Đối diện hội nhập:

Làm gì để nông nghiệp và người nông dân tận dụng cơ hội phát triển

PV.

Hội nhập kinh tế quốc tế là một tiến trình tất yếu của lịch sử. Nhận rõ thách thức của hội nhập, biết lợi dụng những cơ hội của hội nhập để phát triển đó là mục tiêu của chúng ta, trong đó, nền nông nghiệp và người nông dân cũng không thể đứng ngoài.

Sản xuất nông nghiệp manh mún khiến mất rất nhiều đất đai để tạo bờ thửa, gây khó khăn cho áp dụng công nghệ hiện đại. Nguồn ảnh: internet
Sản xuất nông nghiệp manh mún khiến mất rất nhiều đất đai để tạo bờ thửa, gây khó khăn cho áp dụng công nghệ hiện đại. Nguồn ảnh: internet

Chưa phát triển được nền nông nghiệp theo định hướng thị trường

Một thực tế không thể phủ nhận, chúng ta là một nước sản xuất nông nghiệp nhưng chưa có công nghệ tiên tiến và chưa phát triển theo kịp định hướng của thị trường.

- Chưa có quy hoạch tổng thể phù hợp với điều kiện địa phương và chưa có sự liên kết vùng miền, dẫn đến sản xuất vẫn theo xu hướng tự phát, khi thừa, khi thiếu,nơi thừa, nơi thiếu…;

- Người nông dân vẫn đang sản xuất nhỏ lẻ, phân tán. Trong khi các nước nông nghiệp khác (Úc, Indoneexia, Philipine, Thái Lan…) có những farm nuôi trồng với diện tích thẳng cánh cò bay, còn đi khắp Việt Nam chúng ta vẫn thấy diện tích đất dùng cho bờ thửa chiếm một tỷ lệ không nhỏ, làm mất rất nhiều diện tích canh tác kéo theo đó là mất rất nhiều lợi nhuận từ sản xuất nông nghiệp;

- Nông nghiệp Việt vẫn áp dụng công nghệ cũ, hầu hết máy móc dùng trong sản xuất nông nghiệp ở các hộ gia đình nông dân đều là máy móc tự chế (máy thu hoạch, sơ chế, làm cỏ…); Kể cả các nông trường lớn cũng chưa áp dụng công nghệ cao (chưa có máy bay phun thuốc hay máy bơm tưới tự động công suất cao, chưa có công nghệ đồng bộ từ sản xuất đến chế biến và tích trữ. Lao động thủ công vẫn chiếm tỷ lệ cao (hơn 70%);

- Năng suất lao động và năng suất nông sản thấp, giá thành sản xuất cao, chất lượng thành phẩm còn thua kém các nước có cùng mặt hàng... dẫn đến giá trị xuất khẩu tăng về số lượng nhưng không tăng về giá bán, nhiều mặt hàng của chúng ta (hồ tiêu, cà phê, gạo…) không giữ được vị trí chủ lực và vị trí hàng đầu thế giới, khiến thu ngoại tệ chưa tăng bền vững.

- Chưa có mối liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà nông, nhà kinh doanh và nhà khoa học) chặt chẽ để nền nông nghiệp phát triển theo định hướng của thị trường…

Vừa qua (4/11) tại Diễn đàn Chính sách Nông nghiệp 2015 với chủ đề “Nền nông nghiệp và nông dân Việt Nam đối diện thách thức hội nhập”, PGS. TS Vũ Trọng Khải - nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II cho rằng: việc hình thành và phát triển hệ thống các doanh nghiệp chế biến - tiêu thụ nông sản và cung ứng nguồn lực đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, áp dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, phải đóng vai trò “nhạc trưởng”, lãnh đạo toàn chuỗi giá trị của từng mặt hàng nông sản, biến các trang trại nông nghiệp trở thành mắt khâu trong chuỗi giá trị.

Cơ chế chính sách hỗ trợ nông nghiệp chưa đạt mục tiêu

- Vốn để tái cơ cấu nền nông nghiệp và phát triển sản xuất còn hạn chế, hiện mới đáp ứng 55 - 60% nhu cầu. Vốn FDI vào nông nghiệp, nông thôn còn thấp và có xu hướng giảm dần.

- Chưa huy động được vốn của doanh nghiệp vào sản xuất, tạo ra chuỗi ngành hàng chắc chắn, giúp người nông dân xản xuất hiệu quả và hàng hóa nông sản đến tay bà con nông dân đạt chất lượng, vững chắc.

- Chưa có hướng dẫn về cơ chế lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án; định mức phân bổ ngân sách hàng năm cho các địa phương thấp; ưu tiên phân bổ từ ngân sách Trung ương cho các Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông tôn mới còn thấp và có xu hướng giảm (từ 9,4% năm 2011 xuống còn 1,7% năm 2014)...

- Chính sách miễn, giảm thuế vẫn chưa gắn chặt trách nhiệm của nông dân với xã hội về chất lượng sản phẩm hàng hóa. Nhiều khi, chính sách miễn, giảm thuế, phí còn thiếu chế tài trong quản lý, tạo ra tâm lý ỷ lại trong nông dân (đơn cử như thủy lợi phí)…

- Một số quy định về tín dụng ngân hàng quá chặt chẽ khiến nhiều hộ nông dân không có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay (như quy định đối tượng muốn vay vốn ngân hàng phải chứng minh năng lực tài chính, phải có hiệu quả sản xuất năm sau cao hơn năm trước)…

- Cấp vốn nhưng chưa có cơ chế quản lý chặt chẽ về chi tiêu, thu hồi vốn, tăng hiệu suất đồng vốn, khiến người nông dân loay hoay trong sử dụng đồng vốn được hỗ trợ, cho vay. Nhiều hộ nông dân (nhất là ở các tỉnh vùng sâu vùng xa, kiến thức còn hạn chế) đã sử dụng vốn vào tiêu dùng chứ không phải đầu tư, làm thất thoát vốn, tạo nợ xấu khó đòi…

Tăng cường vai trò là bà đỡ cho nền nông nghiệp

Trong hơn 30 năm qua, nhiều thể chế, chính sách tài chính đã được ban hành để hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đầu tư từ ngân sách Nhà nước (NSNN) cho nông nghiệp, nông thôn liên tục được mở rộng, năm sau cao hơn năm trước.

Tuy nhiên, trước những hạn chế của sản xuất nông nghiệp cũng như hạn chế về cơ chế chính sách hiện nay, yêu cầu đặt ra cho bà đỡ (Nhà nước) vẫn còn rất lớn:

- Cần có chính sách tài chính - tín dụng khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao và đóng vai trò lãnh đạo chuỗi giá trị ngành hàng;

- Rà soát, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi ngành hàng sản xuất nông nghiệp trong vài năm đầu;

- Đơn giản hóa thủ tục hành chính giúp người nông dân tiếp cận với nguồn vốn cho vay với lãi suất thấp từ Ngân hàng Phát triển, hay tài trợ cho nông dân và doanh nghiệp đầu tư 50% lãi suất tín dụng đầu tư vay của các ngân hàng thương mại;

- Tài trợ kinh phí khuyến nông, chứng nhận GlobalGAP…, tài trợ kinh phí nghiên cứu khoa học ứng dụng công nghệ cao…;Ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản theo hướng hiện đại, chế biến tinh, chế biến sâu; giảm dần và tiến tới hạn chế xuất khẩu nông sản thô; lấy chất lượng và nguồn gốc làm cơ sở tiến tới hội nhập và đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài.

- Và, điều quan trọng để đưa sản xuất nông nghiệp đáp ứng thị trường thì không phải chỉ là cung ứng vốn, mà Nhà nước phải xây dựng chiến lược sản phẩm quốc gia theo vùng kinh tế - sinh thái và xây dựng hạ tầng và nền tảng nông thôn mới:

+ Trước hết phải xác định thị trường, khách hàng mục tiêu - tiêu thụ nội địa hay xuất cảng, ở những mức độ khác nhau của mỗi loại nông sản, chứ không phải chạy theo doanh số xuất khẩu (PGS. TS Vũ Trọng Khải cho biết, hiện người dân Philipines mua gạo Việt Nam với giá rẻ, chỉ bằng 2/3 giá gạo tiêu thụ trong nước, đó là điều hết sức vô lý);

+ Rà soát, điều chỉnh quy hoạch đất cho sản xuất lúa gạo, cây trồng và thủy sản theo nhu cầu của thị trường, áp dụng sản xuất theo vùng+ Đẩy mạnh công tác bảo hiểm nông nghiệp, giữ vững thị trường trong nước;

+ Đào tạo tay nghề và nâng cao hiểu biết cho người nông dân.

+ Tiếp tục dành nguồn tín dụng ưu đãi để đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nhất là trong phát triển hạ tầng nông thôn.