Luận bàn về những vấn đề của nền kinh tế Việt Nam

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây đang tăng trưởng chậm lại và lạm phát luôn bị "buộc tội" là rào cản. Tuy nhiên, điều đó liệu đã đúng hay còn ẩn chứa điều gì khác?

Hiệu quả ngày càng giảm

So sánh một số yếu tố kinh tế vĩ mô cho thấy, hệ số ICOR liên tục tăng từ 4,89 trong giai đoạn 2000 - 2006 lên 7,56 trong giai đoạn 2007 - 2012. Trong khi đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP khoảng 22,93% trong giai đoạn 2000 - 2006, thì đến giai đoạn 2007 - 2012 giảm xuống chỉ còn 6,44%.

Bên cạnh đó, nếu tính toán tỷ lệ hệ số giá trị gia tăng trên giá trị sản xuất từ năm 2000 đến nay, thì tỷ lệ này ngày càng nhỏ. Nếu năm 2000, sản xuất ra 10 đồng sẽ tạo ra trên 4 đồng giá trị gia tăng, thì đến giai đoạn hiện nay chỉ tạo ra khoảng 3,5 đồng giá trị gia tăng. Vì vậy, một lượng tiền bỏ ra để sản xuất, nhưng lại tạo ra một lượng hàng hoá ít hơn sẽ làm phá vỡ quan hệ tiền - hàng và góp phần làm tăng chi phí của hàng hoá sản xuất trong nước.

Ngoài ra, tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế thông qua chỉ tiêu về chi tiêu (tiết kiệm) ngày càng giảm sút. Nếu tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế chiếm khoảng 36% GDP trong giai đoạn 2000 - 2006, thì chỉ tiêu này giảm xuống dưới 30% GDP giai đoạn 2007 - 2012, trong khi đầu tư hàng năm ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong GDP. Điều này cho thấy, nợ nần ngày càng gia tăng mà sử dụng đồng tiền đi vay không hiệu quả là một rủi ro rất lớn về lâu dài.

Luận bàn về những vấn đề của nền kinh tế Việt Nam - Ảnh 1

Tính toán hệ số lan tỏa của các nhân tố của cầu cuối cùng (final demand) dựa trên bảng I-O của Việt Nam trong 2 giai đoạn 2000-2005 và 2006-2010 cho thấy, độ lan tỏa của cầu cuối cùng lên sản xuất và thu nhập có sự khác biệt khá lớn, nếu trong giai đoạn 2000 - 2005 đầu tư lan tỏa đến sản xuất cao nhất trong các yếu tố của cầu cuối cùng, thì đến giai đoạn 2006-2010 lại kém nhất, sụt giảm khoảng 23% (giai đoạn trước khi tăng một đồng đầu tư sẽ kích thích phía cung 1,65 đồng, đến giai đoạn hiện nay khi tăng một đồng đầu tư chỉ lan tỏa đến phía cung là 1,27 đồng). Hơn nữa, giai đoạn trước tăng một đồng đầu tư có thể tạo ra 0,53 đồng giá trị gia tăng, nhưng đến giai đoạn sau chỉ làm tăng được 0,48 đồng giá trị gia tăng.

Về tiêu dùng cuối cùng trong giai đoạn sau, khi tăng một đồng tiêu dùng đòi hỏi nhiều giá trị sản xuất hơn, nhưng lại lan tỏa đến giá trị gia tăng ít hơn giai đoạn trước. Về xuất khẩu cũng như vậy, khi tăng một đồng xuất khẩu lan tỏa đến giá trị gia tăng sụt giảm so với giai đoạn trước 18%. Kết quả tính toán trên cho thấy, đầu tư đang ngày càng kém hiệu quả và nếu phía cung yếu kém, thì bất kỳ một sự gia tăng nào ở phía cầu chỉ làm tăng giá, thâm hụt thương mại và căng thẳng về tỷ giá mà thôi. Nếu tiếp tục với chính sách quản lý cầu như hiện nay, thì nền kinh tế lại rơi vào vòng xoáy lạm phát – suy trầm.

Luận bàn về những vấn đề của nền kinh tế Việt Nam - Ảnh 2

GDP hay GNI?

Hiện nay, các đánh giá tình hình kinh tế thường được gắn chặt với chỉ tiêu GDP. Nhưng, chỉ tiêu GDP thực ra không phản ánh được đầy đủ bức tranh của nền kinh tế, chẳng hạn như doanh nghiệp FDI chuyên về khai thác tài nguyên họ sẽ chuyển phần lợi nhuận về nước họ, nhưng vẫn được thể hiện trong GDP của Việt Nam.

Trong khi đó, chỉ tiêu Tổng thu nhập Quốc gia (GNI - Gross National Income), được xác định bằng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) cộng với thu nhập từ sở hữu trừ đi chi trả sở hữu hầu như không có (hoặc rất ít) người sử dụng số liệu này trong các nghiên cứu hoặc các báo cáo. Chỉ tiêu GNI phản ánh đúng và thực chất hơn giá trị mà đất nước được hưởng.

Nếu xét về GNI theo giá thực tế năm 2012 so với năm 2000 chỉ tăng 6 lần và nếu lấy chỉ số giảm phát GDP (GDP deflactor) để loại trừ yếu tố giá của tổng thu nhập quốc gia, thì GNI chỉ tăng 2,15 lần. Xét 2 giai đoạn 2000 - 2006 và 2007 - 2012, thì GDP và GNI tăng bình quân tương ứng theo 2 giai đoạn là 7,5% - 7,4%; và 5,9% - 5,3%. Điều này cho thấy, độ doãng giữa tốc độ tăng trưởng GDP và GNI ngày càng lớn. Nếu năm 2000 tỷ lệ giữa GNI và GDP là 98,6%, thì đến năm 2012 tỷ lệ này xuống còn 95%, điều này cho thấy luồng tiền ra ngày càng lớn và tổng thu nhập quốc gia ngày càng nhỏ so với GDP.

Nếu xét theo giá hiện hành thì mức độ chi trả sở hữu thuần cho bên ngoài của năm 2012 so với năm 2000 tăng khoảng 26 lần (trong khi GDP tăng 6,7 lần). Tốc độ chi trả sở hữu thuần ra nước ngoài tăng bình quân hàng năm khoảng 20% (trong khi tốc độ tăng GDP bình quân hàng năm chỉ là 7%). Tình hình từ năm 2011 đến nay cho thấy, khi mấy động cơ “nội” (kinh tế nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, nông nghiệp) của nền kinh tế suy trầm, chỉ có một động cơ “ngoại” (khu vực FDI) chạy tốt, tuy điều này có làm cho chỉ tiêu “phù phiếm” GDP được hưởng lợi trong tăng trưởng, nhưng nguồn lực của quốc gia thì không hoàn toàn như vậy, thậm chí có thể đang ngày càng suy kiệt. Hình 1 biểu thị khoản chi trả sở hữu ra nước ngoài thuần (chi trả sở hữu – thu nhập từ sở hữu) đặc biệt tăng từ năm 2005 đến 2011.

Ngoài ra có thể nhận thấy, tuy không hoàn toàn do khu vực FDI, nhưng rõ ràng khu vực này góp phần quan trọng làm luồng tiền đi ra khỏi đất nước ngày một lớn, và Hình 2 đã cho thấy mức độ liên quan của FDI đến luồng tiền ra. Điều này cảnh báo rằng, chúng ta đang quá chú trọng đến chỉ tiêu GDP, mà quên mất hoặc không nhìn thấu cái nước ta được hưởng sau cùng là GNI.

Cùng với việc thâm hụt thương mại cao, thì đây là một lý do cơ bản khiến đồng tiền Việt Nam ngày càng mất giá. Điều này cho thấy, tốc độ tăng trưởng GDP rất ít ý nghĩa trong việc phản ảnh tình trạng thực sự của nền kinh tế.

Cũng do GNI ngày càng nhỏ so với GDP, mà tỷ lệ tiết kiệm (nguồn để đầu tư) từ nền kinh tế giảm xuống một cách nhanh chóng, đặc biệt từ năm 2006 đến nay, giảm từ 36% xuống còn 29%. Tiết kiệm của nội bộ nền kinh tế là nguồn cơ bản để đầu tư, mà tỷ lệ này giảm rất mạnh từ 87% trong tổng vốn đầu tư trong năm 2006 xuống chỉ còn 67% trong năm 2009 (tức là trong vòng 4 năm, tỷ lệ này giảm khoảng 20 điểm phần trăm). Nhưng điều đáng ngại hơn cả là tỷ lệ đầu tư trên GDP giảm không đáng kể. Điều này cho thấy không thể nói chung chung giảm tăng trưởng để ổn định vĩ mô mà cần xác định ổn định vĩ mô là ổn định cái gì?

Luận bàn về những vấn đề của nền kinh tế Việt Nam - Ảnh 3

Luận bàn về những vấn đề của nền kinh tế Việt Nam - Ảnh 4

Vấn đề của kinh tế Việt Nam là gì?

Từ những nghiên cứu trên, chúng ta có thể thấy một số vấn đề lớn của nền kinh tế như:

Thứ nhất, trong thời gian qua, hầu hết các chuyên gia và các nhà tư vấn chính sách của Việt Nam tập trung vào quản lý tổng cầu. Chính sách như vậy không sai, nhưng khi sử dụng chính sách quản lý tổng cầu kiểu Keynes cần ý thức rằng đó là chính sách mang tính ngắn hạn và nhất thời, không thể sử dụng lâu dài và triền miên. Chính vì sử dụng chính sách này suốt từ năm 2007 đến nay đã khiến nền kinh tế Việt Nam rơi vào vòng xoáy lạm phát - suy trầm, khiến cả phía cung và phía cầu của nền kinh tế đều yếu.

Ngay cả vấn đề lạm phát nếu được giải quyết thì cũng chỉ là giải quyết phần ngọn của vấn đề, mà nguyên nhân sâu xa lại là do hiệu quả sản xuất, đầu tư thấp và cơ cấu kinh tế lệch lạc. Trong trạng huống đó, dưới góc độ nghiên cứu, hàng loạt câu hỏi có thể được đặt ra: Liệu cơ cấu kinh tế với ưu tiên thứ tự công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp có phải là cơ cấu kinh tế hợp lý? Liệu chúng ta có nên dựa quá nhiều vào xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế? Phải chăng đã đến lúc chúng ta cần quan tâm đến chính sách trọng cung với ý niệm là tôn trọng phía cung, hướng tới chính sách điều hành nền kinh tế mang tính dài hạn?...

Thứ hai, về đầu tư công, tính lan tỏa không rõ rệt, khó mang lại hiệu quả thực sự cho nền kinh tế. Chẳng hạn như đập phá trụ sở cũ xây trụ sở mới của các cơ quan nhà nước, lát lại vỉa hè lòng đường, mua sắm xe cộ, xây công viên… có thể tạo thêm một chút việc làm, giảm một chút tồn kho, tăng một chút GDP…, nhưng chỉ tại thời điểm đó, chứ không hề lan toả theo hướng tích cực đến các năm sau, mà ảnh hưởng tiêu cực dường như lại rõ ràng hơn, nhất là từ góc độ lãng phí các nguồn lực.

Thứ ba, tăng trưởng chủ yếu dựa vào vốn mà không chú trọng đến thay đổi quy trình công nghệ, khi sử dụng nguồn vốn không hiệu quả sẽ gây ra lạm phát. Bên cạnh đó, khi tăng trưởng dựa vào vốn mà các doanh nghiệp không tiếp cận được vốn do thắt chặt tiền tệ và lãi suất của hệ thống ngân hàng dẫn đến suy giảm mạnh về tổng cung, giảm thu nhập của người dân và lại tiếp tục ảnh hưởng ngược đến cầu. Suy giảm tổng cầu làm trầm trọng hơn đến phía cung và nền kinh tế dường như rơi vào vòng xoáy của lạm phát - suy trầm hoặc vừa lạm phát vừa suy trầm.

Thứ tư, về khu vực sản xuất, kinh doanh, trong suốt năm 2011 đến nay, dù đã có một số chính sách nhằm kích thích sản xuất, nhưng chưa thực sự hiệu quả, dẫn đến tình trạng số lượng doanh nghiệp “chết” hoặc “chờ chết” nhiều chưa từng có. Những doanh nghiệp này hầu hết là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, đây là những doanh nghiệp có giá trị gia tăng đóng góp 48% vào GDP.

Trong khi đó, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI có hiệu quả đầu tư rất thấp. Điều gì sẽ xảy ra nếu các doanh nghiệp ngoài quốc doanh phá sản hoặc mất khả năng thanh khoản và không thể mở rộng sản xuất? Sản xuất đình đốn sẽ làm giảm tổng giá trị gia tăng của nền kinh tế. Nếu thu nhập từ sản xuất giảm, sức mua sẽ giảm, tiếp theo là một cuộc khủng hoảng cả về cung và cầu ngày càng nghiêm trọng và không thể chấm dứt.

Khuyến nghị chính sách

Từ những vấn đề của nền kinh tế Việt Nam được nêu ở trên, chúng tôi đề xuất một số kiến nghị sau:

Một là, việc xây dựng một kế hoạch tổng thể dài hạn cho phát triển kinh tế là một yêu cầu tối quan trọng hiện nay. Kế hoạch phải mang tính chiến lược và có sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong quản lý và chú trọng hiệu quả phát triển, hạn chế điều hành thị trường mang tính mệnh lệnh, hành chính, duy ý chí và xin-cho, ban phát.

Hai là, xem xét lại cơ cấu kinh tế, chú trọng đến các ngành kinh tế mang lại hiệu ứng lan tỏa cao đến sản xuất trong nước, chẳng hạn sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp chế biến thủy, hải sản, đây là 2 nhóm ngành duy nhất trong giai đoạn này có hệ số lan tỏa đến sản xuất trong nước cao và hệ số lan tỏa về nhập khẩu tương đối thấp.

Ba là, cải cách thể chế để các doanh nghiệp tư nhân và khu vực nông nghiệp thực sự bình đẳng với khu vực kinh tế nhà nước và khu vực kinh tế FDI. Xem xét đánh giá và sửa đổi bổ sung Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, sớm ban hành Luật Đầu tư công.

Bốn là, để thoát khỏi nguy cơ tụt hậu của nền kinh tế thì điều cốt lõi trong thời điểm này là chúng ta phải xác định xây dựng một nền kinh tế phát triển theo định hướng độc lập và tự chủ. Theo đó, nâng cao yếu tố nội lực của nền kinh tế là việc làm được ưu tiên hàng đầu, đảm bảo lợi nhuận của doanh nghiệp và nhất thiết phải bảo vệ lợi ích quốc gia.

Tài liệu tham khảo:

1. Phạm Thế Anh, Đinh Tuân Minh, Nguyễn Thị Minh (2013). Kinh tế Việt Nam: Từ chính sách ổn định tổng cầu sang chính sách trọng cung để thúc đẩy tăng trưởng, Nxb Trí thức

2. Bui Trinh, Kiyoshi Kobayashi, Pham Le Hoa & Nguyen Viet Phong (2012). Vietnamese Economic Structural Change and Policy Implications, Global Journal of Human Social Science Sociology Economics & Political Science, Volume 12 Issue 9 Version 1.0

3. Bui Trinh, Kiyoshi Kobayashi, Trung-Dien Vu, Pham Le Hoa, Nguyen Viet Phong (2012). New Economic Structure for Vietnam Toward Sustainable Economic Growth in 2020, Global Journal of Human Social Science Sociology Economics & Political Science, Volume 12 Issue 10 Version 1.0