Lương tối thiểu và vấn đề tăng trưởng

Theo daibieunhandan.vn

Theo Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Việt Nam TS. CHANG - HEE LEE, lương tối thiểu nên được xác lập dựa trên bằng chứng về tình hình kinh tế và thị trường lao động, để bảo đảm rằng mức lương tối thiểu mới giúp phát triển doanh nghiệp bền vững trong khi vẫn bảo vệ người lao động không bị trả lương quá thấp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Mục tiêu bảo đảm mức sống tối thiểu

Phóng viên: Quan điểm của ILO về mức tăng lương tối thiểu 6,5% cho năm 2018 của Việt Nam như thế nào, thưa ông?

TS. Chang - Hee Lee: Đây là quyết định chung của đại diện người sử dụng lao động và công đoàn thông qua Hội đồng Tiền lương Quốc gia. Tôi chắc chắn rằng quá trình đi đến đồng thuận về mức tăng lương tối thiếu không hề đơn giản, bởi mỗi bên đứng từ những lập trường và lợi ích riêng.

Có thể có nhiều luồng quan điểm về mức tăng 6,5%. Đại diện người lao động và công đoàn nói rằng không đủ để bảo đảm mức sống tối thiểu. Ngược lại, đại diện người sử dụng lao động, đặc biệt trong các ngành xuất khẩu, lại cho rằng sức cạnh tranh bị ảnh hưởng nếu lương tối thiểu tiếp tục tăng. Đây là những luận điểm có thể thấy ở hầu hết các quốc gia. Tuy nhiên, lương tối thiểu có thể có tác động khác nhau lên các nhóm người sử dụng lao động và người lao động.

Mặt khác, chúng ta cần nhìn vào những tác động tích cực mà mức lương tối thiểu mới có thể giúp tăng cầu nội địa. Lương tối thiểu không chỉ ảnh hưởng đến người lao động có mức lương sát mức sàn này, mà còn tác động đến cả những người nhận lương cao hơn thông qua việc điều chỉnh bậc lương trong doanh nghiệp.

Điều đó có nghĩa là lương tối thiểu tăng có thể giúp cải thiện thu nhập của đa số người lao động, từ đó tăng tiêu thụ nội địa và đóng góp vào tăng trưởng GDP. Bởi vậy, khi điều chỉnh lương tối thiểu, cần nhìn vào những tác động khác nhau.

Đại diện công đoàn cho rằng, lương tối thiểu cần bảo đảm mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình. Ông có thể cho biết ý kiến về nhận định này?

Đây là “đòi hỏi” xác đáng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Tất cả công đoàn trên thế giới đều có cùng mục tiêu bảo đảm mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ. Mức sống tối thiểu là khái niệm mang tính tương đối cả về mặt thời gian cũng như tùy theo quốc gia. Chẳng hạn, khi nền kinh tế phát triển hơn, danh sách nhu cầu tiêu thụ của con người cũng “dài” ra. 20 năm trước, nếu chúng ta có 3 bữa cơm mỗi ngày và mua được 1 chiếc xe đạp, thế có lẽ đã là đủ. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, những thứ này không còn là đủ nữa.

Cải thiện khả năng đại diện của công đoàn

Theo ông, lương tối thiểu nên được xác lập trên những căn cứ nào?

Theo tôi, Việt Nam có thể xem xét một vài gợi ý sau. Thứ nhất, lương tối thiểu nên được xác lập dựa trên bằng chứng về tình hình kinh tế và thị trường lao động, để bảo đảm rằng mức lương tối thiểu mới giúp phát triển doanh nghiệp bền vững trong khi vẫn bảo vệ người lao động không bị trả lương quá thấp.

Để làm được điều này, Việt Nam cần phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động tốt hơn. 

Thứ hai, cần tăng cường hơn nữa năng lực chuyên môn của Ban Thư ký, Hội đồng Tiền lương Quốc gia. Bộ phận này đóng vai trò quan trọng giúp cung cấp những phân tích số liệu kinh tế và thị trường lao động, để những người có vai trò quyết định (đại diện của Chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động) có thể đàm phán.

Việc tăng lương tối thiểu được quyết định thông qua đàm phán giữa người sử dụng lao động và người lao động. Theo ông, Việt Nam nên làm gì để cải thiện chất lượng thương lượng tập thể?

Lương tối thiểu là công cụ chính sách xã hội được thiết kế để bảo vệ người lao động không bị trả lương quá thấp. Về lý thuyết, lương tối thiểu tác động tới những người lao động ở dưới “đáy” của thang lương trong thị trường lao động Việt Nam.

Nhưng hiện tại, nhiều lao động không có kỹ năng hoặc kỹ năng thấp; hoặc ở các doanh nghiệp lớn trong ngành công nghệ cao cũng chỉ nhận mức lương tối thiểu hoặc nhỉnh hơn lương tối thiểu một chút. Để bù lại mức lương thấp, họ phải làm thêm giờ, thường vượt quá thời gian cho phép. Đó là do thương lượng tập thể kém phát triển.

Để thương lượng tập thể hiệu quả cần có tổ chức của người lao động hoạt động hiệu quả, có thể đại diện cho tiếng nói của người lao động và độc lập với người sử dụng lao động. Rất tiếc, hiện Việt Nam thường chưa làm được điều đó.

Nếu Việt Nam muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững và toàn diện, trong đó người lao động có thể được hưởng một cách công bằng những thành tựu của tăng trưởng kinh tế, phát triển thị trường trong nước thông qua tăng cầu nội địa, Việt Nam cần cải thiện khả năng đại diện của công đoàn và thương lượng tập thể tại nơi làm việc.

Xin cảm ơn ông!