Lạm phát có trong tầm kiểm soát?

Thu Hà

TCTC Online - Theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2012 tăng 2,2% so với tháng 8, tăng 6,48% so với tháng 9/2011. Đây là một mức tăng “sốc” sau 2 tháng liên tiếp CPI mang dấu âm, tháng 8/2012 tăng nhẹ. Câu hỏi đặt ra là CPI có trong tầm kiểm soát?

Nguyên nhân CPI tăng cao

Như vậy, CPI đã tăng 5,13% so với tháng 12 năm trước, và bình quân 9 tháng năm 2012 tăng 9,96%.

Mức tăng của tháng 9 năm nay chủ yếu do các nhân tố chủ quan đã được dự trù trước, đó là sự tăng cao của phí dịch vụ y tế và học phí giáo dục.

Sau khi phát tín hiệu tăng tốc vào tháng trước, phí các dịch vụ y tế chính thức nhảy vọt vào tháng này khiến chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 17,02% so với tháng trước. Giá các dịch vụ y tế tăng phản ánh việc thực hiện của các tỉnh/thành phố đối với thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế và Bộ Tài chính về việc điều chỉnh khung giá một số dịch vụ khám chữa bệnh. Việc ảnh hưởng của thông tư này chỉ ảnh hưởng một lần, mang tính thời điểm đối với chỉ số giá. Do thời điểm áp dụng khung giá dịch vụ y tế mới giữa các địa phương trong cả nước có khác nhau nên chỉ số giá nhóm y tế đã tăng trong cả 2 tháng vừa qua. Với quyền số chiếm 5,6%, mức tăng 17,02% này đã đóng góp 0,95% vào mức tăng của chỉ số chung cả nước.

Tháng 9 khai giảng năm học cũng là thời điểm để nhóm hàng giáo dục gồm học phí và giá các mặt hàng giáo dục như sách, vở, bút, mực... tăng giá. Chỉ số giá nhóm giáo dục trong tháng đã tăng 10,54% so với tháng trước, chủ yếu do việc tăng giá học phí. Việc tăng học phí lần này cũng là thực hiện theo lộ trình được quy định theo nghị định của Chính phủ. Với mức tăng 10,54% này, học phí đã đóng góp 0,6% vào mức tăng của chỉ số chung cả nước.

Cũng giống như phí dịch vụ y tế, học phí giáo dục cũng chỉ ảnh hưởng một lần, mang tính thời điểm đối với chỉ số giá. Với các tỉnh đã tăng, trong thời gian tới, học phí không còn ảnh hưởng đến chỉ số chung cho đến lần điều chỉnh tiếp theo.

Ngoài hai nhóm hàng tăng mạnh trên, nhóm giao thông với quyền số tương đối lớn đã đóng góp đáng kể vào mức tăng chung với chỉ số giá của nhóm đạt ở mức tăng 3,83% so với tháng trước.

Ảnh hưởng trực tiếp của các đợt tăng giá xăng dầu thời gian trước đã được tính đầy đủ vào chỉ số giá tháng này, nhất là đợt tăng khá mạnh ngày 28/8 vừa qua. Ngoài ra, các ảnh hưởng gián tiếp thông qua giá cước vận chuyển của các hãng vận tải cũng đã được thể hiện trong chỉ số giá tháng này.

Cùng với ảnh hưởng của việc tăng giá các mặt hàng xăng dầu, cụ thể là dầu hỏa, giá gas sinh hoạt tăng mạnh trong tháng đã đẩy chỉ số giá nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng tăng 2,18% so với tháng trước.

Lạm phát có trong tầm kiểm soát?

Mức tăng của CPI trong hai tháng gần đây đã bằng mức tăng của 7 tháng đầu năm cộng lại, khiến câu hỏi liệu kịch bản diễn biến giá cả sau năm 2009 liệu có lặp lại đang được nhiều người quan tâm đặt ra.

Một số chuyên gia cho rằng, quán tính lạm phát của Việt Nam rất lớn nên nếu trong các tháng còn lại của năm, giá cả không đón nhận những chuyển biến tích cực từ vĩ mô thì không những mục tiêu lạm phát năm nay không đạt được mà mối lo lạm phát năm kế tiếp sẽ hiện hữu rõ hơn. Cùng quan điểm này, trao đổi với phóng viên AFP, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cảnh báo: “Lạm phát có thể lại trở thành một vấn đề kinh tế vĩ mô trong những tháng sắp tới”.

Còn theo JPMorgan Chase, mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 của Việt Nam là cao hơn dự kiến. Tuy nhiên, ngân hàng này cho rằng, lạm phát của Việt Nam sẽ không tăng mạnh trong thời gian còn lại của năm 2012.

Trong một báo cáo vừa đưa ra ngày hôm nay (24/9), JPMorgan nhận định, mức tăng CPI 2,2% trong tháng 9 so với tháng 8 là cao hơn dự kiến, bởi trong 8 tháng trước đó, CPI chỉ tăng bình quân mỗi tháng 0,2%. Nếu so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 9 tăng gần 6,5%, so với mức dự báo tăng 5,8% của JPMorgan Chase và 5,2% của giới quan sát nói chung.

Báo cáo cũng chỉ rõ rằng, nguyên nhân khiến CPI tháng 9 tăng mạnh nằm ở 4 nhóm hàng hóa và dịch vụ, bao gồm y tế, giáo dục, giao thông, và lương thực-thực phẩm.

Theo chuyên gia Matt L Hildebrandt, người thực hiện bản báo cáo, lạm phát thường có xu hướng tăng vào cuối năm, với giá cả của các nhóm hàng hóa và dịch vụ trên cùng tăng, ngoại trừ nhóm y tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu và ở Việt Nam cùng yếu đi, JPMorgan Chase không cho là CPI sẽ tăng vọt vào cuối năm nay như thường xảy ra trong mấy năm gần đây.

Tuy nhiên, báo cáo cho rằng, mức lạm phát 5% so với cùng kỳ năm trước sẽ khó duy trì, và lạm phát sẽ tiếp tục hướng tới ngưỡng 9% trong thời gian còn lại của năm. 

Trên cơ sở này, JPMorgan Chase cho rằng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể dừng việc cắt giảm lãi suất cho tới hết năm nay. Trước đó, JPMorgan Chase dự báo, Ngân hàng Nhà nước sẽ hạ lãi suất thêm 100-200 điểm cơ bản trong năm nay.

Tuy nhiên, theo JPMorgan Chase, mức lạm phát thấp và ổn định sẽ giúp Việt Nam ổn định được cán cân thanh toán, tỷ giá đồng nội tệ cũng như dự trữ ngoại hối.

Còn theo chuyên gia kinh tế Lê Thẩm Dương thuộc Đại học Ngân hàng Tp.HCM, năm học mới bắt đầu vào tháng 9 và giá xăng tăng đã đẩy giá cả ở các nhóm giáo dục và giao thông tăng. Theo ông Dương, “lạm phát có vẻ như vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng nếu Chính phủ không phân bổ vốn vào các dự án hiệu quả, thì lạm phát có thể lại ra khỏi vòng kiểm soát lần nữa”.

Những yếu tố ở trong nước tác động đến lạm phát đã xuất hiện trở lại. Việc CPI đã tăng trở lại trong tháng 8 và tăng khá cao trong tháng 9 là tín hiệu để dự báo rằng lạm phát đang nằm trong đà tăng lên, nếu không kiên trì, nhất quán mà nới lỏng với mục tiêu kiềm chế lạm phát. Để đảm bảo lạm pahts vấn trong tầm kiểm soát,  cần tăng cường phòng ngừa lạm phát  bằng nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt chú ý: (1) Ngăn chặn nhập siêu; (2) Cẩn trọng trong việc vay nợ, nhất là vay thương mại, đặc biệt là vay thương mại của các doanh nghiệp; (3) Nghiêm chỉnh và tích cực trong việc trả nợ; (4) Cẩn trọng với việc tăng tỷ giá, bởi nếu tăng tỷ giá sẽ làm phát sinh nhập khẩu lạm phát do giá nhập khẩu tính bằng VND sẽ bị tăng kép (vừa tăng do giá tính bằng ngoại tệ tăng, vừa tăng do tỷ giá VND/ngoại tệ tăng).