Lạm phát hết thời gây sốc

Theo thoibaonganhang.vn

Mức tăng của lạm phát cơ bản từ tháng 1 đến tháng 11 năm nay so với cùng kỳ có biên độ dao động trong khoảng khá hẹp, từ 1,64-1,88%. Điều này thể hiện chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định, giúp ổn định kinh tế vĩ mô.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Ngày Black Friday được nhiều trung tâm thương mại, cửa hàng tổ chức cuối tuần trước, nhưng vài tuần trước đó đã được quảng bá đến người tiêu dùng.

Trung tâm thương mại Vincom Mega Mall tại khu đô thị Times City (Hà Nội) cuối tuần rồi người khắp nơi đổ về đông như hội. Doanh thu tốt, nhiều cửa hàng tiếp tục kéo dài thời gian giảm giá sang đến tuần này.

Đúng vào giai đoạn cuối năm, nhu cầu chi tiêu nhiều, sự kiện giảm giá trên diện rộng vừa qua thực sự hiệu quả cho cả người dân, doanh nghiệp sản xuất và nhà bán lẻ.

Tiêu dùng sôi động dịp này đang phản ánh vào chỉ tiêu về lạm phát, dân và doanh nghiệp có thể mừng được mua hàng rẻ, nhưng các cơ quan điều hành vĩ mô vẫn chịu sức ép lớn.

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2016 tăng 0,48% so với tháng trước. Cho dù đây là mức tăng thấp nhất trong 3 tháng trở lại đây, nhưng vì so với tháng 12 năm ngoái CPI tháng này đã tăng tới 4,5%, nên để kiềm chế CPI cả năm dưới 5% như mục tiêu Quốc hội đã thông qua thì CPI tháng 12/2016 không được tăng quá 0,48% so với tháng 11/2016.

Đó thực sự là một thách thức trong bối cảnh hiện nay. Phân tích từ cơ quan thống kê cho thấy, các yếu tố như mùa cưới đến, tình hình thời tiết không thuận lợi cho cây trồng… đang đẩy dần giá cả các mặt hàng ăn uống lên.

Thời điểm giao mùa khiến nhu cầu “áo ấm, nệm êm” tăng, thúc đẩy giá cả tăng theo. Trong khi đó, giá xăng vừa giảm hôm 19/11 nhưng khó có thể cân bằng lại sau 6 lần tăng giá trước đó. Hơn nữa, lần giảm giá này không nằm trong kỳ tính CPI tháng 11…

Tuy nhiên, thách thức đó đã được hóa giải phần nào từ sự chủ động kiểm soát lạm phát của các cơ quan Chính phủ. Trong tháng này, duy nhất tỉnh Hải Dương điều chỉnh giá dịch vụ y tế, nên tác động từ nhóm thuốc và dịch vụ y tế vào diễn biến CPI tháng 11 không nhiều. Đó là một trạng thái khác hẳn so với tháng trước, khi có tới 15 tỉnh điều chỉnh giá dịch vụ này.

Phía chính sách tiền tệ, dư địa biến động giá cả liên tục bị ép xuống. Tăng trưởng tín dụng được kiểm soát phù hợp với diễn biến kinh tế, với dự kiến tăng trưởng GDP năm nay có thể không đạt mục tiêu 6,7% mà chỉ khoảng 6,3-6,5%, thì tín dụng dự kiến cũng chỉ tăng ở mức 18%. Trên thị trường mở, diễn biến bơm, hút khá nhịp nhàng, theo xu hướng thị trường. Trong tuần trước, hơn 44 nghìn tỷ đồng được hút ra khỏi hệ thống…

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, lạm phát cơ bản - chỉ tiêu “cân đong” tác dụng của tiền tệ lên lạm phát - vào tháng 11/2016 chỉ tăng nhẹ 0,1% so với tháng trước, tăng 1,87% so với cùng kỳ; 11 tháng đầu năm 2016 so cùng kỳ năm 2015 tăng 1,82%.

Theo cơ quan thống kê, trong tháng 11, việc lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao.

“Mức tăng của lạm phát cơ bản từ tháng 1 đến tháng 11 năm nay so với cùng kỳ có biên độ dao động trong khoảng khá hẹp, từ 1,64-1,88%. Điều này thể hiện chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định, giúp ổn định kinh tế vĩ mô”, Tổng cục Thống kê nhận định.

Những giải pháp điều hành để kiểm soát lạm phát của cơ quan chức năng như nói ở trên đang bám sát diễn biến thị trường, những nỗ lực không ngừng ấy khiến cho cơ quan điều hành bận rộn nhưng thị trường thì ổn định.

Chi tiêu của xã hội đang cải thiện, cho thấy những xáo trộn của con số lạm phát không tác động nhiều đến tâm lý xã hội. Đó là một bối cảnh rất khác so với giai đoạn những năm 2007-2011, khi chỉ số giá cả biến động rất mạnh và gần như mỗi người dân, hay nhà đầu tư trên các thị trường tài sản luôn “ngóng” lạm phát để hành xử trong đầu tư, tiêu dùng…