Làm gì để tăng thu ngân sách từ khai thác khoáng sản?

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Lựa chọn doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm khai thác khoáng sản sẽ xóa bỏ tình trạng buôn bán giấy phép khai thác hay “ôm mỏ” rất phổ biến trước đây.

Cần chọn doanh nghiệp có đủ năng lực, kinh nghiệm để khai thác khoáng sản tiết kiệm, hiệu quả. Nguồn: chinhphu.vn
Cần chọn doanh nghiệp có đủ năng lực, kinh nghiệm để khai thác khoáng sản tiết kiệm, hiệu quả. Nguồn: chinhphu.vn

Đó là một trong những giải pháp được đưa ra tại Hội thảo "Tăng hiệu quả thu ngân sách từ khai thác khoáng sản: Giải pháp nào cho Việt Nam?" do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 10/10.

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, thu ngân sách từ ngành khai thác khoáng sản chưa thực sự tương xứng với chi phí đầu tư, sản lượng khai thác và tổn thất môi trường. 

Chính sách quản lý hiện tại cũng chưa khuyến khích để doanh nghiệp khai thác khoáng sản tiết kiệm và hiệu quả. Đặc biệt, hệ thống quản lý tài chính về khoáng sản vẫn còn tồn tại nhiều lỗ hổng, tạo ra kẽ hở cho việc thất thoát nguồn thu.

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII của Việt Nam đã thông qua Luật khoáng sản năm 2010 để thay thế các quy định không còn phù hợp. Luật khoáng sản năm 2010 mới ban hành đã có nhiều quy định cụ thể, chặt chẽ đã khắc phục được một số tồn tại, hạn chế trong quản lý khoáng sản; công tác cấp phép hoạt động khoáng sản đang chuyển dần sang cơ chế đấu giá rõ ràng và minh bạch hơn; hệ thống cơ quan thực thi pháp luật về khoáng sản dần được hoàn thiện từ Trung ương đến địa phương. Thời gian tới, nhiều văn bản hướng dẫn của Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan trong lĩnh vực khoáng sản tiếp tục được ban hành sẽ góp phần quản lý chặt chẽ, có hiệu quả hơn nguồn tài nguyên này.

Bàn về các giải pháp tăng thu ngân sách từ hoạt động khai thác khoáng sản, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Địa chất Khoáng sản Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Văn Thuấn cho rằng, cần có quy định tổ chức cá nhân phải có đủ điều kiện vốn, công nghệ, kinh nghiệm theo quy định mới được tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Điều này sẽ giúp loại trừ các doanh nghiệp yếu kém về năng lực tài chính, kinh nghiệm trong khai thác khoáng sản.

Ông Nguyễn Văn Thuấn cho biết, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản có giá trị khá lớn, nhiều mỏ tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Số tiền này được xác định căn cứ vào trữ lượng khoáng sản còn nằm trong lòng đất sẽ thúc đẩy doanh nghiệp phải khai thác triệt để tài nguyên, không thể “dễ làm khó bỏ” hay buôn bán giấy phép khai thác khoáng sản. Điều này cũng loại trừ tình trạng “ôm mỏ” rất phổ biến trước đây, doanh nghiệp phải tính toán để đề nghị cấp phép phần trữ lượng phù hợp với công suất và thời gian khai thác.

Ngoài ra, cần phải lập, quản lý, lưu giữ bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khai thác và thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản để báo cáo cơ quan nhà nước. Trường hợp không chấp hành, hoặc chấp hành không đầy đủ sẽ bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên, để thực hiện việc này hiệu quả phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan Thuế và cơ quan quản lý tài nguyên.

Đề cập đến vấn đề thu ngân sách nhà nước về thuế tài nguyên khai thác khoáng sản, bà Hoàng Thị Hà Giang - Trưởng phòng Chính sách thuế về đất đai, tài nguyên, phí, lệ phí và thu khác, Tổng cục Thuế cho biết, cần có cơ chế quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với việc cấp phép khai thác và sử dụng tài nguyên một cách hợp lý tránh gây lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường như hiện nay.

Theo bà Giang, cần tiếp tục nghiên cứu cải tiến phương thức quản lý thuế tài nguyên cho phù hợp hơn theo hướng những cơ chế, chính sách đang duy trì, ổn định, không gây biến động lớn tới nền sản xuất, thị trường, đời sống tâm lý dân cư thì vẫn duy trì hoặc nếu có thì điều chỉnh giảm để cân đối giữa các khoản thu. Đây vừa là giải pháp kinh tế, cũng là giải pháp tâm lý, về mặt quản lý nhà nước sẽ giảm được thủ tục hành chính trong nghiên cứu, ban hành văn bản pháp luật.