Luật Đầu tư công: Càng lâu, càng nóng!

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Ngày 31/7, Chính phủ cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư công sau nhiều năm được Bộ Kế hoạch & Đầu tư soạn thảo. Tuy nhiên, dự án Luật này có giải quyết được các bất cập đầu tư công hay không thì còn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Luật Đầu tư công: Càng lâu, càng nóng!
Đầu tư công đang bị áp lực cắt giảm. Nguồn: internet

Mặc dù được nhắc đến nhiều trên các diễn đàn báo chí, xã hội và trong các văn bản chính thống của Quốc hội, Chính phủ, nhưng thực chất đầu tư công là gì và quản lý đầu tư công như thế nào vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ.

Yêu cầu cấp thiết

Cần quản lý chặt đầu tư công, cần tái cơ cấu đầu tư công là vấn đề đặt ra từ lâu, nhất là trong thời gian 2009 - 2010 có khối lượng đầu tư công "khủng", lên tới 40% GDP. Tuy nhiên, các chính sách, như: Nghị quyết 11/2011, Chỉ thị 1792 của Thủ tướng Chính phủ cũng được ban hành trong năm 2011 đưa ra chủ yếu vẫn chỉ nhằm vào "bề nổi" của đầu tư công, mà chưa giải quyết nguyên nhân tận gốc các bất cập của đầu tư công.

Trước tiên, phải nói là nguyên nhân khiến cho đầu tư trở nên "hoành tráng" như hiện nay là do ý chí chủ quan của các cơ quan nhà nước, những người có quyền ký các quyết định đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước (NSNN). Không có những quyết định này thì không thể có đầu tư công, bản thân nền kinh tế không thể tự sản sinh ra đầu tư công. Việc ra các quyết định này không được kiểm soát bằng bất cứ đạo luật nào. Luật NSNN và Nghị định 60/2003/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật này chỉ hướng dẫn chung chung, không có các tiêu chí cụ thể.

Còn Nghị quyết 11, Chỉ thị 1792 chỉ như "cái phanh" nhằm tạm dừng việc giải ngân tràn lan, chứ chưa có tác dụng kiểm soát tình hình.

Trước áp lực cắt giảm đầu tư công, nhiều công trình dở dang, tăng trưởng chậm. Gần đây, một số lãnh đạo bộ ngành lại muốn "nới rộng" đầu tư công, như: Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải. Song nếu cứ điều hành theo kiểu chủ quan, "nể nang" thì không biết tình hình sẽ đi về đâu, nợ công sẽ giải quyết như thế nào. Liệu Việt Nam rút kinh nghiệm được gì trước những bài học "vỡ nợ công" ở nhiều nước trên thế giới?

Trước yêu cầu của Quốc hội về việc ban hành một đạo luật đầu tư công, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã soạn thảo một đạo luật về đầu tư công, nhiều lần trình Chính phủ từ năm 2007, nhưng đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Với tiêu điểm là đưa ra kế hoạch đầu tư công gồm kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư công hàng năm nhằm kiểm soát việc phê duyệt dự án đầu tư công.

Tuy nhiên, các quy định của dự thảo Luật này về kế hoạch đầu tư công mới chỉ dừng ở mức nguyên tắc, ban hành danh mục đầu tư công, mà hầu như chưa có các yêu cầu cụ thể, ngoại trừ điều kiện dự án đầu tư công được ghi vào kế hoạch vốn hàng năm.

Dự thảo Luật Đầu tư công cũng đưa ra được một vài giải pháp mới, như: yêu cầu các dự án nhóm A, B phải xin chủ trương đầu tư trước khi lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi xin quyết định đầu tư; người có thẩm quyền quyết định đầu tư chọn chủ đầu tư có quyền thay chủ đầu tư nếu không đủ năng lực thực hiện hoặc chậm trễ triển khai dự án sau 12 tháng có quyết định, gây thất thoát, lãng phí do yếu tố chủ quan. Nếu kiên quyết thực hiện những chính sách này thì có thể khiến nhiều chủ đầu tư phải thận trọng hơn khi cân nhắc "xin" các dự án đầu tư công.

Giải pháp chưa đủ mạnh

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng những giải pháp này của Luật Đầu tư công chưa đủ mạnh, cần quy định cụ thể hơn những sai phạm đến mức nào thì bị người có thẩm quyền "tuýt còi", các cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư không nên đồng thời là chủ đầu tư. Thậm chí có ý kiến cho rằng Luật cần có quy định quy trách nhiệm cho cả người có thẩm quyền nếu lựa chọn chủ đầu tư sai, gây thất thoát, lãng phí. Quy định như dự thảo Luật: người có thẩm quyền quyết định đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về việc quyết định đầu tư dự án là quá chung chung, chưa rõ trách nhiệm cụ thể, chưa quy được trách nhiệm cuối cùng.

Việc quản lý dự án đầu tư công cũng được dự thảo Luật thiết kế trên cơ sở các quy định hiện hành, như: cho phép ủy thác đầu tư, tư vấn đầu tư, ban quản lý dự án… Tuy nhiên, còn rất nhiều bất cập về quản lý dự án mà dự Luật này chưa giải quyết được, như: cơ chế ủy thác chưa rõ ràng về quyền và trách nhiệm của bên ủy thác và bên nhận ủy thác; tư vấn kém chất lượng, không đủ độ tin cậy; ban quản lý dự án thiếu tính pháp lý, không chuyên nghiệp; chủ đầu tư "phó thác" cho ban quản lý dự án; thiếu giám sát của người có thẩm quyền quyết định đầu tư, của chủ đầu tư. Chính vì vậy, mà chất lượng và hiệu quả của đầu tư công không được bảo đảm.

Với kỳ vọng là một đạo luật giải quyết được tận gốc các bất cập về đầu tư công, luật này cần giải quyết vấn đề tái cơ cấu đầu tư công một cách toàn diện, căn bản trong mối quan hệ hệ thống với các chính sách công khác, như: quản lý nợ công, quản lý chi tiêu ngân sách, quản lý đầu tư của Nhà nước, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản. Đặc biệt là Quốc hội, Chính phủ cần phải quyết liệt, tính toán về dài hạn các hệ quả của tái cơ cấu đầu tư công với các chỉ tiêu tăng trưởng, lạm phát hàng năm để có dự báo, đáp án rõ ràng đối với vấn đề này.

Không nên chần chừ với quyết sách của Luật này do nó làm giảm tốc độ tăng trưởng, vì nguyện vọng của nhân dân không phải là tăng trưởng đều đều mà là phát triển bền vững, phát triển vì tương lai, chứ không phải tăng trưởng gắn liền với khối nợ khổng lồ cho thế hệ sau.