Kinh tế năm 2017 không có dấu hiệu bất ổn

TS. Trần Du Lịch

Phân tích các biến số vĩ mô của nền kinh tế cho thấy, năm 2017, kinh tế Việt Nam không tiềm ẩn những dấu hiệu bất ổn mà ngược lại sẽ phát triển ổn định.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Dự báo lạc quan

Thứ nhất, về tăng trưởng GDP 6,7% tuy khá cao nhưng vẫn có cơ sở có thể đạt được. Bởi nền kinh tế vẫn đang trong chu kì tăng trưởng và Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường ổn định về chính trị, kinh tế, xã hội, hấp dẫn các dòng vốn đầu tư.

Cần lưu ý là World Bank mới đây có đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2017 có thể đạt từ 6,3% và cải thiện tốt ở 2017-2018. Theo phân tích của World Bank, tăng trưởng GDP năm 2016 của Việt Nam dự kiến xoay quanh 6% nhờ sức cầu mạnh trong nước và các ngành sản xuất chế tạo, chế biến định hướng xuất khẩu và dự kiến sẽ tăng lên 6,3% trong 2017-2018 và dự đoán tốc độ tăng trưởng trung hạn có thể đạt 6,5-6,7%.

Với bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay, như vậy là chấp nhận được. Tuy nhiên, vấn đề là hướng tới phát triển bền vững. Hiện nay chất lượng tăng trưởng đang tăng dần và ổn định, tạo tiền đề cho nền kinh tế khởi sắc trong thời gian tới. Do đó, chúng ta có cơ sở lạc quan về chỉ tiêu tăng trưởng của 2017 của nền kinh tế.

Thứ hai, về biến số lạm phát, mục tiêu kiểm soát lạm phát của nền kinh tế đặt ra năm 2017 dưới 4% cũng hoàn toàn trong tầm khả thi. Bởi chỉ số lạm phát cơ bản của Việt Nam chỉ ở khoảng 2,5-2,7%, trong đó chủ yếu phụ thuộc các yếu tố nguyên liệu và giá xăng dầu tăng.

Theo đó nếu lạm phát kiểm soát dưới 4% sẽ đóng vai trò là “dầu bôi trơn”, không có vấn đề đối với kinh tế Việt Nam. Dự báo này được giữ nguyên cho vài năm sau.

Thứ ba, Chính phủ cũng đặt chỉ tiêu trần nợ công giữ dưới 65% như chỉ tiêu mà Quốc hội đã thông qua với tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Quan sát nợ công nhiều năm, với cơ cấu nợ công và khả năng trả nợ của Việt Nam hiện tại sẽ không có vấn đề xảy ra và càng không có chuyện vỡ nợ. Trong mấy năm gần đây nhất chúng ta chịu áp lực hàng năm phải đáo hạn so với nguồn thu ngân sách không lớn, do Chính phủ đã phát hành trái phiếu trung hạn nhiều trước đó. Nay với nỗ lực cơ cấu lại tỷ trọng phát hành trái phiếu, giảm số lượng trái phiếu trung hạn từ 2018, nợ công sẽ bớt áp lực.

Một yếu tố cần lưu ý ở 2017 đó là tỷ giá ngoại tệ. Dự báo năm 2017 đồng đô la Mỹ sẽ tiếp tục xu hướng tăng giá và đồng nội tệ cũng vậy. Trong ngắn hạn, đó sẽ là vấn đề với các thị trường mới nổi.

Tuy nhiên, với dự trữ ngoại hối dồi dào và sự chủ động của cơ quan quản lý thị trường, tỷ giá sẽ không ở ngoài tầm kiểm soát. Những biến động tỷ giá thời gian qua dẫn đến những tin đồn vô cớ chủ yếu là do vấn đề tâm lý chứ không phải căng thẳng cung cầu ngoại tệ.

Điều gì hậu thuẫn cho sự ổn định?

Bên cạnh các biến số vĩ mô chính, Việt Nam đang có những yếu tố hậu thuẫn cho nền kinh tế phát triển tốt. Ví dụ như thông điệp và quyết tâm thực hiện thông điệp “Chính phủ kiến tạo”.

Thị trường hy vọng có thêm nguồn lực để sử dụng như vốn mồi khi chính phủ khẳng định “Chính phủ sẽ không bán sữa, bán bia”, tức chính phủ đang nỗ lực và quyết tâm thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước khỏi những lĩnh vực không thuộc nhóm cần giữ để đảm bảo an ninh quốc phòng, kinh tế, xã hội.

Trong bức tranh đó, tương quan của các kênh đầu tư sẽ phụ thuộc lớn vào thị trường tiền tệ, bao gồm câu chuyện nợ xấu và quá trình xử lý nợ xấu. Ở thị trường địa ốc, hiện Ngân hàng Nhà nước đang xem xét có dấu hiệu “bong bóng” không. Nhưng quan sát cho thấy bất động sản tương đối ổn định và cũng không có dấu hiệu đổ vỡ hoặc đóng băng”.

Xét bên ngoài, lưu ý nền kinh tế Việt Nam đang được đặt trong bức tranh chuyển động kinh tế toàn cầu với tác nhân rất quan trọng vừa xuất hiện, là Tổng thống Mỹ Donald Trump đắc cử. Rất nhiều người lo ngại những chính sách của tân Tổng thống Mỹ sẽ có tác động tiêu cực. Xin khẳng định với một nền kinh tế có kim ngạch xuất khẩu 160 tỷ USD, quy mô của chúng ta còn nhỏ, ít chịu tác động từ sự lên xuống thất thường của kinh tế, các thị trường tài chính toàn cầu.

Chúng ta nên dành lo lắng để tập trung cho những vấn đề chính của Việt Nam như làm sao để đạt bài toán tăng trưởng cao và bền vững, khơi mở được những “chìa khóa” cho nền kinh tế gồm khởi nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển công nghiệp hỗ trợ, xây dựng ý thức kinh doanh bằng trí tuệ để cạnh tranh với toàn cầu…

Có thể thấy, ở giai đoạn hiện nay, TPP đang bị Chính phủ của Tân Tổng thống Mỹ đình lại. Song vẫn rất khó dự báo bởi Tổng thống Mỹ là nhân vật khó đoán về chiến lược. Sau 1 giai đoạn tiếp nhận cương vị đứng đầu Quốc gia Hoa Kỳ, ông đã cho thấy những gì ông tranh cử và những gì ông làm hoàn toàn khác nhau kể cả đối nội lẫn đối ngoại được thể hiện ở một số động thái từ thực tế.

Tuy nhiên, chúng ta có thể dự đoán rằng: Nền chính trị Mỹ thay Tổng thống thì có 1000 vị trí đi theo, được Lưỡng viện thông qua. Tổng Thống không thể tự bổ nhiệm nếu không có sự ủng hộ của Lưỡng viện, đặc biệt là Thượng viện. Do đó, TPP có thể sẽ liên quan và chưa biết sẽ như thế nào cho đến kết thúc quý I/2017.

Dù vậy, tôi khẳng định TPP là một chuyện khó dự báo và nếu được khởi động lại sớm hơn, sẽ là hiệu ứng rất tốt cho Việt Nam. Trong trường hợp tiếp tục bị hoãn, chúng ta vẫn đang có một kinh tế hoàn toàn mở cửa hơn 10 Hiệp định đã được ký kết song phương và đa phương, đủ cơ sở để tiếp tục hành trình hội nhập sâu rộng với toàn cầu.