Lại thêm gánh nặng "xin phép"

Theo chinhphu.vn

(Taichinh) - VCCI cho rằng quy định muốn chấm dứt hoạt động thì phải xin phép đã tạo gánh nặng về thủ tục cho doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ý kiến trên đã được VCCI đưa ra khi góp ý Dự thảo Nghị định quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đang được Bộ KHĐT lấy ý kiến.

Theo quy định của Điều 20 dự thảo về trình tự, thủ tục chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài đối với trường hợp nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động hoặc chuyển nhượng dự án đầu tư ra nước ngoài, thì doanh nghiệp phải nộp hồ sơ xin được chấm dứt hiệu lực và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Nói cách khác, muốn chấm dứt hoạt động doanh nghiệp phải xin phép chấm dứt hoạt động.

Theo VCCI, quy định này là chưa hợp lý, tạo gánh nặng về thủ tục cho doanh nghiệp. Bởi vì, việc chấm dứt hoạt động đầu tư do tình hình hoạt động, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp hoặc trong một số trường hợp nằm ngoài khả năng của doanh nghiệp nên buộc phải có quyết định chấm dứt hoạt động. Nếu với những trường hợp này doanh nghiệp phải “xin phép” mới được phép chấm dứt hoạt động đầu tư ra nước ngoài sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Mặt khác, nếu trong trường hợp doanh nghiệp đã hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng dự án đầu tư và không có bất kì dự án đầu tư nào ở nước ngoài nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền không chấp nhận việc đề nghị chấm dứt hiệu lực và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp thì giải quyết như thế nào?

Hơn nữa, tại sao chỉ có hai trường hợp này doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định chấm dứt hiệu lực và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài mà các trường hợp khác thì không?

Do vậy, để đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp, VCCI đề nghị điều chỉnh quy định thủ tục trên theo hướng, doanh nghiệp chỉ gửi thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc chấm dứt hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài mà không cần phải gửi hồ sơ hay chờ cơ quan nhà nước xét duyệt.

Ngoài ra, về thanh lý dự án đầu tư ra nước ngoài, dự thảo quy định, trường hợp có nhu cầu kéo dài thời hạn chuyển các khoản thu còn lại từ việc thanh lý dự án đầu tư, “nhà đầu tư phải có văn bản đề nghị và nêu rõ lý do gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, quyết định. Việc gia hạn được thực hiện không quá một lần và không quá 06 tháng”.

VCCI cho rằng quy định này là chưa thống nhất với khoản 2 Điều 65 Luật Đầu tư. Theo quy định tại Luật Đầu tư thì thời hạn chuyển lợi nhuận về nước được gia hạn không quá hai lần mỗi lần không quá 06 tháng.

Mặt khác, dưới góc độ tính minh bạch, quy định trên chưa rõ ràng về thủ tục xin gia hạn. Chẳng hạn, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ gồm những tài liệu nào? Quyết định gia hạn/từ chối của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thể hiện ở hình thức nào? Thời gian để cơ quan nhà nước xem xét và đưa ra quyết định là bao lâu? và các tiêu chí để cơ quan nhà nước quyết định chấp thuận/từ chối việc gia hạn. Do đó, dự thảo cần quy định rõ những vấn đề trên.