Lao động Việt Nam trước áp lực cạnh tranh từ hội nhập

Việt Hà

(Taichinh) - Nâng cao năng suất, nâng cao năng lực cạnh tranh là những yêu cầu cấp thiết nhằm hướng tới tăng trưởng nhanh và bền vững. Tuy nhiên, mục tiêu này vẫn chưa đạt được do nhiều rào cản.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu

Việt Nam đang ở trong thời kỳ dân số vàng, song, trên thực tế “dân số vàng” chưa phát huy được lợi thế. Theo Tổng cục Thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 48 triệu người trong độ tuổi lao động nhưng số lao động qua đào tạo nghề chỉ đạt 30%.

Tỷ lệ lao động tham gia vào thị trường lao động chính thức còn thấp, đạt khoảng 30%. Khoảng 45% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp hầu như chưa qua đào tạo. Các lĩnh vực khác được đào tạo thì trình độ chưa cao, khả năng ngoại ngữ và làm việc nhóm còn hạn chế. Nhìn chung, mới chỉ có một số ít lao động Việt Nam đủ khả năng làm chủ các công nghệ mới.

Kết quả điều tra cảm nhận môi trường kinh doanh năm 2014 của 1.491 doanh nghiệp FDI tới từ 43 quốc gia đã cho thấy, cung lao động có tay nghề cao ở Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Từ năm 2010 - 2014, các doanh nghiệp FDI đã phải đào tạo thêm đến 20 - 35% số lao động mới tuyển dụng, chiếm khoảng 3,6 - 7,8% chi phí kinh doanh. Dù khoảng cách giữa trình độ tay nghề và nhu cầu doanh nghiệp đã giảm dần trong giai đoạn 2010 - 2013.

Tuy nhiên, năm 2014, tỷ lệ nhân viên mới có kỹ năng kém và chi phí đào tạo tăng trở lại mốc của năm 2010. Nhu cầu về lao động có tay nghề cao cũng tăng cao trở lại. Đối với những ngành quan trọng cho chiến lược phát triển của Việt Nam, chất lượng giáo dục phổ thông và đào tạo nghề đều bị đánh giá là chưa đáp ứng được yêu cầu. Doanh nghiệp FDI phải tự đầu tư bổ sung đào tạo cho lao động mới tuyển về những kỹ năng cơ bản và kiến thức chuyên môn.

Chất lượng nguồn nhân lực không cao, dẫn đến năng suất lao động thấp không chỉ làm giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế mà còn là rào cản đối với phát triển kinh tế tri thức, tăng trưởng bền vững. Nghiên cứu “Cộng đồng ASEAN 2015: Quản lý hội nhập hướng tới việc làm tốt hơn và thịnh vượng chung” của ILO/ADB cho rằng, lao động Việt Nam thiếu chuyên môn, chưa được đào tạo, các kỹ năng được trang bị không phù hợp với đòi hỏi của thị trường và nhiều lao động phải đào tạo lại… Đây là một trong những lý do khiến năng suất lao động của Việt Nam đang ở mức thấp nhất châu Á.

Theo PGS.TS. Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo, trình độ lao động của Việt Nam còn hạn chế về kỹ năng nghề đang gây khó khăn trong việc tiếp thu ứng dụng, trình độ khoa học công nghệ khi tham gia hội nhập.

Bên cạnh đó, hiểu biết của lao động Việt Nam về văn hóa doanh nghiệp và pháp luật của nước bạn còn hạn chế. Ngoài ra, tác phong công nghiệp chưa tốt cũng là điểm yếu khó cạnh tranh khi thị trường lao động được mở cửa. Nếu không sớm khắc phục được những hạn chế, bất cập về chất lượng lao động, Việt Nam rất khó cạnh tranh và có thể đánh mất thị trường và cơ hội làm việc ngay tại quê nhà.

PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Hương, Viện Khoa học lao động và xã hội cũng cho rằng, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn thấp và có khoảng cách khá lớn so với các nước trong khu vực. Chỉ số cạnh tranh nguồn nhân lực chỉ đạt 3,39/10 điểm, cho thấy Việt Nam đang thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao.

Trong tổng số hơn 53,4 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc, chỉ có khoảng 49% qua đào tạo, trong đó qua đào tạo nghề từ 3 tháng trở lên chỉ chiếm khoảng 19%.

Một bộ phận lớn người lao động hiện nay chưa được tập huấn về kỷ luật lao động công nghiệp, tùy tiện về giờ giấc và hành vi. Người lao động chưa được trang bị các kiến thức và kỹ năng làm việc theo nhóm, thiếu khả năng hợp tác và gánh chịu rủi ro, ngại phát huy sáng kiến và chia sẻ kinh nghiệm làm việc.

Năng suất lao động thấp

Dẫn đánh giá của Ngân hàng Thế giới, TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam đạt mức 3,79 điểm (trong thang điểm 10), xếp hạng thứ 11 trong số 12 quốc gia được khảo sát tại châu Á. Trong khi Hàn Quốc đạt 6,91 điểm; Ấn Độ đạt 5,76 điểm; Malaysia đạt 5,59 điểm.

Chính vì vậy, hiện nay, năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng 1/18 năng suất lao động của Singapore, bằng 1/6 của Malaysia, bằng 1/3 của Thái Lan và Trung Quốc. Năng suất lao động xã hội năm 2014 theo giá hiện hành của toàn nền kinh tế ước tính đạt 3.515 USD một người (số liệu của Tổng cục Thống kê).

Đáng chú ý, theo thông tin của Tổ chức năng suất châu Á (APO, 2014), tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam có xu hướng giảm dần theo thời gian. Nếu giai đoạn 1990 - 2000, tốc độ tăng năng suất lao động trung bình của Việt Nam đạt 5,7%, đến giai đoạn 2000 - 2012, giảm xuống còn 4,5%, trong đó giai đoạn 2005 - 2012, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam chỉ còn 2,9%.

Cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực nhưng tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn ở mức cao. Ngoài ra, tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam trong các ngành sản xuất và dịch vụ vẫn còn ở mức thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam cho biết, năng suất lao động của Việt Nam năm 2014 tính theo giá thực tế đạt 74,3 triệu đồng/người, tăng 4,35% so với năm 2013.

Tính bình quân trong giai đoạn 2011 - 2014, năng suất lao động của Việt Nam đạt 63,31 triệu đồng/người. Tốc độ tăng năng suất lao động chậm, từ 3,49% năm 2011 lên mức bình quân 3,68% cả giai đoạn 2011 - 2014.

Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo

Theo các chuyên gia của ILO và ADB, Việt Nam cần gấp rút cải thiện chất lượng của nền giáo dục và đào tạo ở các trường trung học phổ thông và dạy nghề.

Bên cạnh đó, cần ưu tiên các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và năng suất lao động trong ngành nông nghiệp. Đồng thời, Việt Nam cần kết nối các chính sách phát triển ngành và các chính sách việc làm nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế.

Các doanh nghiệp Việt Nam muốn giữ chân người lao động cần phải có chế độ chính sách phù hợp trong thu nhập, sử dụng và đãi ngộ trong đào tạo bồi dưỡng, tạo cơ hội thăng tiến và môi trường làm việc thân thiện, sáng tạo để nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao yên tâm làm việc và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, ở Việt Nam cũng cần có sự tham gia của toàn xã hội. Riêng đối với các doanh nghiệp, cần áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao khả năng quản lý, xây dựng môi trường làm việc để người lao động chủ động nâng cao năng suất, hiệu quả.