Lập tổ chức đoàn thể cần phù hợp với loại hình doanh nghiệp

PGS., TS. Nguyễn Trọng Phúc Nguyên - Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng

(Tài chính) Trong các doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế, không nhất thiết phải có đầy đủ các tổ chức như trong hệ thống chính trị mà tùy đặc điểm, đặc thù của mỗi loại doanh nghiệp để thành lập tổ chức Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội cho phù hợp.

Việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị-xã hội tại doanh nghiệp là điều cần thiết. Nguồn: internet
Việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị-xã hội tại doanh nghiệp là điều cần thiết. Nguồn: internet

Nền kinh tế Việt Nam hiện nay là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với các thành phần kinh tế: Kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế hỗn hợp và kinh tế đầu tư của nước ngoài.

Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động theo đường lối đổi mới, Cương lĩnh của Đảng Cộng sản cầm quyền, theo chính sách, pháp luật và sự quản lý, điều hành của Nhà nước, Chính phủ.

Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, mục tiêu kinh tế phải là hàng đầu, nhưng không thể tách rời những vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa, cuộc sống của người lao động và quyền con người. Những vấn đề đó được bảo đảm bởi các tổ chức.

Từ trước tới nay, trong các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế Nhà nước, các tổ chức Đảng, công đoàn, đoàn thanh niên cũng có vai trò trong quản lý doanh nghiệp. Còn tại doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, tuy cũng đã có quá trình vận động để thành lập tổ chức, nhưng có doanh nghiệp tổ chức hoạt động hiệu quả, có doanh nghiệp các tổ chức này chỉ dừng ở mức hoạt động hình thức.

Từ thực tế đã nêu, việc Chính phủ xây dựng nghị định quy định việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế là điều cần thiết. Bởi việc thành lập, hoạt động của các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội cần được quy định, hướng dẫn tại văn bản có hiệu lực Nhà nước, cần được bảo đảm những điều kiện cho sự hoạt động và phát triển.

Về nội dung của Dự thảo Nghị định quy định việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị-xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, những quy định đã nêu là phù hợp với Điều lệ Đảng về tổ chức cơ sở Đảng ở các hợp tác xã, doanh nghiệp; với Điều lệ của các tổ chức chính trị-xã hội; phù hợp với Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Doanh nghiệp và hệ thống các luật, pháp lệnh có liên quan…

Đối với tổ chức chính trị là Đảng Cộng sản Việt Nam, cần nhận thức rõ rằng tuy là Đảng cầm quyền, song tổ chức và hoạt động lãnh đạo, cầm quyền của Đảng cũng đều được thể chế hóa và quy định trong Hiến pháp.

Điều 4 của Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trước nhân dân và nhấn mạnh, các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Các luật và văn bản dưới luật cụ thể hóa quy định của Hiến pháp.

Do vậy, với vai trò, chức năng quản lý Nhà nước, Chính phủ có thẩm quyền và điều kiện để quy định không chỉ việc thành lập mà cả vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Đảng cũng như các tổ chức chính trị-xã hội, phù hợp với mỗi loại doanh nghiệp; quy định rõ mối quan hệ giữa giám đốc, lãnh đạo doanh nghiệp với tổ chức Đảng và các tổ chức chính trị-xã hội trong doanh nghiệp.

Chú trọng tính thiết thực trong hoạt động của tổ chức

Mỗi tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội ra đời đều phải được quy định về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và phương thức hoạt động. Tuy nhiên, nếu chỉ quy định việc thành lập là chưa đủ, sẽ gây khó khăn, lúng túng cho hoạt động của các tổ chức đó, khó có cơ sở để hoạt động và đánh giá kết quả, hiệu quả.

Những quy định về vai trò, chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp chú trọng tính hiện thực và thiết thực trong hoạt động và có thể được thì cụ thể với từng loại doanh nghiệp.

Để quy định được những vấn đề đó thì cần có sự thống nhất với Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương và các đoàn thể ở Trung ương.

Hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay gồm các tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân Việt Nam...

Hệ thống tổ chức đó được xây dựng, củng cố và không ngừng hoàn thiện từ cấp Trung ương đến cấp cơ sở. Hệ thống chính trị bảo đảm thực hiện đúng đắn mối quan hệ: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Đó là quan điểm cơ bản chỉ đạo xây dựng tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị-xã hội trong các doanh nghiệp.

Đương nhiên, trong doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế không nhất thiết phải có đầy đủ các tổ chức như trong hệ thống chính trị mà tùy đặc điểm, đặc thù của mỗi loại doanh nghiệp để thành lập tổ chức Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội cho phù hợp.

Thành lập tổ chức Đảng khi có đủ điều kiện về số lượng đảng viên. Tổ chức công đoàn và đoàn thanh niên cần được chú trọng thành lập và định hướng hoạt động. Các doanh nghiệp có đông cựu chiến binh, lao động nữ cũng cần có tổ chức đại biểu cho quyền và lợi ích của lực lượng lao động đó.

Dự thảo Nghị định này khi được thông qua, ban hành và áp dụng là thuận lợi lớn cho xây dựng, phát triển tổ chức và hoạt động của các tổ chức đó. Bảo đảm sự thống nhất trong lãnh đạo, quản lý và vận động của tổ chức Đảng, chính quyền Nhà nước và các đoàn thể cấp trên; bảo đảm sự ổn định và phát huy sức mạnh tổng hợp của mỗi doanh nghiệp; xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa giám đốc, lãnh đạo doanh nghiệp với tổ chức Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội.

Tuy nhiên, thực tế cũng có khó khăn là nhiều chủ doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về sự cần thiết và vai trò của tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp; nhiều người lao động trong các doanh nghiệp chỉ chú tâm vào việc làm và thu nhập, chưa thật sự nhiệt tình, gắn bó với các tổ chức đoàn thể và các hoạt động chính trị - xã hội; nhiều tổ chức đã được thành lập trong doanh nghiệp hoạt động còn nặng về hình thức, tác dụng, ảnh hưởng và hiệu quả còn nhiều hạn chế.

Cần quy định rõ nội dung, mục tiêu hoạt động

Giải pháp thực hiện những quy định trong Nghị định của Chính phủ phải được tiến hành đồng bộ. Trong đó, đề cao trách nhiệm và hiệu quả trong tổ chức thi hành nghị định, tuyên truyền, hướng dẫn sát hợp với từng loại hình doanh nghiệp. Chú trọng sự lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội cấp trên nơi doanh nghiệp đóng trụ sở, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn. Coi trọng nâng cao nhận thức và trách nhiệm của chủ doanh nghiệp trong việc thành lập và tạo điều kiện để tổ chức Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội hoạt động thiết thực, có hiệu quả.

Đồng thời, tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức làm chủ của người lao động trong các doanh nghiệp hăng hái tham gia xây dựng và hoạt động tích cực trong các tổ chức tại doanh nghiệp.

Thành lập tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế là rất cần thiết và quan trọng, phù hợp với đặc điểm của chế độ chính trị và chế độ kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng tổ chức và hoạt động còn hình thức, hiệu quả thấp, cần phải có những điều kiện cần thiết và quy định rõ nội dung, mục tiêu hoạt động cụ thể và thiết thực của các tổ chức đó.

Khi đã được thành lập, các tổ chức đó trong doanh nghiệp bằng hoạt động thực tiễn tự khẳng định vị trí, vai trò và trách nhiệm đối với doanh nghiệp và với người lao động, vì sự phát triển của doanh nghiệp, vì cuộc sống tốt đẹp của mọi thành viên trong doanh nghiệp.