Kịp thời bảo vệ quyền lợi người lao động
Để giám sát chặt chẽ việc thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động của các doanh nghiệp, một trong những giải pháp được cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) đưa ra đó là tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi phạm…
Số liệu từ cơ quan BHXH Việt Nam cho thấy, hiện nay, diện bao phủ BHXH mới chỉ đạt trên 20% lực lượng lao động, còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu mà Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra là 50% lực lượng lao động tham gia BHXH vào năm 2020. Số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) tuy đã đạt 82% dân số, nhưng vấn đề duy trì bền vững vẫn còn nhiều thách thức.
Trong khi đó, tình trạng trốn đóng, nợ đọng vẫn còn phổ biến. Tính đến hết tháng 4/2018, số nợ BHXH, BHYT đã lên con số trên 10.000 tỷ đồng (chiếm 4,8% so với kế hoạch thu, tăng 0,6% so với tháng trước), đặc biệt là số nợ tăng cao ở khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động…
Luật BHXH sửa đổi năm 2014 và Nghị định của Chính phủ quy định, BHXH Việt Nam được giao chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Đây được cho là một giải pháp tốt nhất để xử lý tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động.
Thực tế, trong những năm qua, cơ quan BHXH đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng tham gia thanh, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, Luật BHXH.
Cụ thể, chỉ tính từ đầu năm đến hết tháng 3/2018, tổng số đơn vị sử dụng lao động được thanh tra, kiểm tra của toàn ngành là 943 đơn vị, trong đó, số đơn vị được thanh tra chuyên ngành là 443 đơn vị; số đơn vị được thanh tra, kiểm tra liên ngành là 348 đơn vị; số đơn vị được kiểm tra là 152 đơn vị… Đáng ghi nhận qua thanh tra, kiểm tra, nhiều đơn vị sử dụng lao động đã khắc phục số tiền nợ đọng, chậm nộp về cơ quan BHXH.
Tuy vậy, tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN còn diễn ra phổ biến. Đơn cử tại Hà Nội, theo thống kê của cơ quan chức năng, trong vòng 5 năm trở lại đây (2013 - 2018), số nợ BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị, doanh nghiệp gia tăng nhanh chóng.
Nếu năm 2013 có 2.298 đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH với số tiền 1.004 tỷ đồng thì đến 30/11/2017 số đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN từ 1 tháng đến trên 36 tháng là 34.981, với số tiền 2.657 tỷ đồng…
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do hàng năm, số đơn vị được phối hợp thanh tra, kiểm tra chưa nhiều và chưa thường xuyên; chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra của các đoàn phối hợp còn chưa cao; công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra tại cấp huyện còn rất hạn chế; việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thanh tra, kiểm tra còn chậm.
Công tác thanh tra, kiểm tra hiện nay mới chỉ dừng ở phát hiện, kiến nghị nên hiệu quả thực thi kết luận thanh tra, kiểm tra còn hạn chế… - đại diện Vụ Thanh tra - Kiểm tra, BHXH Việt Nam cho biết.
Theo quy định mới của Bộ luật Hình sự, từ 1/1/2018, những vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực BHXH, BHYT có thể bị khởi tố, song để thực hiện được việc này, cần phải triển khai theo lộ trình. Trước mắt cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH tới người sử dụng lao động và người lao động để nâng cao tính tuân thủ pháp luật; công khai các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH; cung cấp thường xuyên về tình trạng đóng BHXH cho người lao động để họ chủ động trong việc theo dõi các quyền lợi của mình.
Công tác thanh tra, kiểm tra cần kịp thời xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi phạm pháp luật về BHXH… Tuy nhiên, với thực tế lực lượng thanh tra, kiểm tra của ngành BHXH hiện mới chỉ đáp ứng được 1/5 nhu cầu (mỗi cán bộ bình quân phụ trách theo dõi khoảng 100.000 lao động), trong đó mới chỉ có 1/10 cán bộ thanh tra, kiểm tra được đào tạo bài bản (số liệu từ ILO), nếu ngành chức năng không tăng cường cả về chất và lượng cho đội ngũ thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực BHXH thì việc kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động tại hầu hết số doanh nghiệp là không xuể.