Lợi ích về kinh tế - tài chính khi phát triển điện hạt nhân

Phùng Tuấn

(Tài chính) Lâu nay không ít câu hỏi đặt ra đâu là lợi ích kinh tế khi phát triển điện hạt nhân? Trả lời câu hỏi này, theo các chuyên gia trong nước và quốc tế, không khó để chỉ ra những lợi ích rất to lớn của điện hạt nhân trên phương diện kinh tế - tài chính cho đất nước.

Chuyên gia IAEA sang hỗ trợ và tham vấn cho Việt Nam về vấn đề hoàn thiện Hồ sơ mời thầu và yêu cầu thẩm định.
Chuyên gia IAEA sang hỗ trợ và tham vấn cho Việt Nam về vấn đề hoàn thiện Hồ sơ mời thầu và yêu cầu thẩm định.

Thống kê của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho thấy tính đến năm 2014, trên thế giới có 436 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động tại 31 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng công suất là 373.504 MW.

Trong đó, hầu như các cường quốc kinh tế đều có số lượng lò phản ứng như: Mỹ có 100 lò phản ứng, Pháp với 58 lò phản ứng, Nhật: 48 lò phản ứng, Nga với 33 lò phản ứng, Hàn Quốc với 23 lò phản ứng...

Xu hướng trên phần nào cho thấy tầm quan trọng của điện hạt nhân trong phát triển kinh tế đất nước. Từ thực tiễn phát triển điện hạt nhân của các quốc gia trên thế giới, trên góc độ về kinh tế - tài chính, có thể nhận thấy những lợi ích trong phát triển điện hạt nhân như sau:

Một là, tạo ra giá cả hợp lý và cạnh tranh để người dân có thể sử dụng năng lượng phục vụ cuộc sống hàng ngày. T

heo các chuyên gia điện hạt nhân, phát triển điện hạt nhân sẽ giúp giảm chi phí cho người dân, trong bối cảnh giá xăng, giá điện ngày càng tăng, đồng nghĩa với việc góp phần giúp người dân tích lũy đầu tư và nâng cao nguồn thu nhập.

Hai là, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương và quốc gia, đồng thời nâng cao đời sống nhân dân ở nơi có nhà máy điện hạt nhân. Một khi các nhà máy điện hạt nhân đi vào hoạt động sẽ tạo ra nguồn thu đáng kể cho ngân sách địa phương.

Bên cạnh đó, tại các nơi xây dựng nhà máy điện hạt nhân, sẽ nhận được nhiều ưu đãi về cơ chế chính sách tài chính, xây dựng cơ sở hạ tầng…, từ đó góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống người dân địa phương.

Ba là, góp phần bảo toàn được dự trữ ngoại hối, tránh tình trạng chảy máu ngoại tệ khi mà Việt Nam phải sử dụng ngoại tệ để mua và nhập khẩu năng lượng từ các quốc gia khác.

Lí giải điều này, một chuyên gia hạt nhân cho rằng, phát triển điện hạt nhân sẽ góp phần tăng khả năng trữ năng lượng quốc gia, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng, giá cả thị trường thế giới...

Bốn là, giảm tải chi phí xử lí môi trường trong quá trình phát triển. Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, xu thế này sẽ gây ra làm Việt Nam đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường. Khi đó, Nhà nước và doanh nghiệp sẽ phải bỏ không ít ngân sách để giải quyết vấn đề ô nhiễm.

Trong khi đó, với những lợi thế của mình, điện hạt nhân lại không phát thải khí nhà kính, góp phần chống lại sự nóng lên của trái đất, bảo vệ môi trường. Do vậy, sẽ giúp xã hội giảm thiểu được chi phí tài chính cho vấn đề môi trường.

Năm là, góp phần tăng thêm thu nhập, tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Theo đó, trong quá trình chuẩn bị và xây dựng sẽ tạo thêm hàng ngàn việc làm. Đồng thời, một khi nhà máy điện hạt nhân đi vào vận hành sẽ tuyển dụng và đào tạo hàng ngàn cán bộ, nhân viên.

Điều này sẽ góp phần tạo công ăn việc làm, giải quyết bài toán thất nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu và trong nước đã và đang đe dọa đến thu nhập và công việc của nhiều người.

Sáu là, thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp, dịch vụ và kinh tế khác. Những ứng dụng từ điện hạt nhân vào cuộc sống cũng sẽ giúp phát triển các lĩnh vực y tế, công trình – công nghiệp…

Từ đó, lại tiếp tục đóng góp cho ngân sách và sự phát triển cho kinh tế xã hội của đất nước nói chung và địa phương nơi đặt nhà máy hạt nhân nói riêng.