Làm gì để hiện thực hóa mục tiêu 30% nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV?

PV.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nữ giới muốn có được tiếng nói quyết định cần phải có ít nhất 30% đại diện trong bộ máy nhà nước. Trong các kỳ bầu cử gần đây, Việt Nam cũng đã đặt ra mục tiêu này nhưng chưa đạt được kết quả như mong muốn. Câu hỏi đặt ra là, tại nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV này, chúng ta cần phải làm gì để hiện thực hóa mục tiêu đạt tỷ lệ 30% nữ đại biểu quốc hội?

Trong kỳ bầu cử Đại biểu Quốc hội Khóa XIV này, mục tiêu đặt ra là bảo đảm ít nhất phải có 35% tổng số người trong danh sách ứng cử và phấn đấu có ít nhất 30% số người trúng cử là phụ nữ. Nguồn: internet
Trong kỳ bầu cử Đại biểu Quốc hội Khóa XIV này, mục tiêu đặt ra là bảo đảm ít nhất phải có 35% tổng số người trong danh sách ứng cử và phấn đấu có ít nhất 30% số người trúng cử là phụ nữ. Nguồn: internet

Nguyên nhân tại sao?

Thực tế hoạt động của Quốc hội, HĐND các cấp trong các nhiệm kỳ vừa qua cho thấy, các đại biểu nữ không thua kém các đồng nghiệp nam về kiến thức, kinh nghiệm, thái độ, bản lĩnh, sự nhiệt huyết. Nhiều gương mặt nữ đại biểu dân cử tiêu biểu, thực sự để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng cử tri. Tuy nhiên, có một thực tế là dù trong các nghị quyết của Đảng, luật quy định rõ và các văn bản dưới luật cũng đã hướng dẫn cụ thể về sự tham gia của nữ đại biểu trong nghị trường và cơ quan dân cử nhưng tỷ lệ này vẫn chưa cao, thậm chí có xu hướng giảm trong những nhiệm kỳ gần đây.

Thống kê cho thấy, nếu như ở Khóa I, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội chỉ là 3% thì đến Khóa V là 32,31%; Khóa VI là 26,82%; Khóa VII là 21,77%; Khóa VIII là 18%; Khóa IX là 18,84%; Khóa X là 26,20%; Khóa XI là 27,31%; Khóa XII là 25,76%; Khóa XIII là 24,4%. Nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Hải Chuyền cho rằng, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội Khóa XIII có sự sụt giảm đáng kể và thấp nhất trong 4 nhiệm kỳ gần đây. Nhiều đại biểu thật sự lo lắng về tỷ lệ 35% nữ đại biểu trong danh sách chính thức như Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND quy định.

Lý giải về thực trạng tỷ lệ nữ trúng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp không đạt được kết quả như mong muốn, theo đồng chí Uông Chu Lưu - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Tiểu ban Văn bản Pháp luật và thông tin Tuyên truyền của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, có những nguyên nhân cơ bản sau đây:

Thứ nhất, về mặt pháp luật, chưa có quy định cụ thể tỷ lệ, số lượng phụ nữ tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Về chủ quan có thể nói, trong thời gian vừa qua mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng chúng ta cũng chưa làm thật tốt công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới, thúc đẩy sự ủng hộ phụ nữ tham gia mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực chính trị.

Thứ hai, khi dự kiến cơ cấu, thành phần những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND chưa thật sự hợp lý và chặt chẽ bảo đảm để phụ nữ có thể được giới thiệu và trúng cử như mong muốn. Trong quá trình giới thiệu các ứng cử viên, việc chú trọng mục tiêu bảo đảm sự đa đạng về đại diện chính trị nhiều lúc đã đặt lên vai các nữ ứng cử viên nhiều tiêu chí cơ cấu khác nhau như về dân tộc, tôn giáo, tuổi, ngành nghề, giới tính đã làm cho các ứng cử viên nữ gặp phải nhiều thách thức khi phải tranh cử với người ứng cử khác chỉ phải đáp ứng một vài tiêu chí. Hơn nữa, trong quá trình bầu cử, chúng ta cũng chưa chú trọng nhiều đến việc tạo những điều kiện đặc thù để các ứng cử viên nữ có thể vượt qua những rào cản để tham gia quá trình vận động bầu cử một cách thuận lợi.

Thứ ba, về nguyên nhân khách quan, cũng như nhiều quốc gia Á Đông khác, ở Việt Nam không ít người trong đó có cả chính phụ nữ vẫn còn nhận thức chưa đầy đủ về vai trò của phụ nữ trong xã hội; phụ nữ nhiều khi vẫn được nhìn nhận là người giữ trọng trách chính trong việc chăm sóc gia đình. Với quan niệm như vậy, phụ nữ được thường ít nhận được sự ủng hộ cao khi tham gia vào các hoạt động chính trị. Bên cạnh đó, do tác động của nhiều yếu tố như về thể chất, quan niệm xã hội… phụ nữ ít có cơ hội được đào tạo, nâng cao các kỹ năng, kiến thức chuyên môn như nam giới. Cũng như các ứng cử viên khác, các nữ ứng cử viên cần phải phấn đấu bảo đảm tất cả các tiêu chuẩn của một đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp theo luật định. Đồng thời, cần không ngừng nâng cao kiến thức chuyên môn và hiểu biết xã hội cũng như rèn luyện các kỹ năng cần thiết để làm tốt các các nhiệm vụ trong cơ quan dân cử. Ngoài ra, phải thực sự tự tin vào chính mình, vào truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ, vào chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc ủng hộ tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử, tạo điều kiện cho phụ nữ phá triển tài năng.

Lý giải thêm về thực trạng tỷ lệ ứng cử luôn cao nhưng tỷ lệ trúng cử lại khá thấp, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa cho rằng, có một nguyên nhân đang tồn tại như một thách thức, đó là cơ cấu nữ thường phải “gánh” với các cơ cấu khác (nữ giới, trẻ tuổi, ngoài Đảng, dân tộc thiểu số, cơ cấu ngành nghề), khiến chúng ta khó có thể chọn được người tốt nhất. Trong khi đó, theo nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, rào cản còn đến từ chính những người trong cuộc là nữ giới, từ quan niệm xã hội, đặc biệt là các yếu tố văn hóa truyền thống và định kiến giới. Điều này, không chỉ xuất phát từ xã hội, gia đình, của nam giới đối với phụ nữ mà còn của chính bản thân phụ nữ. Vẫn còn những nữ ứng cử viên có tâm lý lo lắng, thiếu tự tin, cho rằng mình không đủ năng lực thuyết phục cử tri.

Bên cạnh đó, phải kể đến rào cản từ chính sách, một số quy định khác biệt giữa nam và nữ như tuổi nghỉ hưu, tuổi đào tạo, bồi dưỡng quy hoạch đã hạn chế sự tham gia đóng góp của chị em phụ nữ vào các lĩnh vực của đời sống xã hội mà rõ nét nhất là trong tham gia quản lý, lãnh đạo. Ngoài ra, các nữ ứng cử viên thường gánh nhiều cơ cấu dẫn đến cơ hội trúng cử không cao…

Giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu

Việc tăng tỷ lệ nữ trong các cơ quan dân cử luôn là một chỉ tiêu đặc biệt quan trọng của mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị. Đây cũng chính là chỉ số đánh giá tiến bộ của từng quốc gia trong lĩnh vực này. Theo Liên minh Nghị viện Thế giới, với tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội Khóa XIII đạt 24,4%, Việt Nam hiện đang xếp thứ 54 trong tổng số 190 quốc gia được xếp hạng trên thế giới và đứng thứ 4 trong 10 nước Đông Nam Á với những nỗ lực trong thực hiện chiến lược bình đẳng giới. Đây là một trong những kết quả đáng ghi nhận.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, phụ nữ muốn có tiếng nói quyết định thì cần phải có ít nhất 30% đại diện trong các cơ quan dân cử. Do vậy, trong kỳ bầu cử Đại biểu Quốc hội Khóa XIV này, theo Nghị quyết số 1135/2016/UBTVQH13 ngày 22/1/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mục tiêu của chúng ta đặt ra là bảo đảm ít nhất phải có 35% tổng số người trong danh sách ứng cử và phấn đấu có ít nhất 30% số người trúng cử là phụ nữ. Đây là một mục tiêu khá cao, đòi hỏi phải có rất nhiều nỗ lực của toàn xã hội, của toàn hệ thống chính trị và của bản thân các nữ ứng cử viên.

Chia sẻ về giải pháp để cuộc bầu cử sắp tới bảo đảm được tỷ lệ đại biểu nữ trong các cơ quan dân cử theo đúng yêu cầu, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, trong việc hiệp thương giới thiệu các ứng cử viên cần phải bảo đảm sự bình đẳng, hạn chế việc ấn định quá nhiều tiêu chí về cơ cấu đối với các nữ ứng cử viên; bảo đảm giới thiệu các ứng cử viên là nữ có đủ kiến thức, kỹ năng và có đủ các điều kiện khách quan khác để sẵn sàng tham gia làm thành viên của các cơ quan dân cử.

Thứ hai, cần phải tiến hành các chương trình tập huấn và hướng dẫn cho các nữ ứng cử viên những kiến thức, kỹ năng cần thiết tham gia vận động bầu cử như xây dựng chương trình hành động, kỹ năng tiếp xúc, giao tiếp với cử tri, kỹ năng làm việc với các cơ quan truyền thông... Qua đó, trang bị cho các nữ ứng cử viên sự tự tin vào năng lực bản thân để tham gia vào quá trình bầu cử.

Thứ ba, cần chú ý không sắp xếp trong cùng một đơn vị bầu cử các ứng cử viên nữ tranh cử cùng với những ứng cử viên khác có sự chênh lệch quá lớn về tuổi đời, chức vụ, trình độ…

Thứ tư, chú trọng các hoạt động thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi thái độ của các cử tri khi tham gia bầu cử, xóa bỏ các định kiến giới, tạo ra sự ủng hộ của gia đình để hỗ trợ phụ nữ theo đuổi và thành công trong sự nghiệp đại biểu dân cử.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng cho rằng cần nâng cao chất lượng của chính các ứng cử viên nữ. Các ứng cử viên nữ cần được bồi dưỡng, nâng cao kiến thức và rèn luyện kỹ năng thông qua các lớp tập huấn cơ bản như: vị trí, vai trò, chức năng của các cơ quan dân cử, các kỹ năng thu thập, phân tích và xử lý thông tin, kỹ năng xây dựng chương trình hành động, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng tiếp xúc cử tri trong vận động bầu cử… Ngoài ra, khi sắp xếp danh sách các ứng cử viên theo các đơn vị bầu cử, tránh tình trạng quá chênh lệch về vị trí, chức danh giữa các ứng cử viên, bảo đảm hợp lý giữa các ứng cử nam và nữ tại cùng một đơn vị bầu cử, đặc biệt, cần quy định một ứng cử viên không gánh quá nhiều cơ cấu.

Cuối cùng phải kể đến sự vào cuộc tích cực của các cơ quan truyền thông khi các ứng cử viên đang trong quá trình vận động bầu cử nhưng phải bảo đảm bình đẳng trong việc tuyên truyền vận động giữa người ứng cử là nam với ứng cử là nữ.