Lĩnh vực tài chính vi mô tại Việt Nam: Cần sự chuyên nghiệp

Nghi Kiều

TCTC Online – Mặc dù các chương trình tài chính vi mô tại Việt Nam đã và đang cung cấp dịch vụ cho hàng trăm nghìn hộ gia đình nghèo trên toàn quốc, song chưa đáp ứng đủ nhu cầu dịch vụ tài chính của người dân có xu hướng ngày càng gia tăng. Nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước khẳng định, Việt Nam cần hướng tới một nền tài chính vi mô chuyên nghiệp, hoạt động có hiệu quả, đảm bảo các khung pháp lý hội nhập nhằm đảm bảo nền tài chính bền vững và phục vụ được nhiều người nghèo hơn thay vì tổ chức còn thiếu khoa học và có chiều hướng “phong trào” như hiện nay.

Công cụ xóa nghèo

Mới đây, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã cho Việt Nam vay khoản vốn trị giá 40 triệu USD để hỗ trợ cho những cải cách chính sách của Chính phủ Việt Nam nhằm cải thiện chất lượng, khả năng tiếp cận, hiệu quả và tính cạnh tranh của khu vực tài chính vi mô trong Chương trình Phát triển Tài chính vi mô. Đại diện của ADB khẳng định, để đáp lại cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển một khu vực tài chính vi mô theo định hướng thị trường, ADB đã phê chuẩn một chương trình phát triển tài chính vi mô đầy đủ đi kèm với hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại dành cho Việt Nam như là một sự hỗ trợ tiếp nối nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững của khu vực tài chính vi mô. Đây có thể coi là một cột mốc quan trọng trong những nỗ lực chung của Chính phủ và ADB nhằm phát triển một khu vực tài chính vi mô chính thức, lành mạnh và bền vững tại Việt Nam.

Mặc dù tài chính vi mô xuất hiện khá lâu trên thế giới, song ở Việt Nam, khái niệm này khá mới mẻ và phát triển còn manh mún. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, tài chính vi mô là những chương trình, dự án; tổ nhóm tín dụng - tiết kiệm của các tổ chức chính trị xã hội với sự hỗ trợ của Chính phủ và các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước. Hoạt động này thường hỗ trợ các hộ gia đình nghèo các khoản vay rất nhỏ nhằm mục đích giúp họ tham gia vào các hoạt động sản xuất, hoặc khởi tạo các hoạt động kinh doanh nhỏ. Tài chính vi mô thường kéo theo hàng loạt các dịch vụ khác như tín dụng, tiết kiệm, bảo hiểm, vì những người nghèo và rất nghèo có nhu cầu rất lớn đối với các sản phẩm tài chính, nhưng không tiếp cận được các thể chế tài chính chính thức…

Đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, người nghèo cần có nhiều loại công cụ tài chính để tích lũy tài sản, bình ổn tiêu dùng và tự bảo vệ mình trước rủi ro. Chính vì thế, theo nghĩa rộng, tài chính vi mô là việc tìm ra phương cách hiệu quả và đáng tin cậy để cung cấp ngày càng nhiều hơn các sản phẩm tài chính vi mô. Trên thực tế, với các khoản vay nhỏ, nhiều người dân đã vươn lên thoát nghèo, thậm chí trở thành những doanh nhân vi mô tiêu biểu. Như vậy, trên một phương diện khác, tài chính vi mô sẽ là một trong những công cụ hiệu quả trong việc xóa đói giảm nghèo.

Hệ thống tài chính Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển và còn một tỉ lệ lớn người dân nghèo chưa được tiếp cận các dịch vụ tài chính chính thức như nguồn vốn vay từ ngân hàng. Vì thế, việc tiếp cận các nguồn vốn từ các tổ chức tài chính vi mô là rất quan trọng, là phương thức để giảm bớt áp lực.

Cần sự chuyên nghiệp

Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam cùng với chủ trương phát triển kinh tế - xã hội đã đặc biệt quan tâm vấn đề đảm bảo an sinh xã hội mà trong đó công cuộc xóa đói giảm nghèo ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa luôn được chú trọng và ưu tiên. Việt Nam cũng đã đạt được những thành tựu ấn tượng về giảm nghèo và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân thông qua việc thực hiện đồng loạt các chương trình trọng điểm, duy trì mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo như Chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2006 - 2010, Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững đối với 62 huyện nghèo… Với những nỗ lực và rất nhiều các chính sách hướng đến người dân như an sinh xã hội, đầu tư cho “tam nông”… của Đảng và Nhà nước, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 28,9% năm 2002 xuống còn 14% năm 2011, dự kiến năm 2012 sẽ giảm còn 12% và sẵn sàng cho việc đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ vào năm 2015.

Đóng góp chung vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, trong những năm qua, lĩnh vực tài chính vi mô đã cung cấp các dịch vụ tài chính cho nhiều người nghèo. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn gặp phải một số khó khăn nhất định như việc thiếu các dịch vụ tài chính phù hợp, đáp ứng nhu cầu của người dân; phát triển các tổ chức tài chính vi mô chưa đồng bộ và còn có hạn chế về khuôn khổ pháp lý. Hiện nay, kênh phân phối tài chính vi mô khá hiệu quả và chủ lực thường là những đơn vị thuộc Chính phủ như Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc chương trình xoá đói giảm nghèo. Tuy nhiên, một số thống kê cũng cho thấy, dù được Nhà nước hỗ trợ về nguồn lực tài chính, song nhóm chính thức này cũng chỉ giúp được khoảng 50% số hộ nghèo tiếp cận tài chính vi mô. Trong khi đó, hoạt động của nhóm bán chính thức còn manh mún, dàn trải, ít chương trình có định hướng lâu dài, trình độ quản trị không đồng đều, đối mặt với không ít áp lực về nguồn lực tài chính, môi trường cạnh tranh, chính sách lao động tiền lương... Các tổ chức tài chính vi mô dường như cũng chưa chủ động trong việc vạch phương án sản xuất kinh doanh, giúp hộ nghèo kiểm soát đồng vốn cũng như khả năng sinh lời của chúng để có cơ sở giải ngân…

Theo ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, để thu hẹp khoảng cách phát triển và cải thiện khả năng tiếp cận các cơ hội và dịch vụ xã hội của người nghèo, Việt Nam cần giải quyết đòi hỏi về các dịch vụ tài chính vi mô thuận lợi đến tất cả mọi người. Nhiều chuyên gia kinh tế nước ngoài cũng khẳng định, tới đây, Việt Nam cần phải xây dựng năng lực tổ chức bền vững về tài chính và tuân theo các chuẩn mực tài chính quốc tế, nhằm nâng cao tính minh bạch và uy tín cho các tổ chức tài chính vi mô; làm cho các tổ chức có thể tiếp cận rộng rãi các nguồn vốn bên ngoài; thích ứng với môi trường đang thay đổi và cung cấp các dịch vụ cho người nghèo một cách bền vững. Đặc biệt, cần áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến báo cáo tài chính, các chính sách kế toán và quản lý tín dụng, làm cho tính minh bạch ngày càng cao. Ngoài ra, các tổ chức tài chính vi mô cũng cần đầu tư nghiên cứu phải phát triển sản phẩm, dịch vụ đảm bảo hài lòng khách hàng và mục tiêu giảm nghèo…

Nhận thức được vai trò quan trọng của tài chính vi mô như là một công cụ hữu hiệu để xóa đói giảm nghèo, Thủ tướng Chính phủ đã phê chuẩn Chiến lược phát triển tài chính vi mô của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 với mục tiêu chuyển đổi ngành tài chính vi mô thành một ngành vững mạnh theo định hướng thị trường, đảm bảo sự tiếp cận dịch vụ cho tất cả khách hàng với các tổ chức tham gia dịch vụ tài chính vi mô mạnh; cung cấp nhiều dịch vụ tài chính có chất lượng cho các hộ gia đình nghèo và thu nhập thấp; tăng cường cơ hội phát triển kinh tế cho người dân.

Được biết, Chương trình Phát triển Tài chính vi mô sẽ hướng tới hợp nhất tài chính vi mô vào thị trường tài chính chính thức thông qua thúc đẩy phát triển các tổ chức tài chính vi mô mới nổi trở thành các tổ chức tín dụng chính thức được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động, đồng thời khuyến khích cải cách và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng của nhà nước có liên quan đến tài chính vi mô như Ngân hàng Chính sách Việt Nam và Quỹ Tín dụng Nhân dân Trung ương. Chương trình cũng giúp nâng cao năng lực hoạt động và giám sát tài chính vi mô, và hỗ trợ phát triển các cơ sở hạ tầng của khu vực tài chính, bao gồm cơ sở đào tạo, các chương trình tuyên truyền, và kế hoạch bảo vệ người tiêu dùng cũng như thiết lập một hệ thống trao đổi thông tin tín dụng...

 

Dịch vụ tài chính vi mô ở Việt Nam hiện được cung cấp bởi 3 nhóm chính:

- Nhóm chính thức bao gồm hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, Ngân hàng chính sách và Ngân hàng Nông nghiệp;

- Nhóm bán chính thức: gồm các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước và chương trình của các tổ chức xã hội;

Nhóm phi chính thức là hoạt động cho vay tương hỗ cá nhân dưới hình thức họ, phường...

Theo website Trung tâm tài chính vi mô và Phát triển