quan giám sát thận trọng và cơ quan giám sát hoạt động thị trường. Các cơ quan này ký một hiệp ước, phác thảo thủ tục hợp tác trong việc điều hành và giám sát tài chính. Đại diện của Cơ quan TTTC ở tất cả các cấp gặp mặt thường xuyên và định kỳ để thảo luận các vấn đề về giám sát và ổn định tài chính.

Australia: Hội đồng Giám sát tài chính là cơ quan phối hợp của các cơ quan giám sát tài chính chủ chốt của Australia. Hội đồng hoạt động như một cơ quan không chính thức, trong đó các thành viên có thể chia sẻ thông tin và các quan điểm, thảo luận về cải cách giám sát hoặc các vấn đề khi trách nhiệm bị chồng chéo. Hội đồng được pháp luật quy định và giữ vai trò quan trọng trong việc giám sát và đánh giá các xu hướng của TTTC trong nước và quốc tế, có trách nhiệm tư vấn cho chính phủ.

Gợi ý cho Việt Nam

Qua nghiên cứu thực tiễn tại một số quốc gia cho thấy các nước đều có những định hướng và giải pháp rõ ràng trong việc vận hành và giám sát tài chính. Đây là bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc xây dựng quy định về giám sát nhằm giảm rủi ro cho việc điều hành hệ thống giám sát tài chính của quốc gia:

Thứ nhất, cần hoàn thiện và tái cơ cấu các cơ quan giám sát tài chính hiện tại trong các lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng và chứng khoán để hướng tới một hệ thống giám sát tích hợp và độc lập. 

Thứ hai, thực hiện giám sát và điều tiết dựa trên rủi ro theo các tiêu chuẩn quốc tế. Nâng cao tầm quan trọng của hệ thống cảnh báo sớm và tăng cường theo dõi các tổ chức tài chính lớn một cách có hệ thống. Có sự phối hợp chặt chẽ các cơ quan làm chính sách với hệ thống giám sát tài chính.

Thứ ba, cải tổ lại hệ thống pháp lý của hệ thống giám sát tài chính: 1) Cơ quan giám sát tài chính phải có được hai chức năng đó là hoạch định và giám sát việc thực thi chính sách; 2) Cơ quan giám sát phải được độc lập đối với đối tượng giám sát và ít bị chi phối bởi các quyền lực chính trị; 3) Phải có bộ luật riêng trong đó làm rõ các mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan giám sát tài chính. 

Thứ tư, hoàn thiện khung pháp lý về giám sát tài chính thống nhất, bao gồm những quy định về: Mô hình tổ chức cơ quan giám sát tài chính; Nguyên tắc của hoạt động giám sát tài chính; Nội dung giám sát tài chính...

__________________

Tài liệu tham khảo:

1. The structure of financial supervison – approaches and challenges in a Global Marketplace – Washington DC, 2008;

2. The learning from Western Financial Supervision System – Oscar Zhu, 2010; 

3. The kingdom of the netherlands: financial system stability assessment, IMF Country Report, June 2011;

 4. ACCA (2003) strategic financial management, BPP;

Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và vận hành hệ thống giám sát tài chính

ThS. NGUYỄN THỊ THÙY MINH

TCTC Online - Việc xây dựng và vận hành hệ thống tài chính được coi là hiệu quả khi tránh được tình trạng chồng chéo hoặc bỏ trống lĩnh vực giám sát. Thực tế cho thấy, việc xây dựng và vận hành hệ thống giám sát tài chính đã được Chính phủ các nước Pháp, Hà Lan, Australia đặc biệt quan tâm.

Xem thêm

Video nổi bật