"Liều thuốc” mạnh chữa căn bệnh lãng phí

Theo Báo Hải quan

Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ đem đến những thay đổi căn bản, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi lãng phí đang là vấn nạn hiện nay. Bởi cùng với việc xác định rõ chỉ tiêu tiết kiệm, chống lãng phí cho từng bộ, ngành, địa phương, dự án Luật đã quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra lãng phí.

 "Liều thuốc” mạnh chữa căn bệnh lãng phí
Nhiều dự án được kịp thời bổ sung vốn để đưa vào sử dụng, tránh lãng phí. Nguồn: Internet

Sửa Luật vì chưa tiết kiệm và còn lãng phí

Qua hơn 7 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được thì trên nhiều lĩnh vực, đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Ví dụ, trong quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước (NSNN) chi thường xuyên ở một số cơ quan, đơn vị, vẫn còn tình trạng chi vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ hoặc sử dụng kinh phí sai mục đích; không thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý, sử dụng kinh phí theo quy định của cơ quan có thẩm quyền dẫn đến lãng phí hoặc sử dụng không hiệu quả kinh phí NSNN được giao làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, làm giảm hiệu quả sử dụng NSNN.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, từ năm 2006 - 2010, các đơn vị ngành Tài chính thực hiện 32.933 cuộc thanh tra, kiểm tra, tập trung vào công tác điều hành, quản lý và sử dụng kinh phí NSNN tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 18.473 tỷ đồng, trong đó: thu hồi nộp NSNN 15.037 tỷ đồng; xử phạt hành chính 1.037 tỷ đồng; xử lý tài chính khác  2.398  tỷ  đồng... 

“Gọi tên” lãng phí để xử lý

     Nhằm khắc phục tình trạng lãng phí được phát hiện nhưng không xử lý được, dự thảo Luật đưa ra nhiều quy định cụ thể về hành vi gây lãng phí và cơ chế xử lý đối với các hành vi gây lãng phí trong các lĩnh vực tập trung vào các nhóm hành vi như: Lãng phí trong quản lý, sử dụng NSNN; lãng phí trong mua sắm, sử dụng phương tiện đi lại và phương tiện, thiết bị làm việc; lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng; lãng phí trong quản lý, sử dụng tài nguyên; lãng phí trong quản lý vốn nhà nước, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp…

Do đó, cần thiết phải nhanh chóng sửa đổi Luật THTK, CLP nhằm kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật hiện hành, đặc biệt là gia tăng các cơ chế, biện pháp thực hành tiết kiệm, chế tài xử lý các hành vi gây lãng phí để góp phần ngăn chặn và đẩy lùi lãng phí đang là vấn nạn hiện nay.

Bên cạnh đó, nhu cầu sửa Luật cũng xuất phát từ yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong tổ chức, triển khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và hoàn thiện thêm cơ chế đấu tranh chống các hành vi gây lãng phí thông qua tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán trong các lĩnh vực phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đề cao tiết kiệm chi tiêu ngân sách

Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) Nguyễn Trọng Nghĩa, dự thảo Luật  THTK, CLP (sửa đổi) đã bổ sung làm rõ nguyên tắc thực hành tiết kiệm chống lãng phí, trong đó xác định chống lãng phí là trọng tâm, trên cơ sở thực hiện tốt thực hành tiết kiệm, được quán triệt xuyên suốt từ chủ trương, đường lối, cơ chế chính sách đến tổ chức thực hiện. Nguyên tắc này xuất phát từ thực trạng trong những năm gần đây, lãng phí vẫn diễn ra phức tạp và gây những ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng chính là một biện pháp quan trọng và hữu hiệu nhất để phòng, chống lãng phí.

Điều này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang gặp khó khăn, yêu cầu cấp thiết phải sửa Luật để các cấp, các ngành và địa phương cả nước cùng vào cuộc để thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trên tất cả các lĩnh vực từ lĩnh vực chi tiêu NSNN cho đến quản lý đầu tư xây dựng các dự án sử dụng ngân sách, trong sử dụng tài sản công, quản lý sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp… Trong đó, đặc biệt đề cao mục tiêu đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi tiêu ngân sách; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài khóa, thực hiện công khai, minh bạch bảo đảm sự kiểm tra giám sát của nhà nước và xã hội.

Bên cạnh đó, Luật đã đưa ra yêu cầu công khai các hoạt động quản lý NSNN, vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và các nguồn tài nguyên. Biện pháp này không chỉ bảo đảm thực hành tiết kiệm mà còn có ý nghĩa quan trọng trong ngăn chặn, phòng ngừa lãng phí.

Nhiều lĩnh vực, hoạt động phải thực hiện công khai bao gồm: Dự toán, phân bổ, điều chỉnh dự toán và quyết toán NSNN; các đơn vị sử dụng NSNN, các quỹ có nguồn gốc NSNN; Mua sắm, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý, sử dụng tài sản trong cơ quan, tổ chức sử dụng NSNN; Động viên vào NSNN, huy động vốn cho NSNN và cho tín dụng nhà nước; các quỹ có nguồn huy động đóng góp của nhân dân…

Đặc biệt, dự thảo Luật THTK, CLP còn quy định rõ hơn về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong THTK, CLP, trong đó bổ sung trách nhiệm giải trình trước cơ quan chức năng và trước công luận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc để xảy ra lãng phí trong đơn vị mình, tùy theo mức độ vi phạm phải chịu trách nhiệm trực tiếp, gián tiếp và liên đới. Không những thế, cán bộ, công chức để xảy ra lãng phí cũng phải có trách nhiệm giải trình.

Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, về tổng thể, Dự thảo Luật đổi mới toàn diện các nội dung theo hướng gia tăng các quy định về cơ chế, giải pháp, biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bổ sung và cụ thể hóa các quy định về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhằm tăng tính hiệu quả, hiệu lực của các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đưa ra ví dụ cụ thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng kinh phí NSNN, tài sản nhà nước của các cơ quan, tổ chức, ông Nghĩa cho hay, dự thảo Luật đưa ra nhiều quy định cụ thể để bảo đảm việc sử dụng nguồn kinh phí này chặt chẽ, đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ. Đồng thời, bổ sung trách nhiệm xây dựng kế hoạch và các biện pháp thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm trong các hoạt động. Đối với các hoạt động có yêu cầu tiết kiệm, chống lãng phí cao như sử dụng phương tiện thiết bị làm việc, phương tiện đi lại… bên cạnh những quy định về quản lý, sử dụng hiệu quả tiết kiệm, dự thảo Luật (sửa đổi) đã có quy định rất mới đó là phải thực hiện kiểm toán nội bộ và công khai đối với các khoản chi tiêu liên quan để có sự nhìn nhận chung, từ đó có ý thức tiết kiệm hơn.

Theo chương trình nghị sự, ngày 5/6, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật THTK, CLP.

Dự thảo Luật THTK, CLP được trình QH cho ý kiến tại kỳ họp này và dự kiến Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII vào tháng 10/2013.