Kinh tế xanh hướng tới phát triển bền vững và xóa đói, giảm nghèo

TS. Trần Thanh Lâm - Viện Tài nguyên nước và Môi trường Đông Nam Á

Trong những năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI đã liên tiếp xảy ra các cuộc khủng hoảng kinh tế, biến đổi khí hậu và những cảnh báo về giới hạn khai thác tài nguyên và hệ sinh thái. Thực tế này đòi hỏi nhiều quốc gia phải chuyển dịch mô hình tăng trưởng hiện có. Theo đó, hướng tiếp cận “nền kinh tế xanh” đang được quan tâm và phát triển.

 Kinh tế xanh hướng tới phát triển bền vững và xóa đói, giảm nghèo
Khái niệm “kinh tế xanh” ngày càng được công nhận là mô hình phù hợp làm nền tảng cho phát triển bền vững. Nguồn: Internet

Khái niệm nền "kinh tế xanh” 

Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) định nghĩa nền "kinh tế xanh” là: “Nền kinh tế nâng cao đời sống con người và cải thiện công bằng xã hội, đồng thời giảm thiểu đáng kể những rủi ro môi trường và những thiếu hụt sinh thái”. Nói một cách đơn giản, nền kinh tế xanh có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả tài nguyên và hướng tới công bằng xã hội. Trong nền “kinh tế xanh”, tăng trưởng về thu nhập và việc làm được tạo ra thông qua những khoản đầu tư của nhà nước và tư nhân nhằm giảm thiểu phát thải các-bon, giảm ô nhiễm, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học. Đường lối phát triển phải hướng vào duy trì, cải thiện nguồn vốn tự nhiên và phục hồi nếu cần thiết, bởi đây là tài sản kinh tế quan trọng và là nguồn lợi chung, đặc biệt đối với những người nghèo bởi sinh kế và an sinh của họ phụ thuộc nhiều vào tự nhiên. 

Khái niệm “kinh tế xanh” không thay thế khái niệm bền vững, nhưng nó ngày càng được công nhận là mô hình phù hợp làm nền tảng cho phát triển bền vững. Tính bền vững là một mục tiêu dài hạn quan trọng, nhưng xanh hóa nền kinh tế là phương tiện đưa chúng ta tới đích. 

Đầu tư để xanh hóa nền kinh tế

Để chuyển dịch sang nền kinh tế xanh phải vượt qua những thách thức nào và còn cách nền kinh tế xanh bao xa? Để trả lời câu hỏi này, hãy nhìn lại một phần tư thế kỷ qua, nền kinh tế thế giới đã tăng trưởng, đem lại lợi ích cho hàng trăm triệu người. Tuy nhiên, 60% các hàng hóa và hệ sinh thái của thế giới, là cơ sở sinh kế quan trọng lại đang xuống cấp hoặc đang bị sử dụng thiếu bền vững. Nguyên nhân là do tăng trưởng kinh tế trong hàng thế kỷ qua đều chủ yếu thông qua khai thác tài nguyên thiên nhiên, không chú ý nhiều tới khả năng tự tái tạo, khiến hệ sinh thái đang ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Vì vậy, bước quá độ sang nền kinh tế xanh ở các quốc gia rất khác nhau, phụ thuộc vào đặc thù về vốn tự nhiên và vốn con người, cũng như việc nhận thức, trình độ phát triển của mỗi quốc gia.

Thực tế cho thấy, một số nước đạt mức phát triển con người ở trình độ cao, nhưng thường phải trả giá bằng nguồn tài nguyên thiên nhiên, chất lượng môi trường và mức phát thải khí nhà kính cao. Thách thức đặt ra đối với các nước này là giảm thiểu dấu chân hệ sinh thái cá nhân mà không giảm chất lượng cuộc sống. Trong khi nhiều quốc gia duy trì dấu chân sinh thái trên đầu người ở mức thấp, nhưng cần nâng cao chất lượng dịch vụ và vật chất cho người dân. Thách thức đặt ra với các quốc gia này lại là đạt được mục tiêu phát triển, đồng thời không tăng quá mức dấu chân sinh thái. Hầu như tất cả các quốc gia đều phải đối mặt với một trong hai thách thức trên. 

Những xu thế đặc thù của quá trình chuyển dịch sang nền “kinh tế xanh”, đó là:

Nền “kinh tế xanh” ghi nhận giá trị và vai trò của đầu tư vào vốn tự nhiên nhằm bảo vệ đa dạng sinh học, kết cấu sống của hành tinh. Đa dạng sinh học đóng góp cho phúc lợi của con người và cung cấp cho các nền kinh tế nguồn tài nguyên đầu vào có giá trị cũng như các dịch vụ điều hòa hướng tới một môi trường vận hành an toàn. Tuy nhiên, những “dịch vụ hệ sinh thái” chủ yếu mang bản chất hàng hóa và dịch vụ công cộng nên không được lượng hóa giá trị kinh tế đầy đủ. Điều này là một trong những nguyên nhân chính khiến giá trị của đa dạng sinh học không được đánh giá đúng mức và quản lý yếu kém gây nhiều tổn thất, trong khi giá trị kinh tế của các dịch vụ hệ sinh thái là một phần cơ bản của vốn tự nhiên. 

Nền “kinh tế xanh” là trụ cột để giảm nghèo. Tình trạng nghèo kinh niên là hình thức dễ thấy nhất của bất bình đẳng xã hội, cũng như bất bình đẳng trong tiếp cận với giáo dục, y tế, tín dụng, cơ hội thu nhập. Một đặc tính quan trọng của nền “kinh tế xanh” là nó tìm cách cung cấp các cơ hội đa dạng cho phát triển kinh tế và xóa đói, giảm nghèo mà không thanh lý hoặc làm xói mòn tài sản tự nhiên của quốc gia. Điều này đặc biệt cần thiết ở các nước có thu nhập thấp, nơi sinh kế chủ yếu của cộng đồng nghèo nông thôn là hàng hóa và dịch vụ hệ sinh thái. Hệ sinh thái và các dịch vụ cung cấp một mạng lưới an sinh chống lại thiên tai và khủng hoảng kinh tế.

Nền “kinh tế xanh” tạo ra việc làm và cải thiện công bằng xã hội. Thực tế, các nước tiến tới một nền “kinh tế xanh” đã nhìn thấy khả năng tạo việc làm và tiềm năng có thể được nhân lên khi tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực xanh. Vì vậy, họ đã đưa ra những gói kích thích tài chính tăng cường việc làm với các hợp phần “xanh” quan trọng.

Nền “kinh tế xanh” sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ các-bon thấp thay thế cho nhiên liệu hóa thạch. Nguồn cung cấp năng lượng tái tạo ngày càng tăng sẽ giảm những rủi ro về biến động giá nhiên liệu hóa thạch, đồng thời đạt được lợi ích giảm phát thải khí nhà kính (Greenhouse gases -GHGs) vì hệ thống năng lượng dựa trên nhiên liệu hóa thạch hiện nay là gốc rễ của hiện tượng biến đổi khí hậu (BĐKH). Ngành năng lượng chiếm tới 2/3 lượng phát thải GHGs và chi phí thích ứng với BĐKH ước đạt 50 tỷ - 170 tỷ USD vào năm 2030, trong đó các nước đang phát triển có thể phải gánh chịu một nửa chi phí đó. Nhiều quốc gia, đặc biệt những nước nhập khẩu dầu ròng phải đứng trước thách thức giá nhiên liệu hóa thạch tăng cao. Chính vì vậy, đầu tư vào các nguồn tái tạo có sẵn (thậm chí dồi dào ở nhiều nơi) có thể cải thiện đáng kể an ninh năng lượng, nói rộng ra là an ninh kinh tế và tài chính. Ngoài ra năng lượng tái tạo còn mang lại nhiều cơ hội kinh tế lớn. 

Một nền kinh tế xanh hướng tới lối sống đô thị bền vững và giao thông các-bon thấp. Khu vực thành thị ngày nay là nơi cư trú của hơn 50% dân số thế giới, tiêu thụ 50% - 60% năng lượng và phát thải 75% tổng lượng GHGs. Đô thị hóa nhanh chóng đang gia tăng về áp lực cung cấp nước sạch, hệ thống thoát nước và y tế cộng đồng, thường gây nên kết cấu hạ tầng nghèo nàn, hoạt động môi trường suy giảm và chi phí chăm sóc sức khỏe công cộng cao. Trong bối cảnh đó, cơ hội duy nhất cho các thành phố tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm lượng khí thải cũng như rác thải là nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ thiết yếu thông qua các phương thức giao thông cải tiến, các-bon thấp, giúp tiết kiệm tiền, đồng thời cải thiện năng suất và công bằng xã hội.

Để chuyển đổi sang nền “kinh tế xanh” hiệu quả

Để chuyển đổi thành công sang nền “kinh tế xanh” cần đặc biệt phải chú ý tới khung chính sách hỗ trợ phù hợp. Khung chính sách này bao gồm các biện pháp tài chính và cải cách chính sách quốc gia, hợp tác quốc tế thông qua thương mại, viện trợ, phát triển thị trường, hỗ trợ xây dựng năng lực và những bước cần thiết để vận động tài chính cho quá trình chuyển đổi. Cụ thể:

Thiết lập những khuôn khổ pháp lý phù hợp. Khuôn khổ pháp lý được thiết kế phù hợp có thể xác định quyền và tạo động lực định hướng hoạt động kinh tế xanh, cũng như loại bỏ rào cản đối với các khoản đầu tư xanh và điều tiết những hành vi thiếu bền vững có hại, bằng cách tạo ra các tiêu chuẩn tối thiểu hoặc ngăn cấm hoàn toàn một số hoạt động. Hơn nữa, khuôn khổ pháp lý đầy đủ giúp giảm rủi ro trong các quy định và kinh doanh, cũng như tăng độ tin cậy của nhà đầu tư và thị trường. Hoạt động doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn khi những tiêu chuẩn rõ ràng và thực thi hiệu quả do không phải đối phó với các yếu tố bất định hoặc sự cạnh tranh không lành mạnh từ những doanh nghiệp không tuân thủ. Những thỏa thuận tự điều tiết trong công nghiệp và thỏa thuận tự nguyện giữa Chính phủ và doanh nghiệp sẽ bổ trợ cho các luật lệ, quy chế mà Chính phủ ban hành và như vậy doanh nghiệp cũng gánh một phần trách nhiệm cung cấp thông tin cũng như chi phí hành chính thay cho cơ quan quản lý.

Theo ước tính, cạn kiệt thủy sản gây thiệt hại về kinh tế là 50 tỷ USD/năm, tương đương hơn một nửa giá trị thương mại thủy sản toàn cầu.
Ưu tiên đầu tư và chi tiêu của Chính phủ trong những lĩnh vực kích thích xanh hóa các thành phần kinh tế. Những khoản trợ cấp mang đặc tính của hàng hóa công cộng hoặc có tác động ngoại biên tích cực có thể là đòn bẩy mạnh mẽ để chuyển đổi sang nền “kinh tế xanh”. Do đó trợ cấp xanh như biện pháp hỗ trợ giá, ưu đãi thuế, trợ cấp trực tiếp và hỗ trợ vay vốn cần được sử dụng.

Hạn chế chi tiêu trong những lĩnh vực làm cạn kiệt vốn tự nhiên. Nhiều quốc gia phải trả một chi phí đáng kể về kinh tế và môi trường cho các khoản trợ cấp. Nếu cố ý giảm giá hàng hóa thông qua trợ cấp sẽ khuyến khích sự thiếu hiệu quả, lãng phí và sử dụng quá nhu cầu, từ đó dẫn đến khan hiếm các nguồn tài nguyên hữu hạn có giá trị hoặc suy thoái các tài nguyên tái tạo và hệ sinh thái sớm hơn dự tính. Ví dụ, trợ cấp thủy sản toàn cầu ước tính lên tới 27 tỷ USD hằng năm, nhưng ít nhất 60% của số đó được coi là trợ cấp gây hại vì là một trong những yếu tố chủ yếu dẫn tới khai thác thủy sản quá mức. 

Sử dụng thuế, các công cụ dựa vào thị trường để thay đổi ưu tiên của người tiêu dùng, thúc đẩy đầu tư xanh và cải tiến. Thuế và các công cụ dựa vào thị trường là một phương thức hiệu quả nhằm kích thích đầu tư. Hiện tượng giá cả bị sai lệch đáng kể hiện nay làm nản lòng các nỗ lực đầu tư xanh hay không khuyến khích việc mở rộng quy mô đầu tư. Trong một số lĩnh vực kinh tế, ví dụ ngành giao thông vận tải, các tác động ngoại biên tiêu cực như ô nhiễm, ảnh hưởng sức khỏe hoặc giảm năng suất, thường không được phản ánh trong chi phí, do đó không thể khuyến khích chuyển sang hàng hóa và dịch vụ bền vững hơn, tình trạng này cũng xảy ra đối với rác thải. Giải pháp cho vấn đề này là nên nội hóa chi phí tác động ngoại biên vào giá hàng hóa/dịch vụ thông qua thuế, phí hoặc sử dụng các công cụ thị trường khác, như giấy phép có thể giao dịch.

Đầu tư vào nâng cao năng lực. Năng lực nắm bắt các cơ hội “kinh tế xanh” và thực hiện các chính sách hỗ trợ đặc thù và hoàn cảnh của mỗi nước thường ảnh hưởng đến sự sẵn sàng và khả năng chống chịu của nền kinh tế và người dân khi phải ứng phó với thay đổi. Sự chuyển đổi sang nền “kinh tế xanh” đặt ra nhu cầu tăng cường năng lực của Chính phủ về các kỹ năng phân tích thách thức, xác định cơ hội và ưu tiên cho các hoạt động, huy động nguồn lực, thực hiện chính sách và đánh giá tiến độ. Để duy trì động lực của giai đoạn chuyển đổi sang nền “kinh tế xanh”, Chính phủ cần đo lường được những tiến bộ đạt được. Điều này đòi hỏi năng lực xây dựng bộ chỉ số, thu thập dữ liệu, phân tích và diễn giải kết quả để định hướng phát triển chính sách.

Singapore là nước đầu tiên trên thế giới đã sử dụng thuế đường bộ vào những năm 1980 và hiện đang đi đầu trong việc sử dụng các công cụ lượng giá khi giải quyết các vấn đề rác thải và nước. Việc định giá ô nhiễm đã khuyến khích các doanh nghiệp tìm kiếm những giải pháp cải tiến và sử dụng các công nghệ mới thay thế sạch hơn. Ví dụ, ở Thụy Điển, khi áp dụng thuế phát thải khí NOx, tỷ lệ áp dụng các công nghệ giảm ô nhiễm gia tăng đáng kể từ 7% trước khi thuế tăng lên 62% doanh nghiệp trong năm tiếp theo.
Tăng cường quản trị quốc tế. Các thỏa thuận môi trường quốc tế cũng tạo điều kiện và kích thích quá trình chuyển đổi sang nền “kinh tế xanh”. Ví dụ, các thỏa thuận đa phương về môi trường (Multilateral environmental agreements - MEAs) đã thiết lập các khuôn khổ pháp luật và thể chế để giải quyết những thách thức môi trường toàn cầu, giữ vai trò quan trọng thúc đẩy hoạt động “kinh tế xanh”. Điển hình, Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-zôn được công nhận rộng rãi là một trong những MEAs thành công nhất. Nghị định thư Kyoto của Công ước chung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) đã kích thích một lĩnh vực kinh tế tăng trưởng, chẳng hạn, công nghệ sản xuất năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả để giải quyết vấn đề phát thải GHGs. Ở mức độ toàn cầu, việc gia hạn khuôn khổ hậu Kyoto đối với các-bon là yếu tố quan trọng nhất quyết định tốc độ và quy mô của sự chuyển dịch sang nền “kinh tế xanh”. 

Bảo đảm tài chính cho quá trình chuyển đổi sang nền “kinh tế xanh”. Quy mô tài chính cần thiết cho quá trình chuyển đổi sang nền “kinh tế xanh” là rất lớn, có thể huy động vốn nhờ vào chính sách công thông minh và cơ chế tài chính sáng tạo. Tốc độ tăng trưởng của thị trường vốn, các định hướng phát triển xanh của thị trường này, sự phát triển của các công cụ thị trường mới nổi như tài chính các-bon, tài chính vi mô và các quỹ kích thích xanh ứng phó với suy thoái kinh tế những năm gần đây đang mở ra không gian cho tài chính quy mô lớn phục vụ cho chuyển đổi nền “kinh tế xanh” toàn cầu. Nhưng những dòng chảy này vẫn còn khiêm tốn so với tổng khối lượng nên cần được nhân rộng nếu thực hiện chuyển đổi sang nền “kinh tế xanh” trong tương lai gần. 

Hướng tới nền “kinh tế xanh” ở Việt Nam

Nền kinh tế Việt Nam thời gian qua theo mô hình nền “kinh tế nâu”, tăng trưởng chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên với hiệu quả sử dụng thấp, phát sinh nhiều chất thải, gây ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất còn lạc hậu… Hướng chuyển dịch sang mô hình nền “kinh tế xanh” là phương án lựa chọn tối ưu cho sự phát triển bền vững và xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam. 

Để áp dụng mô hình mới, các nhà nghiên cứu đề xuất phương hướng chuyển dịch sang nền “kinh tế xanh” theo hướng thân thiện với môi trường, hạn chế những ngành gây ô nhiễm, cơ cấu kinh tế vùng dựa trên các hệ sinh thái, phát triển hàng hóa, dịch vụ môi trường và năng lượng sạch… Đồng thời, đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ môi trường, đầu tư phát triển một số ngành kinh tế xanh mũi nhọn như nông nghiệp hữu cơ, du lịch sinh thái, công nghiệp tái chế, năng lượng tái tạo, sinh học, tái sinh rừng tự nhiên… Mặt khác, định hình những khó khăn trước mắt và lâu dài, khách quan và chủ quan để sớm thay đổi nhận thức, thiết lập hành lang pháp lý, chính sách mở đường cho “kinh tế xanh”, nhất là sự nhận thức của việc chuyển sang mô hình “kinh tế xanh” sẽ mang lại hiệu quả lâu dài cho nền kinh tế của đất nước.

Vận dụng kinh nghiệm quốc tế phân tích ở các phần trên, Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đang được xây dựng và cùng với sự giúp đỡ, hỗ trợ của một số nước đi trước, cộng đồng quốc tế, sự chuyển dịch sang nền “kinh tế xanh” ở Việt Nam đã có những bước đi ban đầu như đã và đang xây dựng, đưa vào vận hành nhiều công trình thủy điện nhỏ, phong điện, sử dụng khí ga ở bãi chôn lấp rác để phát điện, sử dụng ni-lông phế thải trong xây dựng, áp dụng cơ chế phát triển sạch, sử dụng năng lượng mặt trời, khí sinh học trong chăn nuôi, phụ phẩm rơm, rạ làm nấm, phân hữu cơ, tăng cường trồng và tái sinh rừng, kiểm soát nhằm hạn chế phá rừng. Đặc biệt, đã có đề xuất “Tạm đóng cửa rừng tự nhiên” góp phần giảm phát thải GHG. Tháng 10/2012, Đức đã hỗ trợ Việt Nam 272 triệu euro cho xây dựng “kinh tế xanh” nên càng kích lệ Việt Nam chuyển dịch sang mô hình kinh tế này. 

Từ tháng 8/2011, Chính phủ đã cho thành lập Tổ công tác xây dựng Khung chiến lược tăng trưởng xanh. Mục tiêu tổng quát mà dự thảo khung chiến lược đề xuất là Việt Nam hình thành về cơ bản cơ sở kinh tế, xã hội và khoa học, công nghệ để thực hiện tăng trưởng xanh, ít các-bon, xây dựng cơ cấu kinh tế hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường, áp dụng ngày càng nhiều công nghệ xanh, hình thành lối sống xanh và tiêu dùng bền vững. Các mục tiêu cụ thể đến năm 2020 được đề ra, trong đó tập trung vào 3 mục tiêu chủ yếu đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế: (i) giảm GHG và tăng cường sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; (ii) xanh hóa sản xuất; (iii) xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Với tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam sẽ thiết lập được đầy đủ nền tảng vật chất, kỹ thuật, nguồn nhân lực và thể chế phù hợp để phổ biến và thực hiện triệt để các phương thức tăng trưởng xanh. Chiến lược cũng xác định một số chỉ tiêu định lượng như tiết kiệm năng lượng; sử dụng năng lượng tái tạo, giảm phát thải trong nông nghiệp; sản xuất sạch hơn; tỷ lệ phần trăm đầu tư cho môi trường; GDP xanh. Các giải pháp, lựa chọn chính sách như tái cấu trúc kinh tế, công nghệ, tài chính; tổ chức chỉ đạo, giám sát, xử lý vi phạm, lồng ghép… sẽ được thực hiện. Khi Khung chiến lược tăng trưởng xanh hoàn thành sẽ mở ra triển vọng và đặt nền móng cho phát triển nền “kinh tế xanh” ở Việt Nam.