Liên kết doanh nghiệp tạo đầu ra cho học nghề: Khó cũng phải làm

Theo Thái Yến/daibieunhandan.vn

Liên kết với doanh nghiệp tạo đầu ra cho học nghề được xem là giải pháp nhằm tạo ra những bứt phá mới trong giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy để việc “bắt tay” này đem lại hiệu quả không dễ.

Để doanh nghiệp tham gia vào công tác đào tạo nghề cần có chính sách hỗ trợ cụ thể. Nguồn: Internet
Để doanh nghiệp tham gia vào công tác đào tạo nghề cần có chính sách hỗ trợ cụ thể. Nguồn: Internet

Doanh nghiệp không mặn mà

Mới đây, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) thuộc Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ, TB - XH) đã có buổi làm việc với Tập đoàn VinGroup và FLC về nội dung chương trình hợp tác giai đoạn 2018 - 2020.

Các chương trình hợp tác đào tạo với hai tập đoàn trong giai đoạn 2018 - 2020 tập trung vào các lĩnh vực như: Du lịch, xây dựng, cơ khí chế tạo, chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp công nghệ cao...; tổ chức đào tạo nhân lực các lĩnh vực này theo tiêu chuẩn, vị trí việc làm tại doanh nghiệp (DN).

Thực hiện gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với tập đoàn trong tuyển sinh, đào tạo, thực tập đào tạo, thực hành sản xuất và tuyển dụng lao động. Sự liên kết này được kỳ vọng sẽ đem lại sự đột phá mới trong GDNN. Tuy nhiên, để thực sự trở thành cầu nối còn rất nhiều việc phải làm.

Cơ sở GDNN “bắt tay” với DN không còn là câu chuyện mới, mà đã được đề cập lâu nay nhưng mối quan hệ giữa hai bên chủ yếu vẫn dừng lại ở việc đưa sinh viên đi thực tập ở DN.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến sự hợp tác giữa DN và nhà trường không hiệu quả, tại hội nghị tổng kết giai đoạn 1 dự án Hợp tác chiến lược về đào tạo nghề giữa Việt Nam và Đan Mạch do Bộ  LĐ, TB - XH tổ chức mới đây, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức Nguyễn Thị Lý thẳng thắn cho biết, đến nay các chương trình hợp tác đào tạo với doanh nghiệp của trường vẫn chưa đạt được kết quả như mục đích ban đầu.

Cũng theo bà Lý, dù cơ sở GDNN đã tạo mọi điều kiện thuận tiện nhất trong quá trình hợp tác cùng doanh nghiệp, thế nhưng việc mở rộng chương trình đào tạo kép vẫn còn nhiều trở ngại. Doanh nghiệp đòi hỏi năng lực làm việc thực tế của sinh viên thực tập cũng như cần sự kết nối lâu dài từ các chương trình cụ thể.

Trong khi đó, chương trình đào tạo hiện hành không cho phép các trường gửi sinh viên đi thực tập quá lâu. Nhiều yếu tố ràng buộc khác cũng khiến trường chưa thể triển khai đồng bộ việc đào tạo kép cho toàn bộ chương trình đào tạo.

Đánh giá việc triển khai hợp tác giữa DN và cơ sở đào tạo nghề, đại diện Tổng cục GDNN thừa nhận, lâu nay sự hợp tác này vẫn còn lỏng lẻo chưa hiệu quả. “Nhiều trường cao đẳng, trung cấp vẫn còn thụ động, khi liên kết với DN nhưng không biết DN cần gì, muốn gì. Trái lại, về phía DN cũng có không ít DN chỉ coi việc liên kết với nhà trường là hoạt động phong trào, thành tích mà chưa thực sự coi trọng việc liên kết là cầu nối đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng” - Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục GDNN Đỗ Văn Giang cho biết.

Có cơ chế hỗ trợ phù hợp

Năm 2018, xác định GDNN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Chính phủ, Bộ LĐ, TB - XH đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, trong đó nhấn mạnh đến việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Đặc biệt, việc đổi mới chất lượng GDNN theo hướng gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, việc làm; các hoạt động gắn kết với DN sẽ được đẩy mạnh, có những hoạt động cụ thể, thường xuyên.

Để thực hiện được mục tiêu, các chuyên gia cho rằng, trước mắt phải giải quyết được những khó khăn tồn tại thông qua các cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể. Theo đó, với những DN đào tạo nhiều lao động sẽ được Nhà nước hỗ trợ về thuế và các ưu đãi khác.

Hỗ trợ thuế cho DN đào tạo nghề cho người lao động được nhiều nước trên thế giới áp dụng và đã đem lại hiệu quả rất lớn. Đơn cử như tại Vương quốc Anh, Giám đốc các chương trình giáo dục của Hội đồng Anh Hoàng Vân Anh cho biết, Chính phủ nước này đã thực hiện chính sách thu thuế học nghề để đầu tư cho kiến tập nghề.

Cụ thể là đánh thuế tất cả các nhà tuyển dụng trên toàn bộ lãnh thổ để tài trợ cho học nghề theo hình thức kiến tập nghề. Chính sách này rất có lợi cho DN khi nhận đào tạo nghề, bởi theo tính toán các DN phải đóng thuế 0,5% nhưng sẽ có được lợi ích lên tới 15.000 bảng. Càng nhiều người học kiến tập nghề, càng có nhiều tài trợ từ Chính phủ cho các chương trình đào tạo nghề.

Về vấn đề này, đại diện Bộ LĐ, TB - XH cho biết, việc liên kết giữa DN và các cơ sở GDNN chưa được hiệu quả là một thực tế đáng quan tâm. Chính vì vậy, mới đây Bộ đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành cùng UBND các tỉnh, thành phố miễn, giảm thuế cho DN có đóng góp và tham gia đào tạo, đồng thời DN cung cấp thông tin nhu cầu sử dụng lao động cho cơ sở GDNN.

Đặc biệt Bộ cũng đề nghị đẩy mạnh việc hợp tác ba bên Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp trong GDNN. Trong đó, đa dạng hóa các hình thức hợp tác về xây dựng chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo; tổ chức ký kết đào tạo theo đơn đặt hàng của DN…

Và, có sự phối hợp hợp tác với cơ sở GDNN cho sinh viên vừa học, vừa làm tại cơ sở GDNN và DN. Đồng thời, hợp tác trong đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng và cấp chứng chỉ nghề cho lao động của DN và tuyển người vào học nghề, tập nghề để làm việc cho DN.