Lợi ích kép được viết từ DATC

ThS. PHẠM THỊ VÂN ANH

(Tài chính) Câu chuyện nợ xấu và xử lý nợ đã không ít lần làm nóng nghị trường Quốc hội và đến thời điểm này vẫn là đề tài thu hút sự quan tâm của dư luận. Bài viết đề cập đến giải pháp “chuyển nợ thành vốn góp” đã được Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) triển khai khá hiệu quả trong thời gian qua…

Lợi ích kép được viết từ DATC
Sau khi cơ cấu nợ vay, Bianfishco đã tăng vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng lên 1.200 tỷ đồng. Nguồn: Internet

Lợi ích kép…

Đã có nhiều đánh giá từ các chuyên gia kinh tế khi nói về xử lý nợ qua phương pháp chuyển nợ thành vốn góp cổ phần gắn với xóa nợ như một mũi tên trúng hai đích: vừa giúp xử lý nợ xấu của ngân hàng thương mại, vừa giúp cổ phần hóa các công ty nhà nước cũng như các doanh nghiệp (DN) ngoài nhà nước yếu kém về tài chính. Phân tích về tính ưu việt của phương pháp này, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là biện pháp đơn giản nhất, có thể giải quyết hàng loạt vấn đề về nợ xấu, đem lại lợi ích cho cả ngân hàng, DN, người lao động và cộng đồng xã hội.

Chuyển nợ thành vốn góp đơn giản là việc một chủ nợ thay vì thu hồi tiền nợ đã cho DN vay, họ sẽ lấy khoản nợ phải thu đó để “mua” chính cổ phần của DN với giá tương đương hoặc theo thỏa thuận giữa hai bên. Khi đã là cổ đông, ngân hàng (hoặc DN chủ nợ) sẽ trực tiếp/gián tiếp tham gia vào công tác quản lý, hoạch định phương hướng sản xuất kinh doanh, vực dậy DN, giúp DN thoát khỏi tình trạng khó khăn về tài chính, giải quyết được nợ nần.

Như vậy, việc chuyển nợ thành vốn góp ngay lập tức giải phóng cho DN khách nợ gánh nặng tài chính làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, khả năng thanh toán được cải thiện. Phương pháp này không chỉ tăng lực cho DN, giảm tải gánh nặng nợ nần mà còn giúp DN có được bản báo cáo tài chính lành mạnh hơn. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với DN khi tiếp cận với các nguồn vốn vay và đàm phán với các đối tác trong đầu tư hợp tác mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Rõ ràng, đây là giải pháp mang lại lợi ích kép cho các bên, đặc biệt là các DN đang gặp khó khăn về tài chính, đối mặt với những khoản nợ cần sớm được xử lý để vực dậy sản xuất kinh doanh. Khoản nợ xấu của DN đối với ngân hàng coi như được xóa, thay vào đó sẽ là phần vốn điều lệ thuộc quyền sở hữu của chủ nợ.

… viết từ DATC

Tính ưu việt của việc xử lý nợ xấu thông qua phương pháp chuyển nợ thành vốn góp đã được khẳng định qua kết quả triển khai nghiệp vụ này của DATC.

Thực tế, trong thời gian qua và tại thời điểm hiện nay, khi bàn đến câu chuyện xử lý nợ xấu, không thể bỏ quên được vai trò của DATC. Bởi trong bối cảnh thị trường mua bán nợ Việt Nam chưa phát triển, cơ chế chính sách, hành lang pháp cho thị trường này chưa hoàn thiện, DATC đã ra đời, hoạt động như một định chế tài chính tiên phong. Vì vậy, các kết quả mang lại từ xử lý nợ xấu của DATC đều là bài học đáng quý để tham khảo. Đặc biệt là hoạt động chuyển nợ thành vốn góp được DATC thực hiện trong những năm gần đây, đã mang lại nhiều kết quả tích cực.

DATC là một DNNN trực thuộc Bộ Tài chính. Việc xử lý nợ xấu có sự tham gia của DATC, với vai trò trung gian mua nợ xấu từ chủ nợ nói chung và thường là ngân hàng nói riêng, rồi trực tiếp làm việc với DN, chuyển món nợ thành vốn điều lệ do DATC sở hữu. Việc tham gia mua nợ và chuyển nợ thành vốn góp có thể khiến các DN e ngại khi cho rằng DN của mình sẽ bị “quốc hữu hóa”. Tuy nhiên lo lắng này là thiếu cơ sở bởi DATC luôn xây dựng phương án thoái vốn khi DN đã có thể tự đứng vững được.

Hoạt động nghiệp vụ này được DATC thể hiện rất có “nghề”, phản ánh qua các tiêu chí lựa chọn đối tác mua nợ: tiềm năng phát triển, hiệu quả sau khi cơ cấu lại nếu giải quyết được những khó khăn tạm thời; mức độ hợp tác của DN khi áp dụng các biện pháp quản lý thích hợp. Sau đó DATC xúc tiến tìm kiếm đối tác thích hợp để tiếp quản DN sau thời kỳ khó khăn. Khác với tổ chức cho vay trở thành các cổ đông thông thường sau khi chuyển nợ thành vốn góp, vai trò của các công ty mua bán nợ chuyên nghiệp như DATC giống như nhà tư vấn, điều hành DN trong thời kỳ khó khăn và tìm kiếm đối tác chiến lược thay thế.

Khi đã xử lý xong nợ xấu, chuyển nợ thành vốn góp và trở thành cổ đông của DN khách nợ, không có nghĩa là DATC đã hoàn thành nhiệm vụ. Ngược lại, vai trò của DATC tại các DN này càng nặng nề hơn. Bởi, không chỉ với đồng vốn của mình mà DATC còn gánh trọng trách tái cơ cấu, vực dậy DN và thực hiện cam kết với các cổ đông, mang lại lợi nhuận trên từng đồng vốn. DATC phải tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược tham gia đầu tư góp vốn, hỗ trợ về kỹ thuật - quản lý nhằm cơ cấu lại tổ chức bộ máy điều hành. Hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả sau khi được chuyển đổi sở hữu sẽ giúp DN có nguồn vốn trả nợ các chủ nợ ngân hàng…

Sự vào cuộc xử lý nợ và thực hiện “lột xác” cho các DN mà DATC tham gia trong thời gian qua đã được minh chứng cụ thể qua rất nhiều DN, mà tiêu biểu nhất có thể kể đến là: Công ty Mía đường Sơn La (SLS), Công ty Sadico Cần Thơ (SDG), Công ty Mía đường Kon Tum (KTS)… và gần nhất là sự tham gia “giải cứu” Bianfishco, Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam – Viseri…

Sadico Cần Thơ có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, từng là DN thua lỗ nặng nề, mất khả năng thanh toán nợ, được DATC xử lý tài chính, chuyển nợ thành vốn góp và nắm giữ50% cổphần từ tháng 6/2007. Ngay cuối năm 2007, đơn vị này đã có lãi 9 tỷ đồng nhờ các biện pháp cải tiến quản lý hiệu quả. Sau hơn 5 năm tái cơ cấu, SDG đã khôi phục hoàn toàn, tăng trưởng trở lại mạnh mẽ, cổ tức luôn giữ ở mức cao trên sàn HNX. Việc thoái vốn khỏi SDG cũng đã được DATC tiến hành từng phần và việc thoái hết vốn tại đây cũng chỉ là yếu tố thời gian nhằm bảo toàn và phát triển đồng vốn của Nhà nước. Tương tự như SDG, KTS và SLS đều là những DNNN từng đứng bên bờ vực phá sản, sau sự giải cứu của DATC các DN này đều đã nhanh chóng hồi phục, làm ăn có lãi và niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán. Hiện DATC hiện đang dần thoái vốn khỏi KTS và sẽ từng bước tiến hành thoái vốn tại SLS.

Với câu chuyện Bianfishco, lại mở ra cơ hội mới đối với các công ty mua bán nợ có tiềm lực tài chính và có “nghề” tái cấu trúc DN như DATC, chứ không đơn thuần là những công ty đi mua bán nợ. Sau khi cơ cấu nợ vay, Bianfishco đã tăng vốn điều lệ từ 500 tỷ lên 1.200 tỷ với cơ cấu cổ đông mới. Theo ông Phạm Thanh Quang, Tổng giám đốc DATC, việc mua nợ của Bianfishco gắn chặt với hoạt động của nhà máy thủy sản và thương hiệu Bianfishco. Nếu Bianfishco cố gắng tập trung vào ngành nghề cốt lõi, ổn định sản xuất, khả năng thu hồi vốn là rất khả quan.

Còn với Viseri là một DNNN với rất nhiều vấn đề đang còn bỏ ngỏ như hoạt động kinh doanh bết bát, âm vốn chủ sở hữu lên đến 281 tỷ đồng… DATC đã vào cuộc và cũng với “phương thuốc” quen thuộc, vốn hóa các khoản nợ xấu. DATC đã xóa một phần nợ cho Viseri để cân đối tình hình tài chính, giúp công ty này đủ điều kiện cổ phần hóa và đấu giá cổ phần ra công chúng.

Một trong những yếu tố thành công được DATC rút ra là tái cơ cấu nợ phải đi kèm với tái cấu trúc DN và định hướng phát triển kinh doanh phù hợp. Có vậy mới thực sự vực dậy được DN đang đứng bên bờ vực phá sản và đem lại lợi nhuận trên từng đồng vốn đầu tư.

Từ năm 2004 đến năm 2012, DATC đã thực hiện 128 phương án mua bán nợ. Giá trị sổ sách của các khoản nợ là 8.579,617 tỷ đồng, giá vốn mua nợ là 2.506,635 tỷ đồng (tỷ lệ mua nợ bình quân là 29,2%), đã thu hồi được 2.670,258 tỷ đồng (bao gồm cả chuyển nợ thành vốn góp cổ phần tại 54 DN tái cơ cấu là 519,562 tỷ đồng), đạt tỷ lệ thu hồi là 106,5 %.

Theo DATC

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 5 - 2013