Nhìn lại VBF giữa kỳ 2015:

Làm gì để hưởng lợi từ hội nhập?

Theo Baodautu.vn

(Taichinh) - Cả Chính phủ và các doanh nghiệp tham gia Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2015 cùng xới xáo hàng loạt vấn đề để không bỏ lỡ bất cứ cơ hội kinh doanh – đầu tư nào từ hội nhập.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ông Ken Atkinson, đại diện của Nhóm Công tác Du lịch không đủ thời gian để trình bày chi tiết 13 trang kiến nghị của nhóm đã gửi tới VBF, nhưng câu chuyện về quyết định ở lại Thái Lan, thay vì tiếp tục đến Việt Nam trong lịch trình du lịch Đông Nam Á của một cặp vợ chồng ở châu Âu vì lý do chi phí xin visa vào Việt Nam bằng chi phí họ ở lại hai đêm, đã gửi tới Chính phủ Việt Nam nhiều thông điệp.

“Chúng tôi đã tính toán, nếu miễn visa cho một số quốc gia trong EU, Bắc Mỹ, Australia và New Zealand…, khoản thu được từ việc tăng lên khoảng 10% trong 1,6 triệu khách du lịch (tính số liệu năm 2014) với thời gian lưu trú 11,3 ngày, chi phí 102 USD/ngày sẽ là 200 triệu USD, thay vì chỉ khoảng 11 triệu USD từ nguồn phí visa”, ông Kent Atkinson đưa khuyến nghị về việc cân nhắc việc miễn giảm thị thực bằng những con số cụ thể.

Cũng phải nói thêm, đây là lần đầu tiên, phát biểu của Nhóm Du lịch được xếp ngay sau Nhóm Công tác đầu tư và thương mại trong chủ đề thảo luận chính của VBF trong nhiều năm qua. Lý do không chỉ bởi sự sụt giảm về lượng khách trong các tháng đầu năm 2015.

“Tác động của ngành du lịch tới tăng trưởng kinh tế cần phải nhìn nhận rộng hơn, bao gồm cả đầu tư, chuỗi cung ứng và các hoạt động kinh doanh nhà hàng, khách sạn, công nghiệp giải trí, vận chuyển hành khách… Tại sao Việt Nam không xây dựng một hệ thống cấp thị thực quá cảnh để phát triển Việt Nam như một trung tâm trung chuyển trong khu vực”, ông Atkinson thẳng thắn đề nghị.

Vị trí trung chuyển của Việt Nam là điều mà giới đầu tư vẫn đang nhắm tới khi quyết định đặt chân tại Việt Nam. Không chỉ khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành vào cuối năm 2015, 14 hiệp định thương mại tự do với các đối tác đã ký và đang ở những vòng đàm phán cuối cùng đang làm đậm hơn lợi thế về địa điểm đầu tư của Việt Nam mà ông Tomaso Andreatta , Phó chủ tịch EuroCham cho rằng, đang hấp dẫn việc chuyển dịch dự án cũng như vốn đầu tư từ các địa điểm khác tới Việt Nam.

“Tuy nhiên, sự cạnh tranh sẽ rất lớn cả từ phía cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan Chính phủ. Chỉ riêng các quy định đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), dù Việt Nam đã có quy định mới để thu hút đầu tư tư nhân, nhưng các quốc gia ASEAN khác đã có khuôn khổ pháp lý từ rất sớm. Các quốc gia này sẽ vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài nếu Việt Nam không thực hiện thành công một số dự án PPP trong tương lai gần”, ông Tomaso Andreatta khuyến nghị.

Ông Trần Tuấn Phong, Nhóm công tác Cơ sở hạ tầng của VBF cho rằng, dù việc ban hành Nghị định 15/2015/NĐ-CP về hình thức PPP là bước đi đúng, nhưng vẫn cần phải có giải thích rõ ràng về từng vấn đề cụ thể, như các rủi ro phân chia thế nào, mẫu tiêu chuẩn cho mỗi lĩnh vực kết cấu hạ tầng… “Vẫn phải có thông tư hướng dẫn thực hiện để tránh việc giải thích khác nhau giữa các bộ, ngành”, ông Phong đại diện Nhóm phân tích.

Thậm chí, ông David Lim, Trưởng tiểu nhóm Đất đai còn mạnh mẽ hơn khi nhắc tới sự vênh nhau giữa Luật Kinh doanh bất động sản và nghị định hướng dẫn thi hành. “Thời hạn hiệu lực (ngày 1/7) đã cận kề mà những trì hoãn thực thi đúng các quy định của luật khiến nhà đầu tư cảm thấy không yên tâm. Ví dụ như yêu cầu về tăng vốn pháp định của dự án thuộc diện phải có chủ trương đầu tư, hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư lên 50 tỷ đồng, trong khi quy định của Luật là tối thiểu 20 tỷ đồng với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Số vốn 20 tỷ cũng đã là quá lớn rồi. Điều này gây một ấn tượng không tích cực trong cộng đồng doanh nghiệp rằng, các luật và quy định đã được thi hành vẫn có thể bị thay đổi bất cứ lúc nào”, ông David Lim nói.

Chỉ có 2 ý kiến đại diện cho khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước tại VBF giữa kỳ, song lo ngại về năng lực cạnh tranh yếu lại thuộc về 96% doanh nghiệp Việt Nam ở quy mô nhỏ và cực nhỏ. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lo rằng, quy mô nhỏ, tính chất phi chính thức lớn, quản trị yếu kém… sẽ khiến hội nhập mang tới cho doanh nghiệp Việt Nam nhiều thách thức hơn là cơ hội. Ngay cả mong muốn của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước trong phát triển công nghiệp phụ trợ khi liên kết với doanh nghiệp FDI cũng vì vậy mà khó khăn hơn.

“Chúng tôi đề nghị Chính phủ xem xét thiết lập một cơ chế để cơ quan có thẩm quyền phối hợp với các đầu mối của cộng đồng doanh nghiệp như VCCI kịp thời cung cấp tất cả những thông tin có thể về các đàm phán, cam kết dưới các hình thức khác nhau cho doanh nghiệp, đồng thời, chỉ định một cơ quan có thẩm quyền để hướng dẫn, giải thích chính thức các cam kết khi doanh nghiệp có vướng mắc, hoặc khi có cách hiểu khác nhau giữa cơ quan thực thi và doanh nghiệp”, ông Lộc khuyến nghị.