Kinh tế quý I: Chưa thể lạc quan

Theo nhandan.org.vn

(Tài chính) Các số liệu do Tổng cục Thống kê công bố mới đây cho thấy, tình hình kinh tế quý I năm nay có nhiều điểm sáng đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ các số liệu, không ít ý kiến cho rằng chưa thể lạc quan về bức tranh kinh tế này.

 Kinh tế quý I:  Chưa thể lạc quan
Tình hình kinh tế quý I năm nay có nhiều điểm sáng đáng ghi nhận nhưng chưa thể lạc quan. Nguồn: internet

Dấu hiệu tích cực

"Với mức tăng ước đạt 4,96%, tốc độ tăng trưởng GDP quý I năm nay đã cao hơn mức tăng 4,76% của quý I/2013, thậm chí cao hơn cả mức tăng 4,75% của quý I/2012. Ðiều này cho thấy nền kinh tế có dấu hiệu chuyển biến tích cực". Vụ trưởng Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư) Bùi Hà cho biết như vậy tại cuộc họp giao ban tình hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đầu tư tháng 3 vừa qua.

Tốc độ tăng trưởng GDP quý I năm nay cao nhất trong ba năm gần đây chính là cơ sở tốt tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế trong quý II và những tháng tiếp theo, tiến tới mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm đạt 5,8%. Trong mức tăng trưởng GDP này, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng bền vững với mức tăng 2,37%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,69% và khu vực dịch vụ tăng 5,95%.

Sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi so với năm 2013, khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,2%, cao hơn mức tăng 4,9% của cùng kỳ. Trong các ngành công nghiệp, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng cao nhất ở mức 7,3% (cao hơn 2% so với cùng kỳ năm 2013), tiếp tục dẫn dắt toàn ngành công nghiệp, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, ngành công nghiệp khai khoáng lại có mức tăng trưởng giảm. Tuy nhiên, đây lại là dấu hiệu tốt cho nền kinh tế khi chúng ta không khuyến khích tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Không chỉ vậy, một loạt các cân đối vĩ mô khác cũng có dấu hiệu cải thiện như cán cân xuất, nhập khẩu đã thặng dư khi trong quý I xuất siêu khoảng 1 tỷ USD, bằng 3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Xuất siêu có được nhờ kim ngạch xuất khẩu trong quý I tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 33,35 tỷ USD, trong khi kim ngạch nhập khẩu ước đạt 32,34 tỷ USD, tăng 12,4%. Bên cạnh đó, lạm phát quý I cũng ở mức thấp 0,8%, là cơ sở để các ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất huy động, từ đó hạ lãi suất cho vay, tạo điều kiện hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp. Người dân cũng được hưởng lợi khi giá cả ổn định ở mức thấp.

Chưa thể lạc quan

Mặc dù bức tranh kinh tế quý I có nhiều điểm sáng nhưng theo Phó Vụ trưởng Kế hoạch (Bộ Công thương) Huỳnh Ðắc Thắng, cần phân tích tình hình một cách thận trọng hơn. Chẳng hạn như việc đánh giá chỉ số tồn kho và chỉ số sản xuất, tiêu thụ vẫn rất rời rạc, chỉ số tồn kho (13,4%) vẫn cao hơn chỉ số tiêu thụ (4,3%) cho thấy sản xuất nhiều nhưng không tiêu thụ được... "Nếu nhìn vào các chỉ số sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ba tháng đầu năm (tăng 5,1% đã loại trừ yếu tố giá)... thì có thể tình hình kinh tế đã tốt hơn. Nhưng tại sao tốt hơn mà lạm phát lại thấp như vậy? Ở một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, nếu không có mức độ lạm phát nhất định thì khó tăng trưởng cao được", Phó Vụ trưởng Huỳnh Ðắc Thắng băn khoăn.

Tuy nhiên, Vụ trưởng Tổng hợp kinh tế quốc dân Bùi Hà lại cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước tháng 3 giảm 0,44% nhưng vẫn tăng tới 4,39% so với cùng kỳ năm 2013. Nếu tính bình quân thì CPI ba tháng đầu năm vẫn tăng tới 4,83% so với cùng kỳ năm trước, cao gấp hai lần so với giới hạn đỏ 2% mà Liên minh châu Âu đưa ra. "Chúng ta không nên quá lo lắng về CPI thấp, ngược lại nếu duy trì được CPI cả năm dưới mức 5% đã là một may mắn với nền kinh tế", Vụ trưởng Bùi Hà nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm này, Tổng cục trưởng Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng, chỉ số CPI quý I thấp nhất trong 10 năm gần đây là tín hiệu đáng mừng. CPI tăng thấp không phải chủ yếu do tổng cầu thấp, mà tổng cầu chỉ là một trong số những nguyên nhân. Còn nguyên nhân chính là do giá lương thực, thực phẩm ổn định; lượng cung hàng hóa dồi dào, cùng với đó là việc thực hiện phối hợp chính sách kiểm soát lạm phát khá hiệu quả. Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân quan trọng là người tiêu dùng chi tiêu hợp lý, tiết kiệm hơn.

Nhìn nhận xu hướng hồi phục kinh tế, theo Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm, con số tăng trưởng GDP quý I năm nay cao hơn cùng kỳ các năm trước chưa phản ánh rõ nét xu hướng này. "Lẽ ra phải tính toán được con số GDP quý I tăng bao nhiêu so với quý IV/2013 thì mới nhận định chính xác được tình hình. Các nước trên thế giới đều tính được con số này nhưng Việt Nam hiện vẫn chưa làm được nên chỉ có thể tính GDP so với cùng kỳ năm trước. Và nếu nhìn nhận chỉ số GDP quý I năm nay so với quý I các năm trước đây thì có thể thấy kinh tế có dấu hiệu phục hồi. Song, mức tăng trưởng 4,96% của quý I năm nay vẫn thấp hơn quý I/2010 và quý I/2011 là những năm nền kinh tế phát triển bình thường" - Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm phân tích.

Nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, TS. Lê Ðình Ân cho rằng, tình hình kinh tế mặc dù có một số điểm sáng đáng ghi nhận nhưng chưa thể khẳng định tăng trưởng kinh tế có sự bứt phá bởi tốc độ tăng trưởng GDP của quý I năm nay vẫn thấp hơn quý II, quý III và quý IV của năm trước, thậm chí chưa trở lại mức bình thường của các năm từ 2011 trở về trước. Tăng trưởng kinh tế thời gian qua vẫn chủ yếu nhờ vào xuất khẩu, mà chủ yếu là xuất khẩu của khu vực FDI với các mặt hàng xuất khẩu có tỷ lệ gia công cao như điện tử, dệt may, da giày,... Tín dụng tăng trưởng âm thì không thể nói tăng trưởng kinh tế nhờ tín dụng. Theo TS. Lê Ðình Ân, mô hình phát triển kinh tế của nhiều nước trên thế giới chú trọng vào nội lực là chính, trong khi nước ta lại dựa quá nhiều vào bên ngoài, vẫn xuất khẩu là chính, nội lực của thị trường trong nước còn yếu. Ðây chính là nguyên nhân khiến thị trường thế giới mỗi khi biến động thì lập tức kinh tế trong nước bị ảnh hưởng. Ðơn cử như mặt hàng gạo vừa qua, kim ngạch xuất khẩu bị sụt giảm mạnh.

Phân tích số liệu xuất, nhập khẩu quý I, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cũng đưa ra nhận xét: Kể cả trị giá xuất khẩu và nhập khẩu đều cao hơn GDP. Ðây là lần đầu có hiện tượng này, càng chứng tỏ độ mở của nền kinh tế rất cao. Hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng kinh tế Việt Nam dựa chủ yếu vào xuất khẩu, nhưng cũng có quan điểm tăng trưởng kinh tế phải dựa vào tổng cầu trong nước. Ðây là điều đáng lưu tâm trong việc hoạch định các chính sách.

"Ðể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong các quý tới, theo tôi, cần thực hiện đồng bộ một loạt các giải pháp. Trước hết, Nhà nước phải đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đã phân bổ trong kế hoạch năm 2014 ngay từ các tháng đầu năm. Tranh thủ thanh khoản của các ngân hàng còn dồi dào, Chính phủ nên phát hành trái phiếu để lấy vốn đầu tư xây dựng cơ bản và thực hiện các công việc khác. Bên cạnh đó, cần mở kênh tín dụng cho thông thoáng hơn.

Từ quý II trở đi, cần kích cầu cho nông nghiệp, nông thôn để đẩy mạnh tiêu dùng. Khuyến khích người dân sản xuất các sản phẩm có sức cạnh tranh cao hơn, chứ không chỉ ưu tiên sản phẩm lúa gạo.

Cổ phần hóa doanh nghệp nhà nước mạnh lưu ý tiền thu được từ cổ phần hóa cần đưa vào kế hoạch và sử dụng có hiệu quả như đầu tư hạ tầng, phát triển sản xuất kinh doanh. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước phải đi liền với việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo hướng hiện đại, cơ chế quản lý rõ ràng, minh bạch và hiệu quả".

TS. Lê Ðình Ân, Nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia

"Từ đầu năm đến nay, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã mua khoảng 85% lượng trái phiếu chính phủ phát hành (số liệu đến ngày 18-3, tổng lượng trái phiếu chính phủ phát hành khoảng 78 nghìn tỷ đồng). Việc các TCTD tăng cường đầu tư vào trái phiếu Chính phủ là sự linh hoạt trong việc sử dụng vốn khi tín dụng chưa thể mở rộng trong những tháng đầu năm. Kênh đầu tư vào trái phiếu Chính phủ là một trong những kênh được các TCTD lựa chọn, vừa được hưởng lãi, vừa tăng dự trữ thanh khoản".

Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước)