Kinh tế năm 2014 đi theo hướng nào?

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Theo nhận định của một số chuyên gia, nền kinh tế nước ta đang dần hồi phục. Theo đà này, năm 2014 và 2015, kinh tế sẽ tăng trưởng khả quan hơn. Thế nhưng, cũng có những nhận định cho rằng hai năm tới, kinh tế sẽ vẫn đi ngang như hiện nay.

Kinh tế năm 2014 đi theo hướng nào?
Năm 2014, đầu tư công sẽ có thêm nguồn từ phát hành thêm trái phiếu. Nguồn: internet

Chỉ tiêu quan trọng nhất của nền kinh tế là tốc độ tăng trưởng GDP. Mới đây, Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014, trong đó, chốt tốc độ tăng GDP đạt 5,8%, cao hơn mức 5,4% của năm nay. Ngoài ra, một số chỉ số quan trọng khác là lạm phát giữ nguyên 7%, bội chi ngân sách bằng 5,3% GDP, tổng vốn đầu tư xã hội bằng 30% GDP...

Trong khi nhiều quan điểm lo ngại về khó khăn của nền kinh tế nước ta trong năm tới, nhưng Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC tại Việt Nam Summit Dutta lại có những góc nhìn tích cực. Theo đó, dự đoán về dự báo vĩ mô của Việt Nam hai năm tới thì GDP vẫn tăng trưởng ở mức cẩn trọng, đạt 2.500 USD vào năm 2015. CPI ở mức một con số năm 2014 và 2015. Cán cân thương mại cũng tăng trưởng. Dự đoán VND so với USD cũng sẽ duy trì ở mức ổn định. Dự trữ ngoại hối năm 2013 khoảng 30 tỷ USD, năm 2014 khoảng 40 tỷ USD và năm 2015 khoảng 45 tỷ USD.

Theo các chuyên gia kinh tế, một trong những điểm khác biệt giữa năm nay và năm tới sẽ ở việc tăng đầu tư công. Bởi năm 2014, đầu tư công sẽ có thêm nguồn từ phát hành thêm trái phiếu. Như vậy, nếu như năm 2013, chủ yếu chính sách tiền tệ phát huy tác dụng đối với các yếu tố tỷ giá, lạm phát, tăng trưởng… thì năm 2014, sẽ thêm yếu tố tăng đầu tư công. TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, tăng đầu tư công và một số yếu tố khác khởi sắc, sẽ góp phần giúp tăng trưởng kinh tế năm 2014 tốt hơn.

Cũng theo ông Lê Xuân Nghĩa, năm 2014, dự báo có thể tăng trưởng GDP tốt, do FDI tăng. Quan trọng là tốc độ tăng của giải ngân vốn tốt hơn. Vì lâu nay, vốn đăng ký rất lớn, nhưng tốc độ tăng giải ngân chậm. Năm 2014 có những động lực để giải ngân tăng lên khi có nhiều mong đợi cơ hội từ TPP và đầu tư công cũng tăng lên. Bởi trước đó, Chính phủ tuyên bố dùng thâm hụt ngân sách để đầu tư công. Và quan trọng hơn nữa là ứng vốn trước của năm 2016 – 2020 được sử dụng trước nên năm tới có thể có đến 400 nghìn tỷ vốn đầu tư công, giúp thúc đẩy cầu của doanh nghiệp và tư nhân cải thiện.

Ngoài những yếu tố tích cực vừa rồi, từ tháng 9 năm nay, kinh tế được cho là dò đáy đi lên, xuất khẩu cũng đã có khởi sắc, mức lãi suất ngân hàng khá ổn định. Đó là bằng chứng cho thấy chính sách tiền tệ đã có tín hiệu khá tốt, và đang tiếp tục duy trì trong những năm tới đây.

Cũng theo các chuyên gia kinh tế, năm nay, tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 29% GDP. Năm 2014, với mức vốn đầu tư công tăng mạnh, thì tổng vốn đầu tư toàn xã hội có thể tăng lên mức 31 đến 32% GDP. Tuy nhiên, việc tăng được vốn đầu tư toàn xã hội, còn phụ thuộc vào việc điều hành chính sách tiền tệ, mà cụ thể là tăng trưởng tín dụng.

Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, với những thành công trong năm nay, năm 2014, ổn định giá trị đồng tiền vẫn là mục tiêu chính sách quan trọng.

Theo đó, cần ổn định giá trị đồng tiền, ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, nhưng kiểm soát không tăng mạnh cung tiền. Bên cạnh đó thì cần tiếp tục sử dụng đồng bộ, linh hoạt chính sách tiền tệ, theo dõi sát diễn biến tiền tệ để xử lý lãi suất và tiền cung ứng. Đặc biệt giải pháp tín dụng. Ngân hàng Nhà nước sẽ thống nhất ý kiến chuyên gia, mở rộng tín dụng phải đi đôi an toàn và hiệu quả của tín dụng.

Mặc dù nhiều quan điểm nhìn nhận tích cực về kinh tế năm 2014, tuy nhiên, cũng có chuyên gia kinh tế cho rằng, kinh tế năm tới vẫn không thay đổi là mấy so với năm nay. Các chỉ tiêu vĩ mô đạt được như hiện nay là tích cực, nhưng vẫn còn mong manh. Nhất là năm tới, việc tăng đầu tư công kích thích nền kinh tế, kích thích cầu hàng hóa, nhưng cũng có thể gây áp lực đến cung tiền và lạm phát, tỷ giá và ổn định vĩ mô. Do đó, 2014 vẫn là một năm khó khăn, cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.