Làn sóng đầu tư mới từ châu Âu

Theo daibieunhandan.vn

Bên lề Hội thảo “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA): Cơ hội thu hút đầu tư công nghiệp tại Việt Nam” sáng 20/12, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bùi Huy Sơn cho biết, nhiều doanh nghiệp châu Âu dự định chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam nhằm tận dụng cơ hội EVFTA mang lại.

Bất động sản là lĩnh vực được các doanh nghiệp EU quan tâm. Nguồn: internet.
Bất động sản là lĩnh vực được các doanh nghiệp EU quan tâm. Nguồn: internet.

39% doanh nghiệp có ý định tăng vốn

Phóng viên: EVFTA có thể mang tới cho Việt Nam những gì, thưa ông?

Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại.

Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại.

Ông Bùi Huy Sơn: EU là một trong những đối tác đầu tư, thương mại quan trọng của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh EVFTA đã kết thúc đàm phán vào tháng 12.2015. Với mức độ cam kết đạt được, EVFTA được kỳ vọng là một cú hích quan trọng giúp thúc đẩy đầu tư và thương mại giữa Việt Nam và EU. Bên cạnh kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU được kỳ vọng sẽ tăng xấp xỉ 50% trong các năm đầu hiệp định có hiệu lực thì 39% doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam có dự định tăng vốn đầu tư. Làn sóng đầu tư mới từ các doanh nghiệp châu Âu được dự đoán sẽ mang theo công nghệ tiên tiến tới Việt Nam. Với quy mô và tiềm năng về vốn, công nghệ của EU, Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành địa bàn trung chuyển, cửa ngõ kết nối cho hoạt động thương mại và đầu tư của EU trong khu vực.

Cho đến nay, quan hệ hợp tác đầu tư giữa EU và Việt Nam đã đạt được những kết quả gì, thưa ông? 

Trong hơn một thập kỷ vừa qua, quan hệ thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và EU đã có những bước phát triển vượt bậc. Giá trị thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đã tăng gần 7 lần, từ 6,3 tỷ USD năm 2003 lên 41,2 tỷ USD năm 2015, đưa EU trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Tính đến tháng 4.2016, các doanh nghiệp EU đã đầu tư vào Việt Nam 1.809 dự án với tổng vốn đăng ký 23,16 tỷ USD, chiếm 8,7% số dự án và 8% tổng vốn đầu tư tại nước ta. Những lĩnh vực được các nhà đầu tư EU quan tâm nhất là công nghiệp chế biến chế tạo; sản xuất phân phối điện; kinh doanh bất động sản; xây dựng và một số ngành dịch vụ khác. Các quốc gia đầu tư nhiều nhất gồm: Hà Lan, Anh, Pháp, Luxemburg và Đức, chiếm 84,3% tổng vốn đầu tư của EU vào Việt Nam.

Tuy nhiên, tiềm năng đầu tư của doanh nghiệp EU ở Việt Nam vẫn còn rất lớn. Chúng ta hy vọng với EVFTA sẽ ngày càng có nhiều doanh nghiệp châu Âu đến đầu tư tại Việt Nam, mang theo công nghệ cao, kỹ năng quản lý, chuyển giao một số công nghệ. Đặc biệt trong một số lĩnh vực, Việt Nam cam kết mở cửa thị trường đối với nhà đầu tư châu Âu như sản xuất máy móc, sản xuất thiết bị điện tử, dệt may, da giày, sản xuất gỗ và sản phẩm từ gỗ, chế biến thực phẩm...

Tiền đề tốt để thu hút đầu tư

Ông dự báo như thế nào về dòng vốn đầu tư từ châu Âu vào Việt Nam trong thời gian tới?

EVFTA là tiền đề rất tốt để thu hút đầu tư từ châu Âu. Chúng tôi đã có những buổi tiếp xúc, làm việc với các doanh nghiệp châu Âu. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn cho biết, họ đã nghiên cứu các nội dung của EVFTA và đang dự định chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam trong thời gian tới nhằm tận dụng những cơ hội Hiệp định mang lại. Ngay cả những doanh nghiệp đã đầu tư tại Việt Nam, đơn cử như Tập đoàn công nghệ Bosch, cũng có kế hoạch mở rộng đầu tư, kinh doanh. Các doanh nghiệp Châu Âu đều đánh giá cao môi trường chính trị ổn định của nước ta cũng như các yếu tố dân số trẻ, nguồn nhân lực dồi dào, chịu học hỏi, có khả năng tiếp thu nhanh những công nghệ kỹ thuật cao.

Doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị những gì để đón làn sóng này thưa ông?

Doanh nghiệp trong nước cần chuẩn bị kỹ lưỡng theo hướng hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài, tận dụng làn sóng đầu tư sau EVFTA để tiếp thu công nghệ hiện đại, kỹ năng quản lý, trình độ công nhân. Doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành đối tác tin cậy của doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp EU.

Xin cảm ơn ông!