M&A: Giải pháp hữu hiệu tái cơ cấu ngân hàng

Theo baocongthuong.com.vn

Diễn ra mạnh nhất trong giai đoạn 2011-2015, các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) đã giúp cho nhiều ngân hàng thoát cảnh đổ vỡ, từng bước hoạt động ổn định. Có thể nói, M&A được xem là giải pháp khá ưu việt trong tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Từ năm 2001 - 2015, đã có 9 tổ chức tín dụng (TCTD) được sáp nhập, hợp nhất; 4 TCTD được mua lại, tất cả đều trên nguyên tắc tự nguyện. Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), việc khuyến khích sáp nhập, hợp nhất trên cơ sở tự nguyện là chủ trương đúng đắn để cơ cấu lại các TCTD và giảm số lượng TCTD, đặc biệt là TCTD nhỏ, yếu kém.

Ông Bùi Huy Thọ - Vụ trưởng Vụ Quản lý cấp phép các TCTD (NHNN) - cho biết: Số lượng các TCTD, chi nhánh ngân hàng giảm dần thông qua M&A đã được rút giấy phép, đặc biệt là các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém.

Đồng thời, điều này cũng phản ánh sự thay đổi tích cực về tư duy, nhận thức của các chủ sở hữu các TCTD từ chỗ e ngại sang chủ động, tích cực hơn trong việc cơ cấu lại, đổi mới như là một tất yếu khách quan để định hướng chiến lược cho sự tồn tại, phát triển lâu dài, an toàn, hiệu quả bền vững.

Các thương vụ M&A không đơn thuần là chuyển quyền sở hữu mà sau đó, NHNN còn đồng hành và giám sát hoạt động của các ngân hàng khi được mua bán, sáp nhập lại nhằm bảo đảm ngân hàng được vận hành, hoạt động ổn định, hiệu quả. Các vấn đề yếu kém, tồn tại của TCTD sau M&A đã từng bước được xử lý, vì thế, các ngân hàng sau M&A nhìn chung đều hoạt động ổn định, chất lượng tài sản được tăng cường, các chỉ số an toàn đều được cải thiện.

Thực tế cho thấy, trên thế giới, M&A là một trong những biện pháp xử lý TCTD yếu kém phổ biến nhất và tại Việt Nam, hình thức này cũng được ưu tiên áp dụng. Tại Việt Nam, các hoạt động M&A các TCTD trong những năm qua diễn ra khá sôi động.

Với lợi thế là không sử dụng nguồn tài chính công, tận dụng tối đa nguồn lực tư nhân tham gia vào quá trình tái cơ cấu, không làm gián đoạn sự vận hành các chức năng của hệ thống, tối ưu hóa lợi thế kinh tế nhờ quy mô nên M&A trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam đã khá thành công.

Quá trình cơ cấu lại các TCTD đến nay chủ yếu sử dụng các nguồn lực của xã hội, kể cả đối với việc mua lại các ngân hàng yếu kém. Điều này không chỉ giúp hệ thống ngân hàng giữ được độ an toàn, phát triển ổn định mà các thương vụ mua bán, sáp nhập, hợp nhất thời gian qua còn góp phần để xử lý triệt để vấn đề sở hữu chéo.

Để bảo đảm cho hoạt động M&A ngân hàng được diễn ra suôn sẻ, phù hợp với các quy định của pháp luật và thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, NHNN đã ban hành nhiều quy định cụ thể.

Đơn cử như khuyến khích và tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia tái cơ cấu các TCTD yếu kém, trong trường hợp mua lại cổ phần vốn góp của TCTD yếu kém sẽ có thể được xem xét việc góp vốn vượt giới hạn sở hữu quy định và xem xét tạo điều kiện cho TCTD nước ngoài mua lại toàn bộ TCTD yếu kém trong nước và chuyển đổi thành TCTD 100% vốn nước ngoài.

NHNN đang xây dựng để sớm trình Thủ tướng Chính phủ Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý có hiệu quả nợ xấu giai đoạn 2016-2020. “Với những kết quả tích cực đạt được trong giai đoạn vừa qua và những ưu việt của giải pháp M&A, NHNN sẽ tiếp tục khuyến khích các TCTD thực hiện M&A trong thời gian tới” - ông Bùi Huy Thọ khẳng định.

Cùng với sự thay đổi đáng kể về nhận thức trong tư duy quản trị chiến lược của các TCTD, thời gian tới, xu thế M&A trong lĩnh vực ngân hàng sẽ tiếp tục diễn ra sôi động, mạnh mẽ, đồng thời phát huy vai trò quan trọng trong cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn mới.