Kinh tế 2015: Kỳ vọng và thách thức

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Tăng trưởng kinh tế xung quanh 6%, lạm phát trên 5% là một kịch bản được nhiều chuyên gia đưa ra cho năm 2015.

Kinh tế 2015: Kỳ vọng và thách thức
Từ nay đến cuối năm và trong năm 2015 phải đạt được những kết quả rõ nét hơn trong những khâu đột phá chiến lược đã đặt ra. Nguồn: internet

Kịch bản nào: 5,8% - 6% hay 6,2%?

Sau các số liệu kinh tế quý III và 9 tháng vừa qua, thị trường tin tưởng ở khả năng tăng trưởng kinh tế (GDP) năm nay có thể đạt, thậm chí vượt nhẹ mục tiêu đặt ra trong khi việc kiểm soát lạm phát chắc chắn tốt hơn dự kiến. Dù còn khá sớm nhưng triển vọng khả quan ấy cho phép chúng ta tạm yên tâm để hình dung sơ bộ về chiều hướng và triển vọng của nền kinh tế trong năm tới.

Năm 2015, Chính phủ dự kiến tăng trưởng GDP khoảng 6,2%, tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước so với GDP khoảng 5%, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 5%. Trong khi đó cho đến nay, hầu hết các tổ chức nước ngoài đều dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2015 sẽ ở mức dưới 6% (cao nhất là HSBC dự báo 5,8%; ADB là 5,7%; WB là 5,5%...).

Theo các chuyên gia kinh tế, sự khác biệt này cũng dễ hiểu bởi một mặt phản ánh những quyết tâm, nỗ lực của chúng ta, nhưng đồng thời cũng cho thấy Việt Nam cần thận trọng vì năm 2015 là năm mà nhiệm vụ trọng tâm là tái cơ cấu (TCC) nền kinh tế đã đặt ra cần có những bước tiến rõ rệt; những đột phá về nguồn lực, thể chế, kết cấu hạ tầng cũng cần các kết quả rõ nét.

Xét trong bối cảnh ấy, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, triển vọng tăng trưởng GDP năm tới sẽ xoay quanh 6% trong khi lạm phát chắc chắn sẽ cao hơn năm nay, quanh mức 5,5%. Trong khi đó, theo TS. Võ Trí Thành - Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), xét trong tương quan giữa cơ hội với những khó khăn, đặc biệt về dư địa chính sách thì mức tăng trưởng GDP khoảng 5,8% - 6% của năm tới cũng là “ổn”.

Nhìn tổng thể, các khó khăn vẫn rất nhiều - theo dự báo của các chuyên gia. Các dự báo, cập nhật gần đây nhất của các tổ chức, đều điều chỉnh giảm mức tăng trưởng GDP toàn cầu so với các lần dự báo trước đó, kéo theo thương mại toàn cầu khó bứt phá nên ít nhiều ảnh hưởng đến nền kinh tế mở của Việt Nam.

“Trong nước, chính sách tiền tệ gánh trên vai đã nặng trong khi dư địa cho chính sách tài khóa cũng rất eo hẹp, áp lực chi ngân sách vẫn tăng trong lúc tăng thu ngân sách không dễ dàng và chúng ta lại muốn hướng đến giảm thâm hụt ngân sách trong trung hạn. Hàng loạt các vấn đề khác như TCC, xử lý nợ xấu, đặc biệt là các vấn đề pháp lý liên quan không dễ giải quyết hết trong một sớm một chiều” - TS. Thành phân tích.

Quan trọng là “chất và làm thật”

Theo TS. Thành, Việt Nam vẫn rất cần tăng trưởng kinh tế bởi hiệu ứng đi kèm với đó là công ăn việc làm, là thu nhập cho người dân... Do đó, quan trọng nhất không phải ở chỗ sẽ tăng trưởng GDP được 6,2%; 6% hay chỉ 5,8% mà quan trọng là đẩy mạnh cải cách cơ cấu. Một cơ hội mà việc hội nhập mạnh hơn với kinh tế khu vực và toàn cầu mang lại, từ những hiệp định mà Việt Nam đã tham gia, đặc biệt là tới đây các hiệp định, các FTA lớn mà Việt Nam sẽ tham gia, chính là động lực để cải cách thể chế, cơ cấu kinh tế mạnh hơn nữa.

“Quyết tâm và làm mạnh, làm thật có ý nghĩa hơn là những con số cụ thể” - chuyên gia này nhìn nhận. Theo nghĩa đó, thị trường muốn thấy tính nhất quán, tính kế thừa của chương trình TCC không chỉ trong 2015 mà cả những năm tiếp theo.

Một yếu tố quan trọng khác là phải tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô (KTVM) theo nghĩa rộng hơn. Theo đó, mặc dù có thể riêng vấn đề lạm phát đã kiểm soát tốt hơn, nhưng không có nghĩa là đảm bảo tổng thể môi trường KTVM ổn định vì còn rất nhiều vấn đề còn đang “ngổn ngang” như bội chi ngân sách, nợ công, vấn đề kiểm soát rủi ro của hệ thống ngân hàng... vẫn cần nỗ lực giải quyết mạnh mẽ và quyết liệt hơn.

Bởi, nếu KTVM bất ổn thì thành viên thị trường sẽ dồn nguồn lực để đầu cơ chứ không đầu tư theo đúng nghĩa tạo ra giá trị gia tăng bền vững. Bất ổn khiến cho ai cũng bị ảnh hưởng, đặc biệt là các đối tượng yếu thế hơn trong xã hội. Hơn nữa, bất ổn cũng sẽ khiến hệ thống tài chính ngân hàng yếu đi và càng khó có cơ sở cho TCC, phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả.

Lực kỳ vọng, từ nay đến cuối năm và trong năm 2015 phải đạt được những kết quả rõ nét hơn trong những khâu đột phá chiến lược đã đặt ra. “Ba đột phá chiến lược về nguồn nhân lực, thể chế và kết cấu hạ tầng đã đặt ra nhưng chưa có được bước tiến rõ nét. Các khâu này cần có được những kết quả cụ thể hơn trong năm 2015” - TS. Lực nói.

Riêng trong vấn đề lạm phát, TS. Lực lưu ý, áp lực có thể đến từ các rủi ro bên ngoài, đặc biệt là các bất ổn về địa chính trị và khả năng giá các hàng hóa cơ bản như dầu mỏ vẫn có thể bật tăng. Trong khi đó ở trong nước, nếu như sự phối hợp chính sách không tốt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và đầu tư công thì cũng vẫn có thể tạo ra những rủi ro nhất định đối với lạm phát.