Tác động của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 trên địa bàn Thanh Hóa

Thuế TNDN là công cụ quan trọng để Nhà nước thực hiện chức năng tái phân phối thu nhập, đảm bảo công bằng xã hội; là nguồn thu quan trọng của ngân sách nhà nước (NSNN). Bên cạnh đó, tại bất cứ quốc gia nào, thuế TNDN đều góp phần khuyến khích, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển theo chiến lược toàn diện mà Chính phủ đặt ra...

Thực tế cho thấy, trong những năm qua, thực hiện Luật thuế TNDN số 14/2008/QH12, chỉ riêng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa - một địa phương có số thu NSNN tương đối lớn, đã thấy những tác động hiệu quả của điều chỉnh giảm thuế suất. Tại thời điểm trên, mức thuế suất thuế TNDN phổ thông hạ từ 28% xuống 25% đã góp phần thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh.

Tuy mức thuế suất giảm nhưng số thu thuế trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa không giảm, ngoại trừ chính sách giảm thuế TNDN của Quốc hội năm 2009 cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) do suy thoái kinh tế.

Luật thuế thu nhập doanh nghiệp: Nhìn từ thực tiễn triển khai tại địa phương  - Ảnh 1

Qua công tác quản lý thuế nói chung, thanh tra, kiểm tra nói riêng cũng cho thấy: Với hành lang pháp lý khá chặt chẽ, việc quản lý thuế TNDN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được nâng cao rõ rệt, thể hiện vi phạm về thuế TNDN có chiều hướng giảm, số truy thu thuế TNDN qua thanh tra thuế các năm giảm dần.

Luật thuế TNDN năm 2008, quy định thu hẹp diện ưu đãi theo ngành nghề, lĩnh vực, chỉ áp dụng mức ưu đãi cao nhất cho các ngành, lĩnh vực mũi nhọn cần đặc biệt khuyến khích đầu tư và những địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn nhằm tập trung nguồn lực tài chính phát triển, giảm sức ép đầu tư từ NSNN. Quy định này cũng làm cho chính sách ưu đãi đầu tư bớt phức tạp và giảm thiểu sự không thống nhất, việc so sánh về bất bình đẳng trong thực hiện.

Luật thuế thu nhập doanh nghiệp: Nhìn từ thực tiễn triển khai tại địa phương  - Ảnh 2

Các quy định về căn cứ tính thuế cũng được quy định rõ ràng, minh bạch hơn. Với việc chỉ quy định nguyên tắc xác định các khoản chi phí khi tính thuế TNDN; đồng thời liệt kê các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

Như vậy, các khoản chi của DN không thuộc các khoản chi không được trừ và là khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, có hoá đơn chứng từ hợp pháp thì DN được hạch toán vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Quy định này đã tạo điều kiện và khuyến khích các DN tự giác hạch toán, kê khai đầy đủ rõ ràng và chịu trách nhiệm về việc kê khai, hạch toán của mình trước pháp luật.

Nhìn chung, các quy định tại Luật thuế TNDN năm 2008 và Nghị định số 124/2008/NĐ-CP hướng dẫn triển khai về cơ bản đã đáp ứng được mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh và góp phần thu hút vốn đầu tư nhưng vẫn đảm bảo số thu thuế cho NSNN.

Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp: Bước tiến mới

Chính sách thuế TNDN ra đời từ cải cách thuế bước 2. Từ đó đến nay đã có nhiều sửa đổi nhưng vẫn theo hướng đề cao chính sách thu hút đầu tư bằng ưu đãi về thuế. Theo đó, trừ những thu nhập từ hoạt động đặc thù (như chuyển nhượng vốn và chuyển nhượng bất động sản), phải hạch toán riêng không được hưởng các ưu đãi về thuế TNDN, các thu nhập khác còn lại phát sinh trong quá trình sản xuất - kinh doanh đều hòa chung vào kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh để được hưởng ưu đãi theo quy định.

Luật thuế thu nhập doanh nghiệp: Nhìn từ thực tiễn triển khai tại địa phương  - Ảnh 3

Những năm qua, chính sách thuế của Việt Nam đã quan tâm chú ý hơn đến khu vực DNNVV bởi khu vực này đảm bảo công ăn việc làm cho một tỷ lệ lớn lực lượng lao động. Mặt khác, xuất phát từ bản chất linh hoạt vốn có, khu vực DNNVV có thế mạnh là đổi mới kỹ thuật công nghệ nhanh, đóng vai trò vệ tinh cho các DN lớn, tạo nên một mạng lưới sản xuất vững chắc, ổn định trong nền kinh tế.

Bởi vậy, việc Dự thảo Luật thuế TNDN lần này đưa ra ưu đãi thuế suất đối với các DNNVV mức 20% là cần thiết và hợp lý, nhất là chúng ta đang trong thời điểm thực hiện tháo gỡ khó khăn đối với cộng đồng DN, ưu tiên tạo công ăn việc làm cho người lao động, chú trọng an sinh xã hội... Bên cạnh điểm mới này, Dự thảo Luật thuế TNDN lấy ý kiến toàn dân trước khi trình Quốc hội thông qua cũng đã có mức tính toán hợp lý giữa quyền lợi của Nhà nước và DN khi quyết định giảm mức thuế suất chung từ 25% xuống 23%. Mức giảm này tuy chưa quá lớn nhưng khá phù hợp với lộ trình cải cách chính sách thuế trong trung và dài hạn...

Có thể khẳng định, bản Dự thảo Luật thuế TNDN lần này tiếp tục đưa ra những sửa đổi tích cực để phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế, như tại khoản 5 Điều 1 dự thảo Luật có quy định: nới rộng tỷ lệ khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mại từ 10% lên 15%. Đây là quy định thoáng với hoạt động kinh doanh, thương mại, sẽ tích cực góp phần thúc đẩy thương mại tiêu dùng phát triển và có thể giúp DN nghiên cứu hạ một phần giá thành...

Việc bổ sung quy định về khống chế chi phí lãi tiền vay không được trừ vào chi phí đối với khoản vay vượt quá nhiều lần vốn chủ sở hữu, cụ thể là tỷ lệ 4:1 đối với DN sản xuất kinh doanh, tỷ lệ 10:1 đối với các tổ chức tín dụng, ngân hàng và lộ trình thực hiện từ năm 2016 cũng là một nét mới. Điều này không chỉ ngăn chặn tình trạng DN trốn thuế qua các hình thức tăng chi phí đòn bẩy tài chính mà còn góp phần lành mạnh hóa tài chính DN, giúp tình hình tài chính DN minh bạch hơn...

Qua nghiên cứu Dự thảo, nhiều ưu đãi quan trọng mang tính khuyến khích đối với DN mới, hoạt động đầu tư công nghệ cao, như bổ sung vào diện áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với: DN thành lập mới từ dự án đầu tư sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới không sử dụng nhiên liệu hóa thạch; phát triển công nghệ sinh học; bảo vệ môi trường; DN công nghệ cao, DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Trong điều kiện Việt Nam đang thực hiện cơ chế thị trường có sự định hướng của Nhà nước, sự sống còn, phát triển của DN luôn gắn liền với hiệu quả và bảo toàn sử dụng vốn, đặc biệt là vốn chủ sở hữu. Do đó, việc hoạch định và điều chỉnh chính sách thuế nói chung, thuế TNDN nói riêng là rất hệ trọng và phải được cân nhắc thỏa đáng kể cả về kỹ thuật lập pháp và thời điểm điều chỉnh. Vấn đề kịp thời của các quy định pháp luật (quy định sau Luật, nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành...) cũng nằm ở yêu cầu này.

Dự thảo sửa đổi luật thuế TNDN: Những điểm mới đáng lưu ý

Dự thảo sửa đổi Luật Thuế TNDN lần này sửa đổi 9/20 điều hiện hành, thuộc 6 nhóm vấn đề với 17 nội dung chính trong đó tập trung nhiều vào việc sửa đổi thuế suất và những quy định về thu nhập chịu thuế và thu nhập miễn thuế. Dự kiến, Luật Thuế TNDN sửa đổi lần này được trình Quốc hội vào tháng 5/2013 và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2014. Khi đó, thuế TNDN sẽ hạ từ 25% xuống 23%, với DN có quy mô vừa và nhỏ được áp dụng thuế suất 20% (dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có doanh thu dưới 20 tỷ đồng/năm). Cũng từ ngày 01/01/2016, với khoản vay vượt quá 4 lần vốn chủ sở hữu của DN, tiền lãi vay này sẽ không được khấu trừ vào chi phí trước khi tính thuế. Với một số lĩnh vực đặc thù như tín dụng, ngân hàng, tỷ lệ này sẽ cao hơn nhưng không quá 10 lần vốn chủ sở hữu. Việc áp dụng quy định này nhằm đảm bảo phản ánh đúng chi phí lãi vay phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, chống chuyển giá. Từ ngày 01/01/2014, đối với các thu nhập không thường xuyên như từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư... sẽ được bù trừ lỗ lãi. Trường hợp sau khi bù trừ mà vẫn bị lỗ thì DN được bù trừ với lãi của hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ tính thuế. Thay đổi về thuế suất lần này là nỗ lực thúc đẩy cải cách thuế. Với mức 23%, thuế TNDN Việt Nam sẽ thấp hơn của Ấn Độ (32%); Trung Quốc (25%) và bằng Thái Lan (23%). Ngoài ra, Dự thảo có nhiều ưu đãi quan trọng mang tính khuyến khích đối với DN mới, hoạt động đầu tư công nghệ cao, như bổ sung vào diện áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với: DN thành lập mới từ dự án đầu tư sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới không sử dụng nhiên liệu hóa thạch; phát triển công nghệ sinh học; bảo vệ môi trường; DN công nghệ cao.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 4 – 2013

Luật thuế thu nhập doanh nghiệp: Nhìn từ thực tiễn triển khai tại địa phương

ThS. Nguyễn Bá Phú - Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa

(Tài chính) Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là một loại thuế trực thu điều tiết vào lợi nhuận của các doanh nghiệp với căn cứ tính thuế là thu nhập và thuế suất. Như vậy, có thể nói đây là sắc thuế phản ánh và điều tiết tốt nhất, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Thực tế triển khai trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cho thấy, mỗi lần điều chỉnh giảm thuế đều có những tác động tích cực, giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất, từ đó dẫn đến tăng thu.

Xem thêm

Video nổi bật