M&A và sự vênh nhau giữa các luật

Theo laodong.com.vn

(Tài chính) Quy định về mua bán và sáp nhập doanh nghiệp phải là về nguồn vốn chứ không thể là tài sản như theo định nghĩa của Luật doanh nghiệp và Luật Cạnh tranh.

M&A và sự vênh nhau giữa các luật
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo Luật doanh nghiệp, hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) được chia thành 3 hình thức: Sáp nhập, hợp nhất và mua lại cổ phần. Trong khi đó, Luật Cạnh tranh cũng chia thành 3 hình thức: Sáp nhập, hợp nhất và mua lại doanh nghiệp.

Tuy nhiên, TS. Lưu Hương Ly- Vụ Pháp luật dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) lưu ý khái niệm “mua lại cổ phần” theo Luật doanh nghiệp và “mua lại doanh nghiệp" theo Luật Cạnh tranh là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.

Theo TS. Lưu Hương Ly, có sự khác nhau ở đây là bởi mua lại doanh nghiệp có nghĩa là công ty được mua trở thành công ty con của công ty mua, còn mua cổ phần có thể chỉ là việc nắm giữ một tỉ lệ cổ phần nhất định, chẳng hạn thông qua mua cổ phần của một công ty được niêm yết trên thị trường chứng khoán. “Nói cách khác, chỉ khi việc mua lại cổ phần của một công ty với tỉ lệ đủ để kiểm soát, chi phối công ty đó thì mới có thể gọi là mua lại doanh nghiệp" - TS. Lưu Hương Ly nói.

Bên cạnh sự vênh nhau về các khái niệm liên quan đến M&A giữa Luật doanh nghiệp và Luật Cạnh tranh, bản thân các khái niệm liên quan đến M&A trong Luật doanh nghiệp và Luật Cạnh tranh cũng chưa chính xác vì bán tài sản và nguồn vốn là câu chuyện hoàn toàn khác nhau. “Quy định về mua bán và sáp nhập doanh nghiệp phải là về nguồn vốn chứ không thể là tài sản như theo định nghĩa của Luật doanh nghiệp và Luật Cạnh tranh”, bà Ly nói.

Ngoài ra, theo một số chuyên gia, Luật doanh nghiệp quy định các công ty sáp nhập, hợp nhất phải là các công ty cùng loại là bất hợp lý. Hiện nay, một số địa phương trong đó có TP. Hồ Chí Minh cho rằng công ty TNHH MTV và công ty TNHH nhiều thành viên là hai loại hình doanh nghiệp khác nhau nên không đồng ý cho sáp nhập. Ngược lại, có một số địa phương khác thì cho rằng đây chỉ là hai hình thức tồn tại của cùng một loại hình doanh nghiệp đó là công ty TNHH nên vẫn được phép sáp nhập.

Tương tự, việc sáp nhập của công ty hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và công ty hoạt động theo giấy chứng nhận đầu tư cũng gặp khó khăn. Và trên thực tế các doanh nghiệp hoạt động theo hai hình thức trên đã bị các cơ quan có thẩm quyền từ chối cho sáp nhập vì có sự khác biệt về hình thức đăng ký hoạt động.

Chính vì những bất cập và sự vênh nhau như đã đề cập ở trên mà rất nhiều chuyên gia cho rằng cần phải luật hóa khái niệm M&A theo thông lệ quốc tế.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến cho việc bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật doanh nghiệp nên nhiều ý kiến đồng tình rằng Luật doanh nghiệp sửa đổi cần đưa ra quy định rõ ràng rằng nếu một công ty mua lại cổ phần/phần vốn góp của một công ty khác và giành quyền kiểm soát và chi phối hoạt động của công ty này thì mới được coi là hoạt động M&A.