Lấp khoảng trống chính sách từ bảo hiểm xã hội đa tầng và tuổi hưu

Bùi Dương

Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là hai vấn đề lớn thu hút sự quan tâm của dư luận, nếu không được sửa đổi, bổ sung cùng lúc sẽ tạo ra những khoảng trống về cơ chế, chính sách.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đa tầng

Dù chính sách bảo hiểm xã hội liên tục có sự điều chỉnh, hạn chế được nhiều bất cập, nhưng đến cuối năm 2017 mới có 13,6 triệu người tham gia bảo hiểm bắt buộc, tức là còn khoảng 3 triệu người chưa tham gia bảo hiểm bắt buộc. Việc bảo hiểm xã hội bắt buộc chưa “phủ sóng” 100% thực sự là trở ngại, thách thức lớn trong việc hiện thực hóa mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân. Để cơ chế, chính sách không còn khoảng trống cũng như thực hiện được mục tiêu an sinh xã hội thì nhất định phải cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Một trong nhiều điểm mới, có tính đột phá, phù hợp với thông lệ quốc tế có trong “Đề án cải cách bảo hiểm xã hội” của Chính phủ được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu, đề xuất là chính sách bảo hiểm xã hội được thiết kế theo đa tầng.

Theo đó, tầng thứ nhất là lương hưu xã hội đối với những người cao tuổi đến độ tuổi nhất định, không có cơ hội để đóng góp, không có bảo hiểm xã hội hoặc trợ cấp hàng tháng thì ngân sách nhà nước sẽ cung cấp cho họ một khoản lương hưu; Tầng thứ 2 là bảo hiểm xã hội cơ bản đối với người lao động đi làm có thu nhập thì đóng bảo hiểm xã hội, người lao động sẽ được hưởng lương hưu trên tiền lương lúc đang làm việc; Tầng thứ 3 là tầng hưu trí bổ sung được thực hiện hoàn toàn dựa vào việc thoả thuận, thương lượng giữa người lao động và người sử dụng lao động để có lương hưu cao hơn.

Nói một cách khác, bảo hiểm xã hội đa tầng sẽ đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người dân khi đang làm việc và ngay cả khi về hưu thay vì đơn tầng như hiện nay. Thông qua bảo hiểm xã hội đa tầng, mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân có thể sẽ về đích sớm hơn.

Nâng tuổi nghỉ hưu, không có chuyện vỡ quỹ bảo hiểm

Nâng tuổi nghỉ hưu có phải vì sợ nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm là vấn đề đang được dư luận xã hội hết sức quan tâm. Chính vì vậy, đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu là vấn đề lớn đã được cơ quan chức năng tham chiếu từ nhiều yếu tố như kinh tế, năng suất lao động, hiệu quả sử dụng và chất lượng nguồn nhân lực... chứ không đơn thuần chỉ là việc cân đối quỹ bảo hiểm.

Ngay cả cảnh báo về nguy cơ vỡ quỹ lương hưu vào năm 2025 đưa ra trước đây cũng được cơ quan chức năng công khai khẳng định là không có cở sở, không có chuyện vỡ quỹ, vì cảnh báo tính theo dữ liệu cũ, không bảo đảm tính chính xác. Thực tế cũng đang chứng minh việc vỡ quỹ bảo hiểm là chuyện không thể, bởi hiện có gần 14 triệu người đóng quỹ bảo hiểm xã hội nhưng chỉ có khoảng 3 triệu người hưởng lương hưu.

Vì sao phải nâng tuổi nghỉ hưu, là vấn đề quan tâm của toàn xã hội. Theo các nhà hoạch định chính sách cho rằng thực tế cho thấy tuổi nghỉ hưu 55 với nữ, 60 với nam được thực hiện trong một thời gian rất dài, khi tuổi thọ bình quân của người Việt Nam còn thấp. Nhưng nhiều năm trở lại đây, tuổi thọ của người Việt Nam đã được nâng lên, sự già hóa dân số và lực lượng lao động có xu hướng giảm... vì vậy, việc đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu và sắp xếp việc làm phù hợp với ngành nghề và năng lực của người lao động là cần thiết.

Các chuyên gia cũng cho rằng, việc nâng tuổi nghỉ hưu không chỉ là chuyện riêng ở nước ta mà là xu hướng chung của nhiều quốc gia. Ví dụ, ở Mỹ tuổi nghỉ hưu trung bình là 63; ở Úc tuổi nghỉ hưu là 67 vào năm 2023; ở Nhật Bản tuổi nghỉ hưu là 65 vào năm 2030.

Như vậy, cải cách chính sách bảo hiểm xã hội là việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là hai vấn đề lớn, nếu không được sửa đổi, bổ sung cùng lúc sẽ tạo ra những khoảng trống cơ chế, chính sách. Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, một trong các phương án có tính khả thi nhất được đề xuất là nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên 60 và nam lên 62, nhưng lộ trình mỗi năm chỉ nâng thêm 3 tháng.