Lo "mất uy tín quốc gia" nếu cá nhân tự vay vốn nước ngoài

Theo Đầu tư Chứng khoán

Nhiều ý kiến cho rằng cá nhân được vay ngoại tệ nước ngoài sẽ thu hút lượng lớn vốn ngoại về Việt Nam đầu tư.

Nếu cá nhân được tự do vay nợ nước ngoài sẽ giúp mở rộng nguồn vốn kinh doanh
Nếu cá nhân được tự do vay nợ nước ngoài sẽ giúp mở rộng nguồn vốn kinh doanh

Cho cá nhân tự vay nước ngoài sẽ giúp thu hút lượng lớn vốn để đầu tư, kinh doanh trong nước. Song an ninh tài chính quốc gia có thể bị đe dọa, nếu dòng tiền này nằm ngoài khả năng kiểm soát của hệ thống ngân hàng.

Chỉ hơn 10 ngày nữa, Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối sẽ được thông qua. Sau nhiều lần cân nhắc, ban soạn thảo lại đưa hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các cá nhân vào danh sách những người cư trú được tự chủ vay vốn nước ngoài. Hai đối tượng đầu không gây nhiều tranh cãi, bởi dù sao đây cũng là những pháp nhân, được quản lý theo các luật có liên quan.

Nhưng việc cá nhân cũng được quyền tương tự đang gây tranh cãi, dù dự thảo quy định rõ họ tự vay tự chịu trách nhiệm trả nợ.

Những người ủng hộ cho rằng cho phép cá nhân vay vốn nước ngoài sẽ giúp Việt Nam thu hút lượng lớn ngoại hối từ tiền nhàn rỗi của Việt kiều cũng như các tổ chức từ nước ngoài gửi về đầu tư. Hiện nay, nhiều Việt kiều có nhu cầu đầu tư vốn kinh doanh tại Việt Nam hoặc muốn cho thân nhân vay, mượn vốn nhưng không đủ điều kiện để đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam . Nếu họ cho vay, ủy thác cho thân nhân ở Việt Nam thì pháp luật chưa quy định.

Rất nhiều Việt kiều đã chuyển tiền về cho người thân ở trong nước vay mượn để đầu tư sản xuất, kinh doanh, mua nhà, đất, cổ phiếu... Do pháp luật chưa cho phép cá nhân trong nước được vay tiền từ nước ngoài nên Việt kiều vẫn phải làm “chui”. Người trong nước sau khi vay chui như vậy cũng rất khó chuyển tiền ra nước ngoài trả nợ. Việc cho vay này chủ yếu dựa trên mối quan hệ thân tình và không chính thức, từ đó nảy sinh những tranh chấp và không thể giải quyết thông qua pháp luật nên nguồn vốn ngoại tệ chuyển về bị hạn chế.

Ông Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng sửa đổi Pháp lệnh Ngoại hối theo hướng cởi mở hơn với dòng vốn từ nước ngoài là hoàn toàn đúng đắn. Theo ông Kiêm, nếu cá nhân được tự do vay nợ nước ngoài sẽ giúp mở rộng nguồn vốn kinh doanh. "Trong tình hình hiện nay, tôi nghĩ các yếu tố đều cho phép và thuận lợi để nới lỏng", ông Kiêm đánh giá.

Theo ông, để cá nhân tự vay, tự trả sẽ bớt gánh nặng cho Chính phủ khi giảm những khoản vay bảo lãnh. Mặc khác, theo ông khi vay thì bên cho vay - nước ngoài , họ sẽ có những điều kiện rất nghiêm ngặt nên không lo khả năng mất uy tín quốc gia nếu các con nợ không trả được.

"Nếu lo ngại mất uy tín thì nên nói đến những khoản vay do Chính phủ bảo lãnh, ví dụ như khoản vay của Vinashin chẳng hạn. Còn cá nhân tự đứng ra vay thì họ sẽ phải có những cam kết và đáp ứng nhiều điều kiện của nước ngoài trước khi được giải ngân", một chuyên gia kinh tế nói.

Cũng đứng trên góc độ mở rộng nguồn vốn ngoại tệ, ông Lương Văn Tự - nguyên Thứ trưởng Bộ Thương Mại - chia sẻ: "Tiền được lưu chuyển tự do là xu hướng hiện nay của thế giới nên nếu làm được việc này tôi cho rằng sẽ có lợi khi trong nước tăng được nguồn vốn đầu tư".

Lãnh đạo một ngân hàng lớn tại TP. Hồ Chí Minh nhìn nhận, cá nhân trong nước có nhu cầu vay ngoại tệ nước ngoài rất nhiều. Thay vì cấm, theo ông Việt Nam nên nghiên cứu tình hình thực tế để đưa ra biện pháp quản lý nhằm thu phí, kê khai thuế, tăng thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tài chính ngân hàng lại không ủng hộ. TS. Trần Hoàng Ngân, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng trong khi cá nhân vay ngoại tệ trong nước vẫn bị hạn chế thì chưa nên tính tới việc cho họ vay ngoại tệ ở nước ngoài. Theo ông, vay nợ nước ngoài chỉ nên dành cho các pháp nhân, nhờ vậy mới kiểm soát được luồng vốn ra vào.

"Việc cá nhân vay ngoại tệ nước ngoài để kinh doanh, đầu tư, mua nhà..., khả năng không trả được nợ rất cao, khi đó sẽ ảnh hưởng đến uy tín quốc gia", ông nói.

Chung suy nghĩ, TS. Trần Du Lịch tỏ ra không ủng hộ việc này vì lo ngại nợ cá nhân có thể liên quan đến nợ quốc gia. Do đó, ông Lịch cho rằng cá nhân chỉ nên có quyền mua bán ngoại tệ tại những nơi quy định.

Theo TS. Trần Du Lịch, cá nhân có nhu cầu vay vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh có thể đăng ký kinh doanh, trở thành một pháp nhân và vay theo diện tổ chức, doanh nghiệp. Như vậy Nhà nước có thể quản lý và giám sát luồng tiền ra vào, mà vẫn đáp ứng nhu cầu đầu tư kinh doanh của dân cư.

"Nếu để họ tự vay dưới quan hệ dân sự, không ai có thể đảm bảo dòng tiền này đi và về vì mục đích chính đáng", ông nói.

Thực tế, cho phép cá nhân tự vay tự trả nước ngoài đã được quy định trong Pháp lệnh Ngoại hối nhiều năm trước. Trong báo cáo tổng kết 6 thực hiện pháp lệnh trình Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước cho rằng các điều kiện vay, trả nợ nước ngoài (quy định tại Điều 17 của Pháp lệnh) còn chung chung và khá thông thoáng, dễ dẫn đến việc vay vốn tràn lan, sử dụng vốn không hiệu quả. Đặc biệt, cho phép cá nhân vay, trả nợ nước ngoài tiềm ẩn nhiều nguy cơ, địa vị pháp lý của cá nhân không đảm bảo có thể tính pháp lý thực hiện nghĩa vụ vay và trả nợ đối với các khoản vay nước ngoài.

Theo Ngân hàng Nhà nước, ngay cả việc doanh nghiệp và tổ chức tín dụng vay vốn ngắn hạn nước ngoài, cũng chưa được quản lý chặt chẽ, khiến dòng vốn ngắn hạn từ nước ngoài có thể được chuyển về Việt Nam không nhằm mục đích sản xuất kinh doanh mà chủ yếu để đầu cơ, hưởng chênh lệch lãi suất.

"Khi có những biến động bất lợi, dòng vốn này sẽ chuyển ra nước ngoài một cách nhanh chóng. Những tác động của dòng vốn quốc tế nói trên sẽ nghiêm trọng hơn khi mà Việt Nam chưa có đủ lượng dự trữ ngoại hối, kinh nghiệm ứng phó để xử lý những cú sốc từ bên ngoài nhằm đảm bảo sự an toàn của cả hệ thống", Ngân hàng Nhà nước nói.

Đây chính là lý do Ngân hàng Nhà nước đề xuất rút cá nhân khỏi danh sách các đối tượng được vay vốn nước ngoài. Trong dự thảo công bố cuối năm ngoái, Điều 17 đã không còn đối tượng cá nhân. Tuy nhiên, đến dự thảo ngày 21/2/2013, các cá nhân lại có tên trong danh sách được vay vốn ngoại.

Một chuyên gia từng tham gia soạn thảo Pháp lệnh Ngoại hối cho biết, Ngân hàng Nhà nước khi đó lường trước rủi ro có thể xảy ra, nên chưa ban hành văn bản hướng dẫn cho cá nhân vay vốn nước ngoài. Thực tế cũng chưa cá nhân nào đề xuất được vay qua đường chính thức, nhưng có doanh nghiệp đệ đơn xin vay vốn nước ngoài về đầu tư, kinh doanh chứng khoán.

"Lãi suất gửi tiết kiệm tiền đồng hiện nay thấp cũng 8-9%, trong khi lãi suất tại Mỹ hay châu Âu chỉ 2-3%. Chỉ riêng việc họ vay nước ngoài, đem về bán ra tiền đồng gửi ngân hàng hưởng chênh lệch, cũng tạo những rủi ro nhất định cho thị trường", ông nói.

Hiện nay dù là tự chịu trách nhiệm, doanh nghiệp hay ngân hàng khi vay nước ngoài trung và dài hạn đều phải thực hiện việc đăng ký khoản vay và báo cáo định kỳ tình hình rút vốn và trả nợ với Ngân hàng Nhà nước. Mọi hoạt động rút vốn và trả nợ đều phải thực hiện qua một tài khoản vốn chuyên dùng để thống nhất quản lý. Doanh nghiệp hay ngân hàng vay bao nhiêu cũng phải phù hợp với tổng hạn mức vay vốn nước ngoài hằng năm của cả quốc gia.

"Nếu cho cá nhân tự vay tự trả, nguyên tắc quản lý vốn chặt chẽ này có thể bị phá vỡ. Nhiều nước châu Âu vướng vào khủng hoảng nợ công không phải vì chính phủ vay nợ quá nhiều, mà xuất phát từ hoạt động vay nợ của các cá nhân. Đây có thể là kinh nghiệm đáng tham khảo cho Việt Nam ", vị chuyên gia nói.