Luật Đầu tư công: Cấp bách, nhưng cần chặt chẽ

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Mặc dù tỷ lệ vốn đầu tư của Nhà nước đang giảm dần nhưng nguồn vốn này vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Vì vậy, cho ý kiến về Dự thảo Luật Đầu tư công, các đại biểu Quốc hội đều đồng tình với việc phải ban hành Luật này để quản lý chặt chẽ nguồn vốn, chống đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả.

Luật Đầu tư công: Cấp bách, nhưng cần chặt chẽ
Nhiều công trình dang dở vì chủ đầu tư chưa xin được vốn. Nguồn: internet
Bắt đầu từ việc quy trách nhiệm đối với những người ra quyết định về chủ trương đầu tư đến việc nâng cao quyền giám sát của cộng đồng, rất nhiều ý kiến đóng góp Luật Đầu tư công xoay quanh các nội dụng này.

Chặn dàn trải

Theo con số mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đưa ra tại Quốc hội mới đây, nợ đọng xây dựng cơ bản đã lên đến 42.000 tỉ đồng. Từ địa phương đến trung ương cứ ký còn doanh nghiệp (DN) cứ lao vào “săn tin” các dự án được phê duyệt. Rồi cửa trước, cửa sau cứ thế lao vào để trúng thầu.

Kết cục là những công trình dang dở vì chủ đầu tư chưa xin được vốn. Địa phương thiếu vốn nợ DN, DN nợ ngân hàng, cả một hệ thống kinh tế bị các dự án xây dựng bắt làm con tin. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, các địa phương, các bộ có kiểm điểm về trách nhiệm, nhưng rất ít người nhận trách nhiệm hoặc nhận chung chung, ít trường hợp có địa chỉ cụ thể.

Để nói về tình trạng kém hiệu quả, đại biểu Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) dẫn chứng, đường cao tốc của chúng ta làm 12 triệu USD/1km2, trong khi Trung Quốc là 5 triệu USD/1km2; Mỹ là 4,5 triệu USD/1km2. Ngoài ra, nhiều đoạn đường đầu tư rất tốn kém nhưng rất ít người qua lại. Còn một số đoạn đường mật đô đi lại rất cao nhưng đường thì hẹp và liên tục xuống cấp vẫn không thấy sửa chữa.

Cùng quan điểm này, đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội Trịnh Thế Khiết cho rằng, lĩnh vực đầu tư công hiện nay là mảnh đất cho tham nhũng, lãng phí. Rất nhiều dự án đầu tư công vượt trần, lãng phí lớn nhưng không có cá nhân nào phải chịu trách nhiệm.

Theo ban soạn thảo, để khắc phục tình trạng trên, Dự thảo Luật Đầu tư công đã quy định minh bạch kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và hàng năm theo từng nguồn vốn, nên các địa phương muốn xin cũng không được. Lãnh đạo Trung ương muốn hứa cũng không được vì mọi nguồn vốn đã được phân bổ theo kế hoạch trung hạn 3-5 năm, nên không còn vốn để xin, để hứa.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng, tình trạng ngân sách trung ương phải “chạy theo” để bố trí vốn cho các công trình, dự án mà địa phương “lỡ” đầu tư sẽ phải chấm dứt. Bởi Luật Đầu tư công quy định rất rõ về sự công khai, minh bạch trong nguyên tắc, tiêu chí xác định, lựa chọn danh mục dự án đầu tư công; nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công theo từng nguồn vốn; kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và hàng năm theo từng nguồn vốn…

Quy trách nhiệm người đứng đầu


Thực tế quản lí đầu tư công trong thời gian qua cho thấy lãng phí, thất thoát có nhiều nguyên nhân khác nhau: Buông lỏng quản lí, đầu tư dàn trải, tham nhũng, bớt xén trong thi công… nhưng lãng phí lớn nhất là do chủ trương đầu tư không đúng, không hiệu quả. Tình hình trên kéo dài trong nhiều năm nhưng chưa có biện pháp khắc phục triệt để.

Một thực tế khác, đó là nhiều bộ, ngành và địa phương chưa coi trọng công tác thẩm định về nguồn vốn và cân đối vốn hoặc chỉ làm hời hợt, chiếu lệ; từ đó, quyết định các chương trình, dự án với quy mô lớn gấp nhiều lần khả năng cân đối vốn của ngành mình, cấp mình, cũng như vượt quá khả năng bổ sung, hỗ trợ của ngân sách cấp trên.

Hoặc phê duyệt hàng loạt các chủ trương đầu tư lớn nhưng không tính đến nguồn vốn khiến các dự án thiếu khả thi, hoặc làm dở dang. Bằng chứng là việc chính quyền các địa phương nợ tiền xây dựng cơ bản lên đến 91.000 tỉ đồng đến nay chưa trả khiến hàng nghìn DN lao đao.

Theo đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh Trương Trọng Nghĩa, Luật Đầu tư công cần quy định rõ chế tài khi có hành vi vi phạm trong đầu tư công. Theo đó, luật cần quy định rõ người quyết định chủ trương, người đứng đầu mà đầu tư sai, gây lãng phí, thất thoát thì phải chịu trách nhiệm, có thể bị miễn nhiệm chức vụ.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải làm rõ trong Luật, chủ đầu tư là ai chỉ nêu chung chung cơ quan chức năng hay chủ tịch tỉnh thì rất là khó. Nếu không rõ ràng đầu tư công sẽ vẫn cứ thất thoát rất lớn.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu yêu cầu, Luật cần xác định cụ thể hơn trách nhiệm cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu, người có thẩm quyền phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, dự án đầu tư để nâng cao tính chế tài của Luật đối với các trường hợp phê duyệt dự án đầu tư sai, kém hiệu quả, tổng mức đầu tư tăng so với dự toán ban đầu, không cân đối được nguồn vốn để thực hiện, gây thất thoát, lãng phí.

Cụ thể hóa giám sát cộng đồng


Theo ông Trần Văn Sơn - Thứ trưởng Bộ Xây dựng, qua thực tế thanh tra xây dựng, các dự án sử dụng vốn ngân sách, kể cả vốn của DN nhà nước, thất thoát, lãng phí nhiều, chủ yếu ở phần tổ chức thực hiện như chủ trương đầu tư, thiết kế, đấu thầu.

Để góp tăng hiệu quả cho các dự án, giám sát cộng đồng là một trong những biện pháp không thể thiếu. Theo đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội), quy định về giám sát cộng đồng cần cụ thể hơn trong Luật. Ví như, người dân có ý kiến như thế nào thì phải dừng dự án. Hiện nay, quy định vai trò giám sát của người dân nhưng không rõ ý kiến của người dân được lắng nghe, tiếp thu ra sao.

Cùng quan điểm này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, quy định về giám sát cộng đồng trong đầu tư công là rất cần thiết. Nhưng dự thảo quy định còn chung chung nên không thể áp dụng được vì không biết chủ thể giám sát cộng đồng là ai. Theo ông Nghĩa, nhiều nội dung soạn thảo mới chỉ dừng mở mức như nêu yêu cầu. Ví dụ, quy định tại Điều 55 “các chương trình đầu tư công chịu sự giám sát của cộng đồng”, vậy ai là “cộng đồng”.

Để phòng chống tham nhũng, một nguyên tắc bất di bất dịch là phải công khai minh bạch. Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần có chế tài cụ thể và nghiêm khắc trong quản lý nhà nước về đầu tư công. Từ quy định thế nào là vi phạm đến mức độ nào thì phải xử lý hành chính hay hình sự... Nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất có một chương riêng quy định về giám sát cộng đồng, quyền hạn của động đồng…

Một số ý kiến nhận xét, nếu không quy định rõ về quy trình thủ tục và những tiêu chí, tiêu chuẩn của giám sát cộng đồng thì vẫn không thể hạn chế được việc lách luật. Theo ông Trần Tố Nghị - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Xây dựng công trình - Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho rằng, quan hệ ràng buộc giữa người quyết định đầu tư và chủ đầu tư rất ít, vai trò quản lý nhà nước chưa rõ ràng. Tài sản công mà giao cho một đối tượng quản lý thì sẽ không chặt chẽ.

Đầu tư công vốn đã “mất điểm” trong con mắt của mọi người dân. Luật Đầu tư công được kỳ vọng sẽ bước đầu siết lại công tác quản lý nhà nước về đầu tư công. Tuy nhiên, kể cả khi luật được ban hành và có hiệu lực thì mới chỉ về phần “hình thức”, còn “nội dung” là phải đưa luật vào thực thi ra sao? Việc “lấy điểm” này là câu chuyên vào cuộc của cả hệ thống chính trị.