Lợi nhuận phụ thuộc "dọn" nợ xấu

Theo thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Chỉ còn 1,5 tháng nữa để ngân hàng đẩy vốn ra cho những hợp đồng tín dụng "vớt vát" của năm tài chính 2013. Vì thời điểm cuối năm, một khoản vay thường khó được phê duyệt hơn hoặc chỉ giải ngân vào năm sau, phục vụ cho mùa kinh doanh, đầu tư mới. Tín dụng khó tăng đột biến thì liệu có "chiêu" nào giúp cải thiện lợi nhuận năm nay?

 Lợi nhuận phụ thuộc "dọn" nợ xấu
Nếu không khẩn trương "dọn dẹp" nợ xấu, nhà băng sẽ phải tự "cấu" lợi nhuận ra để bù đắp nợ khó đòi. Nguồn: internet

Với kết quả kinh doanh 9 tháng, lợi nhuận năm 2013 của nhiều ngân hàng được dự báo sẽ sụt giảm mạnh, có lãi ít hoặc bị lỗ. Trong tình cảnh tín dụng vẫn tăng trưởng ì ạch, nếu không khẩn trương "dọn dẹp" nợ xấu, nhà băng sẽ phải tự "cấu" lợi nhuận ra để bù đắp nợ khó đòi.

Tăng trích lập dự phòng rủi ro

Hiện nay, PGBank đang có tỷ lệ nợ xấu lớn nhất hệ thống, lên tới 9,5% tổng dư nợ, tương đương hơn 1.200 tỷ đồng nợ xấu (tính đến hết quý III/2013). Trong đó, nợ có khả năng mất vốn lên tới khoảng 685 tỷ đồng. PGBank đã phải trích lập dự phòng rủi ro hơn 219 tỷ đồng.

Tháng 10 vừa qua, nhờ bán được 170 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC, PGBank đã nhẹ bớt được một phần gánh nặng nợ trên sổ sách. Song, PGBank vẫn phải thực hiện trích lập dự phòng 20% cho phần nợ này theo quy định mua bán nợ của Nghị định 53.

Tín dụng 9 tháng qua của PGBank đã giảm hơn 5% so với hồi đầu năm. Điều này sẽ khiến cho việc xử lý nợ xấu gặp khó khăn hơn. Cùng với khoản lợi nhuận ít ỏi chỉ hơn 60 tỷ đồng, có thể thấy, nợ xấu sẽ tiếp tục "bào mòn" lợi nhuận của ngân hàng.

Mặc dù nợ xấu chỉ ở mức 2,27%, nhưng nợ có khả năng mất vốn của VPBank lên tới 226 tỷ đồng. Ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro gấp 3,1 lần (hơn 212 tỷ đồng) khiến cho lợi nhuận sau thuế bị giảm mạnh, chỉ còn 184 tỷ đồng.

Tương tự, nợ xấu của Kienlongbank chiếm 2,73%, nhưng do nợ có khả năng mất vốn tăng lên 191 tỷ đồng nên ngân hàng cũng phải "cấu" lợi nhuận để xử lý dự phòng. Trong quý III, Ngân hàng Đông Á cũng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro hơn 70% để xử lý hàng nghìn tỷ đồng nợ xấu. Do đó, lợi nhuận 9 tháng đã "teo tóp" chỉ còn bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước.

Hay như Ngân hàng SHB, sau khi bán gần 850 tỷ đồng nợ xấu cho công ty VAMC, đã giảm được nợ xấu từ trên 9% xuống còn 7,75%. Nhưng, do thời gian qua SHB đã phải trích dự phòng rủi ro cho nợ xấu hơn 1.900 tỷ đồng, nên ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận năm nay.

Qua kết quả kinh doanh 9 tháng có thể thấy, ngân hàng nào có số nợ xấu tăng thì lợi nhuận bị sụt giảm mạnh do phải tăng trích lập dự phòng, nhất là với nợ chuyển sang nhóm mất vốn (trích lập 100% khoản nợ). Số tiền trích lập dự phòng lên tới vài trăm, vài nghìn tỷ đồng chưa dừng lại, mà có thể sẽ tăng lên nếu ngân hàng không tích cực xử lý nợ xấu hoặc bán nợ sang cho VAMC.

Trao đổi với phóng viên khi đang tất bật đi thu nợ cuối năm, một cán bộ của ngân hàng Kienlongbank chia sẻ: Trong tình cảnh cho vay rất khó khăn, các nhân viên tín dụng đều bị giao khoán chỉ tiêu dù khả năng hoàn thành năm nay là khó. Không tăng trưởng được dư nợ, không xử lý được nợ xấu thì đương nhiên lợi nhuận bị ảnh hưởng lớn.

Đẩy nhanh xử lý nợ xấu

Bên cạnh áp lực tăng trưởng tín dụng, các nhân viên ngân hàng này cũng đang rất chật vật để thu hồi nợ. Một mặt, họ phải tìm mọi cách, kể cả nịnh nọt, van nài khách hàng trả bớt nợ, giảm số nợ xấu. Mặt khác phải liên tục thúc ép, bổ sung tài sản để nợ không chuyển nhóm xấu hơn, giữ dư nợ ở một con số đẹp, ít nhất là vào thời điểm chốt sổ sách năm 2013.

"Mỗi lần đi đòi nợ, tôi phải năn nỉ, thuyết phục khách hàng hợp tác mà cũng không ăn thua. Mà tiến hành siết nợ, thu giữ tài sản của họ thì e không có tình người lắm. Nhưng đến lúc nào đó mà khách hàng vẫn chây ỳ không trả thì buộc phải xử lý thôi", vị cán bộ này nói.

Trên thực tế, việc xử lý thu hồi nợ xấu rất phức tạp, nhất là với những khoản nợ "có vấn đề" như không có hoặc tài sản đảm bảo bị giảm giá trị, có tranh chấp pháp lý, chủ nợ không hợp tác trả nợ hoặc đã bỏ trốn, doanh nghiệp làm ăn thua lỗ…

Một lãnh đạo của Công ty tài chính VVF (Hà Nội) cho biết: "Chúng tôi đã phải thương lượng với khách hàng - chủ đầu tư dự án để cùng ký biên bản thỏa thuận xử lý tài sản. Theo đó, con nợ sẽ giao tài sản cho chúng tôi quản lý và được quyền kiểm soát dòng tiền thu từ dự án để trả nợ. Nhờ đó, đến nay chúng tôi đã xử lý được khoảng 70% nợ xấu, xấp xỉ 700 tỷ đồng".

Theo vị này, đây là phương án xử lý nợ khả thi, nhanh chóng nhất và được nhiều tổ chức tín dụng áp dụng ở thời điểm này. Thay vì đưa vụ việc ra tòa án, sẽ phải chờ đợt 1 - 2 năm mới giải quyết xong.

Về giải pháp bán nợ xấu cho VAMC, ông này cho rằng có nhiều điểm trong quy định mua bán nợ khiến tổ chức tín dụng không mặn mà bán nợ, đơn cử như vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro 20%, sau 5 năm phải nhận lại nợ, giá mua bằng 70% giá trị sổ sách...

Trong các phương án xử lý nợ xấu, các tổ chức tín dụng sẽ lựa chọn cách khả thi, nhanh chóng và ít thiệt hại nhất. Trong lúc này, chỉ cần "dọn dẹp" được nợ xấu, dù chỉ là trên sổ sách, thì ngân hàng sẽ có ngay một con số lợi nhuận tốt hơn trong kỳ báo cáo cuối năm.