Lấp “lỗ hổng” trong hệ thống phân phối và bán lẻ nông sản

PGS., TS. Nguyễn Thường Lạng - Đại học Kinh tế quốc dân

(Tài chính) Quá trình tổ chức hệ thống phân phối và bán lẻ ở Việt Nam, đặc biệt là nông sản còn bộc lộ những “lỗ hổng” và rất cần tìm cách khắc phục để dòng chảy kinh tế không bị ngắt quãng, những cơ hội thu lợi không bị bỏ lỡ và giảm thiểu khả năng thâm nhập sâu của các nhà phân phối và bán lẻ nước ngoài vào đoạn thị trường mà chính các doanh nghiệp (DN) trong nước có thể làm tốt.

Cần thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng trong hệ thống phân phối nông sản. Nguồn: internet
Cần thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng trong hệ thống phân phối nông sản. Nguồn: internet
Phân phối là cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng. Nền kinh tế thị trường là dòng chảy liên tục của sản xuất, phân phối, trao đổi và tiêu dùng. Chỉ cần một khâu ách tắc là cả dòng chảy chậm lại và tăng trưởng kinh tế bị suy giảm. Nền kinh tế Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.

Những bất cập trong hệ thống

Thứ nhất, thiếu đáp ứng kịp thời và thoả đáng nhu cầu của cả người bán và người mua.

Việt Nam là một quốc gia có năng lực sản xuất rất lớn về hàng nông sản. Không ít mặt hàng nông sản của Việt Nam chiếm vị trí hàng đầu thế giới về sản lượng và kim ngạch như gạo, cà phê, hồ tiêu, hạt điều… cũng như không ít mặt hàng thiết yếu như rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống đều có thể được cung ứng với khối lượng lớn và chất lượng cao. Tuy nhiên, cả người bán và người mua về mặt hàng này đều ít hài lòng với hệ thống phân phối vả bán lẻ.

Người bán cho rằng nông sản của họ thường được mua với giá thấp, bị ép cấp làm họ bị thiệt hại, đặc biệt vào thời kỳ mùa vụ. Ví dụ, 1kg cà chua mua tại ruộng ở Bắc Giang giá từ 500 - 1.000 đồng nhưng trong siêu thị giá cà chua lên tới 10.000 đồng- cao gấp 10 đến 20 lần; 1 kg khoai tây mua tại ruộng ở Thái Bình có giá 2.000-3.000 đồng trong khi tại các chợ bán lẻ ở Hà Nội có giá 15.000-18.000 đồng với mức chênh lệch từ 5-6 lần.

Người mua còn phàn nàn về hàng nông sản thiếu sự kiểm soát chất lượng, đặc biệt là các loại quả được ngâm tẩm chín đều, trông rất “bắt mắt” hoặc các mặt hàng bán rong trên đường vừa không bảo đảm chất lượng và cân đong đo đếm thiếu từ 10-15%.

Thứ hai, thiếu khả năng bình ổn giá vào những thời điểm có sự biến động đột ngột về cung - cầu như thay đổi thời tiết đột ngột hay dịp lễ, Tết.

Đây là thời điểm mà một mớ rau muống có thể tăng từ 6.000 đồng lên tới 20.000 đồng. Trừ một số chuỗi siêu thị có khả năng xây dựng chuỗi cung ứng nguồn hàng nông sản khá ổn định nhu METRO, BigC, Co-op Mart… còn các chợ hoặc cửa hàng tư nhân đều rất hạn chế về khả năng bình ổn giá. Do đó, khách hàng đều bị tác động mạnh về tâm lý khi giá bán thay đổi đột ngột. Cách thức được chọn để kịp thời thích nghi với tình hình là “chặc lưỡi” mua hàng giá rẻ như nông sản được nhập từ Trung Quốc từ củ hành, củ tỏi đến các loại rau, củ quả… Giá hàng nhập này chỉ bằng 1/3 giá hàng cùng loại của Việt Nam. Điều này vô tình tiếp tay cho hàng nhập khẩu tràn lan vào thị trường nội địa, kể cả hàng chất lượng thấp, thậm chí độc hại đối với sức khoẻ người tiêu dùng.  

Thứ ba, thiếu hệ thống thu mua phù hợp với tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ.

Hiện có hai loại hệ thống phân phối và bán lẻ ở Việt Nam là hệ thống tập trung thông qua các chuỗi siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ… và hệ thống bán hàng rong, xe đẩy, quang gánh, rao vặt… len lỏi đến từng ngóc ngách phố xá và từng gia đình gây khó khăn trong quản lý và kiểm soát chất lượng, đo lường, bao bì. Điều này dường như cũng vô tình để siêu thị nước ngoài đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển hệ thống bán hàng có đủ nhãn hiệu, thông tin rõ ràng, cân đong, đo, đếm chính xác, đầy đủ cũng như giao hàng tận nhà, thậm chí kinh doanh qua mạng.

Thứ tư, thiếu hệ thống phương tiện, cơ sở vật chất hỗ trợ hệ thống phân phối và bán lẻ.

Đó là các kho tàng đặc chủng, kho lạnh, xe lạnh bảo quản nông sản và thực phẩm lâu dài, hiện đại nhằm giảm tình trạng hư hỏng. Thực tế, hệ thống này có nhưng giá thuê lại quá cao, không phù hợp với đặc điểm sản xuất nhỏ lẻ, phân tán và tập quán tiêu thụ không ổn định, khả năng chi trả thấp của nông dân.

Hệ thống các chợ đầu mối chủ yếu được tổ chức theo kiểu tự nhiên, tự phát hơn là phát triển theo quy hoạch hiện đại. Thậm chí các chợ cóc, chợ xép, chợ tạm bợ trên đường phố, hè đường… mọc lên để giảm chi phí người mua và người bán. Bên cạnh đó, hệ thống đường sá còn lạc hậu và tụt hậu khá lớn so với nhu cầu vận chuyển nông sản với khối lượng lớn cả trong nước và xuất khẩu. Nếu các loại nông sản vận chuyển từ khu vực phía Nam- một vựa nông sản lớn nhất cả nước ra Hà Nội hoặc các tỉnh phía Bắc đều phải di chuyển trên đoạn đường gần 2.000 km đòi hỏi phải mất ít nhất 3-4 ngày. Tốc độ di chuyển bị hạn chế do nhiều yếu tố như chất lượng đường sá thấp, việc di chuyển bị kiểm soát chặt chẽ về tốc độ, tải trọng của từng tuyến bị khống chế.

Điều này làm tăng chi phí và thời gian vận chuyển, làm giảm chất lượng và làm mất tính kịp thời của cơ hội bán hàng. Thời gian vận chuyển dài còn làm tăng tỷ lệ hư hỏng nông sản, buộc phải thải ra môi trường, tăng chi phí kiểm soát ô nhiễm, làm tăng giá bán, giảm lợi nhuận của nhà phân phối.

Để không lỡ nhịp ngay trên sân nhà

Những bất cập nói trên là thách thức lớn đối với hệ thống phân phối và bán lẻ nông sản của Việt Nam nên chúng ta cần có giải pháp phù hợp để “lấp” chúng. Nếu không, chính những bất cập này sẽ là nơi mà các nhà phân phối và bán lẻ nước ngoài có thể triệt để khai thác khi thâm nhập thị trường nông sản Việt Nam trên cơ sở sử dụng chính nguồn hàng phong phú, đa dạng, chất lượng cao của Việt Nam để phân phối và bán lẻ tối ưu đến người Việt Nam với các khoản lợi nhuận thu được rất lớn.

Lấp "lỗ hổng" cũng là cơ hội để tái cấu trúc hệ thống phân phối và bán lẻ nông sản đất nước trong điều kiện hội nhập quốc tế chủ động, tích cực. 

Thực tế, các nhà bán lẻ trong nước phần nào đã thấy được những bất cập ấy nhưng việc giải quyết còn thiếu triệt để. Ví dụ, các chợ đầu mối và hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại Việt Nam đã ra đời song vẫn chưa đạt được hiệu quả như người tiêu dùng mong đợi vì vẫn chưa đạt tính tiện lợi cao nhất và sự hài lòng lớn nhất về chất lượng, giá cả và phong cách bán hàng hàng.

Về lâu dài, chúng ta cần hiểu rõ nhu cầu nông sản là nhu cầu thiết yếu và không thể thiếu của người dân trong mọi hoàn cảnh. Việc tổ chức hệ thống phân phối và bán lẻ đã, đang và sẽ tồn tại lâu dài. Ở Việt Nam, lợi nhuận thu được từ hệ thống phân phối và bán lẻ có thể đạt từ 20% -30% , thậm chí có thể lên tới trên 50% giá trị sản phẩm. Do đó, cần có cái nhìn lâu dài và liên tục trong đầu tư vào hệ thống này để không chỉ thúc đẩy dòng chảy kinh tế mà còn không bỏ lỡ cơ hội thu lợi nhuận cao. 

Xin đề xuất một số vấn đề cụ thể

Chúng ta cần khuyến khích thành phần kinh tế tư nhân tham gia sâu vào hệ thống phân phối và bán lẻ với lối tư duy mới và tổ chức phân phối và bán lẻ là một nghề nghiệp thực sự. Hấu hết hệ thống phân phối và bán lẻ nông sản của các nước có nền kinh tế thị trường đều do thành phần kinh tế tư nhân tiến hành. Tư nhân Việt Nam là lực lượng hùng hậu cần được tập hợp mặc dù công việc đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao và những chuẩn mực cụ thể về kiến thức, kỹ năng như khả năng tổ chức thu gom và cung ứng nguồn hàng khối lượng lớn, chất lượng cao và ổn định, bình ổn được giá cả trong mọi tình huống...

Cần thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng trong hệ thống phân phối để tạo điều kiện cho những nhà phân phối và bán lẻ tốt nhất ra đời như là việc tạo chỗ dựa để làm thay đổi cơ bản nền tảng hệ thống phấn phối và bán lẻ nông sản của Việt Nam trong điều kiện mới.

Khuyến khích các cá nhân, tổ chức thành lập mạng lưới phân phối và bán lẻ mang tính quốc tế để phân phối và bán lẻ hàng nông sản Việt Nam ở nước ngoài thông qua học tập kinh nghiệm của nước ngoài, thay thế dần phân phối hàng qua trung gian nước ngoài bị ép cấp, ép giá hoặc bị thu mua theo các phương thức gây hại nhiều hơn lợi ích thu lại. Cố gắng này còn tạo triển vọng to lớn để hàng Việt Nam chiếm lĩnh được vị trí đáng chú ý trên thị trường thế giới tương xứng với tiềm năng đất nước.

Đầu tư xây dựng hệ thống kho tàng để bảo quản hàng nông sản với giá rẻ cũng như khuyến khích nông dân bán lại nông sản cho các đầu mối thu mua tập trung theo phương thức cùng có lợi. Hệ thống tổ chức bảo quản cần gắn với từng loại nông sản và thuận tiện sử dụng tại các vùng có khả năng cung ứng khối lượng nông sản lớn hay tại các chợ đầu mối đã hình thành tự phát. Nên kết hợp giữa đầu tư Nhà nước và đầu tư tư nhân hay hợp tác công- tư phù hợp để xây dựng hệ thống này.

Hiện đại hoá nhanh chóng hạ tầng cơ sở như hệ thống đường sá, bến cảng, nhà ga… nhằm giảm được nhiều nhất thời gian vận chuyển và giảm tình trạng hư hỏng nông sản (hàng loạt tuyến đường từ Trung Quốc xuống các nước ASEAN được Trung Quốc hối thúc xây dựng sớm để vận chuyển hàng hoá, trong đó có nông sản là một minh chứng cho sự cần thiết của công việc này).   

Chú ý đào tạo đội ngũ nhân lực gồm các doanh nhân, chuyên gia về phân phối và bán lẻ có tầm nhìn xa, trông rộng cũng như có đạo đức nghề nghiệp cao để trở thành lực lượng tinh nhuệ và đi đầu. Công việc tổ chức hệ thống phân phối và bán lẻ cần được xem là một nghề nghiệp được học tập và trang bị kiến thức, kỹ năng, thái độ độc lập. Hệ thống phân phối và bán lẻ không chỉ được xây dựng trong nước mà cần vươn ra thị trường quốc tế tiến tới quy mô toàn cầu như các chuỗi siêu thị lớn toàn thế giới như Wal-Mart, Care Four, BigC, Metro…

Cần coi trọng đào tạo đội ngũ nhân viên phân phối và lực lượng bán lẻ chuyên nghiệp, có kỹ năng thực hiện công việc hiệu quả, hiểu rõ tập quán sản xuất, vận chuyển, bảo quản và tiêu thụ nông sản.