Lao động hưởng lợi nhờ gia nhập WTO

Theo Báo Đầu tư

Theo TS. Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), về mặt lao động - việc làm, nền kinh tế Việt Nam đang được hưởng lợi nhờ gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Bà cho rằng, gia nhập WTO, người lao động được hưởng lợi nhờ vào việc gia tăng công ăn việc làm?

Lao động hưởng lợi nhờ gia nhập WTO - Ảnh 1
TS. Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội
Từ năm 2007 đến nay, mỗi năm, lao động trong khu vực nông nghiệp giảm khoảng 65.000 người, khu vực công nghiệp tăng 624.000 người, dịch vụ tăng 623.000 người.

Điều đáng nói là, ngay sau khi Việt Nam gia nhập WTO, kinh tế thế giới rơi vào suy thoái, kinh tế trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hàng loạt doanh nghiệp phải đóng cửa, giải thể, ngừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, nhưng năm 2011 là năm đầu tiên, lao động trong khu vực nông nghiệp giảm cả về số tuyệt đối lẫn tỷ trọng/tổng số lao động.

Hiện chỉ có khoảng 24 triệu người làm việc trong khu vực này, chiếm 47,6% tổng số lao động.

Trong nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, lĩnh vực nào được hưởng lợi nhiều nhất trong tạo việc làm sau khi gia nhập WTO, thưa bà?

Sau khi gia nhập WTO, các ngành dịch vụ có tốc độ tăng việc làm cao nhất, chủ yếu là những ngành dịch vụ mới và hiện đại như công nghệ tăng 25,4%/năm; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng 9,6%/năm. Lĩnh vực xây dựng và công nghiệp chế tạo đạt tốc độ tăng việc làm tương ứng là 8,1%/năm và 7%/năm.

Từ năm 2007 đến nay, mỗi năm có thêm khoảng 1,1 triệu người chuyển sang khu vực làm công ăn lương, tăng mạnh so với con số 847.000 người của giai đoạn trước năm 2007. Tỷ lệ làm công, ăn lương đã tăng từ 28%/tổng số lao động năm 2006 lên trên 35% hiện nay, theo đó, tỷ lệ lao động nông nghiệp,tự làm việc giảm xuống tương ứng. Tốc độ tăng việc làm ở lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp - xây dựng cao, không chỉ tạo thêm nhiều việc làm mới, giảm áp lực thất nghiệp mà còn giúp nâng cao thu nhập cho người lao động bởi 2 lĩnh vực này, đặc biệt là dịch vụ hiện đại có mức lương cao hơn nhiều so với bình quân của xã hội.

Điều đáng mừng nữa là tỷ lệ lao động tham gia của lực lượng lao động đã tăng rất mạnh từ mức 70,3% năm 2006 lên trên 77,3% hiện nay. Tỷ lệ lao động tham gia vào hoạt động kinh tế của dân cư nông thôn tăng rất nhanh, lên trên 80,6% dân số trong độ tuổi lao động ở nông thôn, đã giúp thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ngoài những diễn biến tích cực trên, theo bà, sau gia nhập WTO, lĩnh vực lao động - việc làm có mặt nào chuyển biến tích cực?

Đó là chuyển dịch cơ cấu lao động theo hình thức sở hữu. Cụ thể, sau hội nhập, mỗi năm số lao động trong khu vực nhà nước vẫn tăng 267.000 người với tốc độ tăng 4%/năm. Khu vực tư nhân hiện tại mới chiếm 8,2% tổng số lao động, tăng không đáng kể so với năm 2006 là 8,1%. Tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực kinh tế cá thể chỉ giảm nhẹ, từ mức 78,9% năm 2006 xuống 77,6% hiện nay.

Kinh tế thị trường phải đứng trên đôi chân của khu vực kinh tế tư nhân, chứ không phải trên đôi chân của kinh tế cá thể, nhưng sau 6 năm gia nhập WTO, chúng ta vẫn còn tới 77,6% số lao động làm việc ở khu vực tư nhân trong khi chỉ có 8,2% làm việc ở khu vực tư nhân. 

Tôi cũng muốn nói thêm rằng, nếu kinh tế cá thể tham gia vào hoạt động dịch vụ cao cấp, dịch vụ có thu nhập cao và ổn định thì rất tốt, nhưng ở nước ta, kinh tế cá thể, ngoại trừ hộ gia đình làm nông nghiệp, còn lại là “chạy chợ”, buôn thúng bán mẹt, xe ôm… nên thu nhập rất thấp, công việc bấp bênh, điều kiện lao động không bảo đảm.

Thưa bà, kinh tế Việt Nam hội nhập hoàn toàn với kinh tế thế giới, vậy vì sao trong khi tỷ lệ thất nghiệp của các nước trên thế giới rất cao, còn Việt Nam thì ngược lại?

Mỗi năm, nước ta có thêm khoảng 66.000 người thất nghiệp (trước năm 2007 là 40.000 người/năm). Tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam hiện vào khoảng 3%, tăng nhẹ so với tỷ lệ 2,3% năm 2007.

Trong khi ở các nước có nền kinh tế phát triển và nhiều nước khác trên thế giới tỷ lệ thất nghiệp đều trên 10%, thậm chí là trên 20%, thì tỷ lệ thất nghiệp 3% của Việt Nam khiến một số người nghi ngờ về độ chính xác của nó.

Tuy nhiên, theo tôi, tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam có thể là khá chính xác. Bởi, khác với nhiều nước khác, lực lượng lao động trong khu vực nông nghiệp hiện có tới 24 triệu người, chiếm 47,6% tổng việc làm trong cả nước, những người gia nhập vào lực lượng lao động ở khu vực này, nếu không đi làm công ăn lương vẫn được coi là có việc làm.