Lý thuyết tài chính hành vi trên thị trường chứng khoán Việt Nam

TS. Đặng Văn Dân - Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua 16 năm hình thành và phát triển, song trên thực tế nhiều thao tác giao dịch trên thị trường còn nặng về cảm xúc, tâm lý… những vấn đề này tạo ra những tình huống bất thường cho thị trường. Trên góc độ lý thuyết tài chính hành vi, bài viết đưa ra lý giải về những tồn tại trên thị trường chứng khoán Việt Nam có liên quan đến yếu tố hành vi, qua đó đề xuất những giải pháp về mặt chính sách điều hành thị trường dựa vào các nguyên tắc tâm lý của con người.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nguyên lý cơ bản về lý thuyết tài chính hành vi

Lý thuyết kỳ vọng

Nhà đầu tư (NĐT) chứng khoán có khuynh hướng xem trọng khả năng bù đắp một khoản lỗ hơn là kiếm được nhiều lợi nhuận. Trong trường hợp khoản đầu tư có khả năng mang lại lợi nhuận, họ thích nắm chắc ngay khoản lợi nhuận hiện tại hơn là cố gắng tiếp tục đầu tư để thu được nhiều lợi nhuận hơn trong tương lai. Trong trường hợp ngược lại, khi khoản đầu tư có nguy cơ thua lỗ thì họ lại cố gắng duy trì với hy vọng tình hình sẽ khá hơn và có thể sinh lời trong tương lai bất chấp rủi ro thua lỗ nhiều hơn là rất lớn. Căn cứ vào thông tin chiều hướng tích cực trên thị trường, các NĐT mua cổ phiếu và sẽ nhanh chóng tiến hành bán cổ phiếu đó khi giá tăng và đạt được lợi nhuận mong muốn mà không phân tích khả năng tăng thêm lợi nhuận. Bởi lẽ, họ tin rằng giá cổ phiếu hiện đã phản ánh đầy đủ thông tin kỳ vọng.

Sự ghét rủi ro

Tính chất bất cân xứng trong tâm lý NĐT giữa những giá trị mà họ kỳ vọng vào lợi nhuận và thua lỗ, chính là sự ghét rủi ro. Nhiều bằng chứng thực nghiệm đã chỉ ra rằng, biến cố thua lỗ thì được cân nặng gấp nhiều lần so với biến cố lợi nhuận. Chẳng hạn như NĐT có xu hướng duy trì vị thế lỗ với hy vọng rằng giá cuối cùng sẽ phục hồi. Sự ghét rủi ro có thể giải thích cho hành vi của NĐT giữ chứng khoán bị lỗ quá lâu trong khi bán chứng khoán lời quá sớm.

Tính toán bất hợp lý

NĐT có xu hướng chia tách các quyết định vào các “tài khoản ảo” riêng trong trí não thay vì kết hợp chúng lại thành một thể thống nhất và thường xử lý các quyết định này độc lập, không chú ý đến tính tương quan của chúng. Cũng từ đó, họ đưa ra các quyết định nhìn tưởng là hợp lý, mà thật ra lại sai lầm.

Sử dụng tính toán bất hợp lý và định nghĩa hẹp, chúng ta có thể giải thích các hiện tượng như sợ thua lỗ, lựa chọn nghịch với sở thích và hiệu ứng phân bổ tài khoản, thể hiện cơ bản ở chỗ người ta sẵn sàng thực hiện ngay những lệnh mang lại lời nhỏ, nhưng trì hoãn không thực hiện lệnh dừng lỗ khi xuất hiện những khoản lỗ nhỏ. Hiệu ứng phân bổ tài khoản này cũng có thể được lý giải bằng sự tự lừa dối, sợ rằng nếu bán mà bị lỗ thì sẽ cảm thấy bản thân có quyết định đầu tư kém, hay sự tiếc nuối, tức lỡ bán rồi mà giá lên thì sao? Hiệu ứng phân bổ tài khoản cũng giúp lý giải một phần vì sao trong những thị trường tăng giá thì khối lượng giao dịch tăng cao hơn khi thị trường giảm giá tại các thị trường lớn.

Sự tự tin thái quá

NĐT thường cho rằng, bản thân họ tốt hơn những người khác, thường phóng đại những hiểu biết của mình. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, với các NĐT quá tự tin, họ giao dịch nhiều hơn những NĐT khác. Trạng thái quá tự tin làm tăng các hoạt động giao dịch bởi vì nó khiến các NĐT sẵn sàng về quan điểm của họ mà bỏ qua việc tham khảo thêm từ những nhà đầu tư khác.

Tự tin thái quá cũng làm tăng sự không đồng nhất trong niềm tin của NĐT. NĐT quá tự tin luôn quan niệm hành động của họ ít rủi ro hơn các NĐT khác cảm nhận. Nhiều khi những NĐT quá tự tin hiểu sai giá trị thông tin mà họ nhận được, không những tính xác thực mà còn sai cả ý nghĩa của thông tin. Tính tự tin thái quá mà một người có càng lớn thì rủi ro càng cao, danh mục đầu tư rất ít đa dạng hóa và chỉ tập trung vào những cổ phiếu mà họ tin tưởng.

Lệch lạc do tình huống điển hình

Con người trong sự hình thành phán đoán chủ quan có xu hướng phân loại các sự kiện là điển hình hoặc tiêu biểu, nó được xem như là khuôn mẫu tin cậy. NĐT đánh giá xác suất sự kiện trong tương lai dựa trên mức độ tương đồng với tình huống điển hình nào đó và điều này, khiến họ dự đoán về thị trường chứng khoán theo một khuôn mẫu mà quên đi rằng khả năng để thị trường phát tín hiệu giống nhau là rất hiếm. Ví dụ: Khi giá cổ phiếu tăng liên tục trong một thời gian dài như đã từng xảy ra ở Mỹ và Tây Âu từ năm 1982 đến 2000, hay Trung Quốc trong 10 năm trở lại đây, có nhiều NĐT quy kết lợi nhuận cao hiện tại có được từ cổ phiếu là việc “bình thường” khi nhìn vào các tình huống điển hình đó.

Tính bảo thủ

Khi điều kiện kinh tế thay đổi mọi người có xu hướng chậm phản ứng với thay đổi đó, họ gắn nhận định của mình với tình hình chung trong một thời kỳ dài hạn trước đó. Nghĩa là khi có tin nền kinh tế suy giảm, họ cho rằng, đây chỉ là tạm thời, dài hạn nền kinh tế vẫn đi lên, mà không nhận thấy có thể tin đó là tín hiệu cho một chu kỳ suy thoái dài hạn đã bắt đầu. Sau một khoảng thời gian nhận thấy tình hình vẫn chưa cải thiện thì mọi người đổ xô đi bán cổ phiếu. Kết quả, thị trường lại biến động bất thường.

Phụ thuộc vào kinh nghiệm

Những kinh nghiệm, quy tắc học được thường giúp người ta đưa ra quyết định nhanh và dễ dàng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nếu phụ thuộc quá nhiều vào các quy tắc đôi khi lại dẫn đến sai lầm, khi mà các điều kiện bên ngoài thường xuyên thay đổi. Đặc biệt, NĐT thường đề cao hiệu quả của những quy tắc đơn giản, gần gũi và dễ nhớ, kiểu hiệu ứng. Nguyên lý này giúp giải thích tại sao thị trường đôi khi có những hành xử một cách vô thức.

Tâm lý “bầy đàn”

Tâm lý “bầy đàn” luôn tồn tại trong quá trình ra quyết định của NĐT, bất kể việc họ có kinh nghiệm hay không. Ảnh hưởng của loại tâm lý này càng rõ nét khi NĐT đứng trước áp lực phải đưa ra quyết định nhanh chóng, mà không có đủ thông tin cần thiết. Khi cá nhân đối đầu với ý kiến của nhóm, họ có xu hướng thay đổi những câu trả lời của mình, vì họ nghĩ rằng, tất cả những người khác có thể không sai.

Những vấn đề đặt ra

Thứ nhất, đầu tư theo các NĐT tổ chức, NĐT nước ngoài.

Thực tế tại Việt Nam, các NĐT trong nước, NĐT nhỏ lẻ “mô phỏng” các NĐT nước ngoài, NĐT tổ chức. Hiện tượng này được lý giải bởi tính thiên lệch do tình huống điển hình. Với sự hơn hẳn về kinh nghiệm, kiến thức về chứng khoán và cả vốn, NĐT nước ngoài, NĐT tổ chức đã tạo ra một tình huống điển hình là họ có khả năng đánh giá đúng về thị trường và việc họ mua bán là đều có cơ sở đáng tin cậy. Chính điều này đã thúc đẩy các NĐT trong nước có hành vi đi theo các NĐT tổ chức, NĐT nước ngoài.

Khi cách nhìn nhận của NĐT trong nước khác với đám đông, họ thường cho rằng, khi đám đông đã nhất trí với đánh giá nào đó, thì đám đông chắc chắn sẽ đúng. Từ đó, họ sẽ thay đổi quan điểm của mình, hoà mình vào đám đông và đổ xô vào đầu tư chứng khoán theo định hướng của các NĐT nước ngoài, NĐT tổ chức.

Thứ hai, nắm giữ cổ phiếu ở trạng thái thua lỗ quá lâu.

Thực tế cho thấy, NĐT có khuynh hướng nhạy cảm với việc giảm giá hơn là tăng giá chứng khoán, hình thành nên hành vi giữ cổ phiếu thua lỗ quá lâu của nhiều NĐT. Hành vi này có thể giải thích bằng sự thiên lệch nguyên trạng, khi trong tình trạng thua lỗ thay vì hiện thực hoá lỗ thì họ chọn không hành động gì cả. Bởi với họ, không hành động cũng là một quyết định đầu tư. Sự thiên lệch nguyên trạng lý giải con người có xu hướng giữ nguyên hiện trạng, không thay đổi hành vi trừ khi có động cơ thúc ép.

Thứ ba, dự đoán chỉ số chứng khoán Việt Nam dựa theo thị trường thế giới.

Nhìn nhận chỉ số chứng khoán của một số nước trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc... để phán đoán chỉ số chứng khoán trong nước, hành vi phổ biến này xuất phát từ tính thiên lệch điểm tựa. Dạng thiên lệch này được cho là gắn liền với hành vi neo bám vào giá trị ban đầu – giá trị điểm tựa khi tính toán. Người ta luôn có sẵn trong đầu vài giá trị điểm tựa để tham khảo, ví dụ như giá cổ phiếu họ đã giao dịch trước đây. Khi có thông tin mới, NĐT sẽ điều chỉnh lên xuống quanh giá trị điểm tựa sao cho phù hợp, nhưng thường những điều chỉnh này là không đầy đủ với thông tin mới có được.

Với thiên lệch điểm tựa, NĐT chứng khoán quy kết diễn biến của thị trường chứng khoán quốc tế là một điểm tựa, để từ đó dự đoán tình hình thị trường Việt Nam qua các điều chỉnh chủ quan này. Nhiều NĐT cho rằng, nếu chỉ số chứng khoán ở Mỹ, hay Trung Quốc tăng điểm, thì chứng khoán Việt Nam cũng sẽ phủ “sắc xanh” và họ ồ ạt nhảy vào thị trường, dù rằng không có cơ sở khoa học nào lý giải cho mối liên hệ giữa các thị trường với nhau.

Thứ tư, đầu tư bất chấp cổ phiếu xấu- tốt.

Bất cập này thường xuất hiện trên thị trường chứng khoán Việt Nam và được lý giải bởi tính thiên lệch do điểm tựa. Chính điều này làm cho giá một cổ phiếu như gắn chặt với giá của một cổ phiếu khác, hay tỷ số P/E được neo liền với tỷ số P/E của cổ phiếu khác, mà không phân biệt tốt - xấu như thế nào. Thêm vào đó, quyết định đầu tư bị ảnh hưởng bởi tác động của thiên lệch do tình huống sẵn có. Theo đó, con người sẽ đánh giá khả năng xảy ra một sự kiện bởi sự dễ dàng sẵn có trong đầu họ, khiến họ chọn các khoản đầu tư thích hợp với vốn sống và trải nghiệm hạn hẹp của họ, điển hình như ngành nghề họ đang làm, khu vực họ sống hay nhãn hiệu mà họ quen dùng.

Thứ năm, mua bán dựa trên thông tin truyền miệng.

Một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam có thói quen tin tưởng vào người thân, bạn bè hơn là các phương tiện thông tin đại chúng. Do đó, những kiến nghị của những người này thường ảnh hưởng đến quyết định sau cùng của các NĐT. Nghiên cứu cho rằng, con người sẽ không thích sự mơ hồ – tình huống không nắm quy luật xác suất nhiều hơn so với không thích sự rủi ro – nắm rõ quy luật xác suất. Khi phải ra quyết định trong trường hợp quá mơ hồ, NĐT sẽ tìm đến những nguồn thông tin mà họ cảm thấy an tâm, tin tưởng từ những người thân quen.

Giải pháp chính sách trên nền tảng tài chính hành vi

Một là, dựa vào tâm lý đám đông.

Tác giả Malcolm Gladwell mô tả cách một số lượng nhỏ những người quan trọng có ảnh hưởng lớn trong cuốn sách “The Tipping Point” thành 3 nhóm: “the Mavens”, “the Connections” và “the Salesmen”. “The Mavens” là những người có kiến thức xuất sắc mà bạn cần lời khuyên của họ; “the Connections” có rất nhiều sự kết nối, vì thế thông tin của họ rất tiềm năng; “the Salesmen” là những người có quyền lực để thuyết phục ai đó thay đổi hành vi của mình. Vì vậy, người làm chính sách cần phải nhận thức sự hữu ích nhằm tạo ra sự thay đổi hành vi trên nhóm người đặc biệt quan trọng này và sẽ giúp lan truyền một sự thay đổi rộng lớn.

Hai là, dựa vào thói quen.

Những người làm chính sách muốn thay đổi hành vi của NĐT thì nên xem xét về vấn đề thói quen. Có thói quen nào cản trở đến việc thay đổi hành vi hay không? Nếu có thì chúng tác động như thế nào? Động cơ nào, tài chính hay phi tài chính, mà mọi người được trao cho để giúp họ thay đổi hành vi và những phản hồi nào có thể được đưa ra để giúp củng cố hành vi mới?

Ba là, cảm giác công bằng tác động tới hành vi.

Những người làm chính sách nên cố gắng xem xét cách mà mọi người nhận thức về hành vi được xác định phải thay đổi. Nếu nó được xem là xấu, có lẽ kém hiệu quả để đưa ra một hình phạt. Nếu là việc đúng để làm, sẽ kém hiệu quả khi đưa cho một phần thưởng tài chính. Mức độ của bất kỳ động cơ tài chính nào nên được cân nhắc cẩn thận – một sự trừng phạt lớn sẽ là một trở ngại và một khoản thù lao đủ cao trả cho người tự nguyện sẽ khuyến khích họ.

Bốn là, tự điều chỉnh hành vi.

Con người có mong đợi về hành vi của bản thân và cả nhận thức của người khác về hành vi của bản thân họ. Nếu cảm thấy đang làm một điều gì đó không thoải mái với thái độ, hay mong đợi của bản thân, thì người ta sẽ thay đổi thái độ và giá trị để chứng minh hành động của họ. Ở những nơi cần biểu hiện niềm tin, người ta có khuynh hướng thay đổi hành vi để giữ tính tương xứng với những niềm tin này. Theo cách này, cam kết rất quan trọng: khi một người hứa để làm một cái gì đó, họ có xu hướng gắn với hành vi này mặc dù có hay không có phần thưởng hay sự trừng phạt.

Vì thế, những người làm chính sách nên xem xét tính thực tế để yêu cầu mọi người thực hiện cam kết, và nếu thế, chọn cách nào làm cho những cam kết đó có hiệu quả. Những giải pháp mà người làm chính sách phải quan tâm: nhấn mạnh lời cam kết viết thay vì nói; tìm kiếm những nhóm người đưa ra lời cam kết hiệu quả; nên có những cam kết công chúng; giúp mọi người đưa ra quan điểm của họ và không nên sử dụng cưỡng ép để có những lời cam kết.

Năm là, quá tự tin và phản ứng thái quá.

Về bản chất, chúng ta thường đánh giá quá cao những gì chúng ta có thể tưởng tượng, đặc biệt nếu nó là một phần của sự sợ hãi. Ví dụ như giá cổ phiếu có thể lên, những thứ cho chúng ta một sự trải nghiệm ngắn. Ngược lại, chúng ta đánh giá thấp những thứ xảy ra thường xuyên, hay những thứ xảy ra trong tương lai. Điều này thường biểu hiện trong cách mọi người chọn phần thưởng ngắn hạn mà bỏ qua dài hạn, như đầu tư vào cổ phiếu ngắn hạn.

Vì vậy, người làm chính sách mà liên quan đến động cơ tài chính hay cản trở tài chính nên chú ý những thiên hướng trên của con người và sử dụng hiệu quả của thuyết “khung có sẵn”. Chẳng hạn, nếu việc trừng phạt được sử dụng cho sự không tuân thủ, thì thông tin được công bố về chúng nên được mô tả sống động để kích thích trí tưởng tượng đi vào suy nghĩ “một hình phạt thì quá khủng khiếp”. Ngược lại, nếu phần thưởng được sử dụng để làm tăng sự tuân thủ, những điều này nên được làm cho dễ thấy.

Sáu là, con người sẽ thụ động nếu bị dẫn dắt bởi quá nhiều thông tin.

Mọi người thường lo sợ cảm giác mình không có ích, không thể kiểm soát và khi họ có cảm giác đó, họ thấy mình không có năng lực để làm một thứ gì đó để thay đổi tình huống. Trái lại, họ có động lực để thay đổi những thứ tốt hơn khi họ cảm thấy có khả năng kiểm soát. Những thứ tác động khả năng kiểm soát là thông tin sự chọn lựa. Quá nhiều thông tin sẽ dẫn người ta đến cảm giác không có ích và thụ động.

Ví dụ, khi phân tích để quyết định mua cổ phiếu khác cổ phiếu mà mọi người đang đổ xô mua, nhưng nó quá phức tạp để giải quyết đến nỗi nhà đầu tư không biết bắt đầu từ đâu, vì thế họ sẽ bắt đầu hành xử giống như số đông để mua cổ phiếu. Còn đối với sự lựa chọn thì quá nhiều sự lựa chọn cũng có một ảnh hưởng xấu, khi đó chúng ta cảm thấy bị lấn áp và không biết chọn cái nào, từ đó thường không chọn gì cả. Thậm chí khi chọn, chúng ta sẽ cảm thấy không thoả mãn và nghĩ rằng mình có lẽ đã chọn sai.

Vì thế, người làm chính sách nên chú ý đến điều này, bởi vì quá nhiều thông tin hay sự lựa chọn có thể sẽ đẫn đến kém hiệu quả. Họ nên đảm bảo rằng những mục tiêu cá nhân không bị dẫn dắt bởi thông tin hay những luật lệ, thủ tục dài dòng. Đặc biệt những người làm chính sách nên nhận thức rằng con người không thích quá nhiều thông tin.

Như vậy, tài chính hành vi không mang lại bất kỳ “phép màu” đầu tư nào, nhưng chắc chắn một điều nó có thể giúp các NĐT nhìn nhận lại bản thân để cẩn thận dõi theo chính hành vi của mình, từ đó tránh mắc các sai lầm có thể gây ra thiệt hại trong đầu tư trên thị trường tài chính.

Tài liệu tham khảo:

1. Lucy F.Ackert và Richard Deaves (2013), Tài chính hành vi, NXB Kinh tế TP. Hồ Chí Minh;

2. Ngô Thị Xuân Bình (2010), Nghiên cứu lý thuyết hành vi trong việc ra quyết định đầu tư tài chính, Tạp chí Ngân hàng, số 21, tháng 11/2010;

3. Malcolm Gladwell (2000), The Tipping Point: How Little Things Can Make a Big Difference, Little Brown Publisher;

4. Richard Thaler (2003), A survey of Behavioral Finance, Handbooks of Economics series, North Holland;

5. Robert J.Shiller (2006), Human Behavior and the Efficiency of the Financial system.