Mấy vấn đề cần chú ý về thu ngân sách

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Cân đối ngân sách là cân đối quan trọng trong các quan hệ cân đối kinh tế vĩ mô. Quan hệ cân đối này hiện đang có một số vấn đề cần chú ý.

Các vấn đề lớn của thu, chi ngân sách Nhà nước từ mấy năm nay, đặc biệt là trong năm 2013, được nhận diện dưới các góc độ khác nhau.

Thứ nhất, nếu GDP là hiệu quả thì thu ngân sách là hiệu quả của hiệu quả. Tốc độ tăng GDP theo giá so sánh mấy năm nay bị thấp xuống (năm 2011 tăng 6,24%, năm 2012 tăng 5,25%, năm 2013 ước tăng 5,4%). Giá tiêu dùng tính bình quân năm cũng chậm lại (năm 2011 tăng 18,58%, năm 2012 tăng 9,21%, 10 tháng 2013 tăng 6,74%, khả năng cả năm tăng khoảng 7%). Như vậy, GDP tính theo giá thực tế vẫn còn nhỏ.

Thứ hai, trong khi GDP còn nhỏ, thì tỷ lệ tổng thu ngân sách/GDP đã phải giảm xuống theo mục tiêu đề ra cho thời kỳ 2011-2015 (từ 27,3% trong năm 2010, xuống 23-24% trong thời kỳ 2011-2015) và thực tế đã giảm xuống còn 25,3% trong năm 2011, còn 22,9% năm 2012, khả năng năm 2013 có thể thấp hơn (9 tháng đạt khoảng 22,2%). Nếu chỉ tính thu nội địa/GDP thì còn thấp hơn.

Việc tỷ lệ tổng thu ngân sách/GDP giảm xuống do nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân tổng quát là thực hiện phương châm “khoan thư sức dân”, “nuôi dưỡng nguồn thu” – phương châm quan trọng của chính sách thuế, trong điều kiện phải tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, ngân sách phải cắt giảm, giãn hoãn một số khoản thu.

Có nguyên nhân quan trọng do tăng trưởng GDP theo giá thực tế không cao (như đã nêu trên), trong khi số lượng doanh nghiệp bị ngừng hoạt động tiếp tục tăng (theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Anh Tuấn, số doanh nghiệp còn hoạt động có tới 66% doanh nghiệp làm ăn không có lãi tuy có thấp hơn tỷ lệ 69% của năm 2012).

Trong các nguồn thu, thu ngoài quốc doanh tăng 18%, thu từ khu vực FDI tăng 30%, còn khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 2%, đặc biệt thu từ 69 ngân hàng thương mại đã giảm tới 14%. Có nguyên nhân do tình trạng một số đối tượng cố tình chiếm dụng thuế (qua thanh tra, kiểm tra gần 44.700 doanh nghiệp, đã thu về cho ngân sách Nhà nước trên 8,9 nghìn tỷ đồng, giảm lỗ gần 8 nghìn tỷ đồng; thông qua thanh tra kiểm tra 1.223 doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, đã truy thu, phạt, hoàn thuế 481 tỷ đồng và giảm lỗ gần 1,7 nghìn tỷ đồng…).

Có nguyên nhân do tỷ lệ thực hiện dự toán thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu thấp xa so với tỷ lệ thực hiện chung. Tỷ trọng các khoản thu liên quan đến đai cũng giảm mạnh do số giao dịch và giá cả trên thị trường này giảm xuống.

Cơ cấu thu ngân sách chưa thật bền vững. Tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách còn thấp và giảm (năm 2010 chiếm 64,07% xuống còn 61,89% năm 2012, 10 tháng 2013 có khá hơn, đạt gần 65,3%), có nghĩa là còn tới trên dưới 35% tổng thu phụ thuộc vào các khoản thu khác, trong đó có 2 khoản lớn là thu từ dầu thô, thu từ hải quan... là những khoản thu không trực tiếp phản ánh hiệu quả của nền kinh tế và thường không ổn định.

Tỷ trọng của thu từ dầu thô đã tăng lên trong 2 năm nay (năm 2010 đạt 11,76%, năm 2011 đạt 15,65%, năm 2012 ước đạt 19,45%), nhưng 10 tháng 2013 chỉ đạt 15%. Khoản thu này phụ thuộc vào thị trường thế giới, đặc biệt là giá dầu. Tỷ trọng thu từ hải quan từ 2008 đến 2011 đã chiếm trên dưới 22% tổng thu, thì năm 2012 chỉ còn chiếm 17,7%; 10 tháng 2013 tỷ trọng khá hơn đạt khoảng 19%. Khoản thu này phụ thuộc vào lượng, giá, cơ cấu hàng nhập khẩu và thuế suất, mà thuế suất có xu hướng giảm vì Việt Nam thực hiện cam kết khi mở cửa hội nhập sâu rộng hơn. Ngay trong khoản thu nội địa, các khoản thu về nhà đất trong mấy năm trước chiếm trên dưới 9%, nhưng từ năm 2011 tỷ trọng đã giảm xuống mạnh.

Thứ ba, chi ngân sách. Trong các khoản chi, có 2 khoản chi lớn cần quan tâm.

Chi thường xuyên trong 10 tháng 2013 chiếm 70,9% tổng chi, chiếm gần 89,1% tổng thu và bằng 136,4% thu nội địa. Một trong những nội dung lớn của chi thường xuyên là chi lương. Chi lương có hai vấn đề ngược nhau: Tổng chi thì lớn, nhưng tiền lương bình quân còn thấp (thu nhập bình quân 1 tháng của lao động trong ngành hoạt động của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, quản lý Nhà nước, an ninh quốc phòng, bảo đảm xã hội đạt 3,88 triệu đồng, chỉ bằng gần 86,9% mức trung bình của lao động khu vực Nhà nước).

Vấn đề đặt ra là cần phải rà soát cả về tổ chức bộ máy, cả về biên chế để tinh giản. Trong điều kiện ngân sách khó khăn, các bộ, ngành, địa phương phải triệt để tiết kiệm chi, cắt giảm những khoản chi chưa thật cần thiết, chưa thật cấp bách như mua sắm ô tô, xây dựng trụ sở, tổ chức lễ hội, khởi công… Vì về thực chất đây là chi tiêu dùng chứ không phải là chi đầu tư.

Chi trả nợ, viện trợ 10 tháng chiếm gần 11,2% tổng chi, bằng gần 14,1% tổng thu. Đó là một tỷ lệ đã khá cao. Cần chú ý, phần thu ròng qua việc vay/trả nợ sẽ không còn lớn (theo tính toán sơ bộ chỉ còn khoảng 20%) và nếu sử dụng không hiệu quả thì gánh nặng nợ và trả nợ sẽ gia tăng.

Thứ tư, bội chi. Khi tỷ lệ thực hiện so với dự toán của thu ngân sách thấp hơn của chi ngân sách thì việc tăng tỷ lệ bội chi từ 4,8% GDP lên 5,3% là cần thiết. Tuy nhiên, việc tăng tỷ lệ bội chi là để tăng chi cho đầu tư phát triển; gắn với việc tái cơ cấu đầu tư công (cùng với ngân hàng, doanh nghiệp Nhà nước) để vừa ngăn lạm phát cao, vừa hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển.

Thứ năm, việc phát hành trái phiếu Chính phủ là cần thiết, nhưng cần nghiên cứu và có phương án cụ thể để trả nợ.

Thứ sáu, chương trình mục tiêu quốc gia tuy có nhiều tác động tích cực, nhưng cần rà soát để giảm trùng lắp, chồng chéo, nâng cao hiệu quả.

Một bài học kinh nghiệm về chống lạm phát cách đây 1/4 thế kỷ là “đối với ngân hàng thì vay lấy để cho vay”, “đối với ngân sách thì thu lấy để chi” có thể cần được tham khảo để vượt qua giai đoạn khó khăn về ngân sách hiện nay.