5 “điểm nhấn” đáng quên

Nhìn lại những diễn biến trên thị trường tiền tệ - ngân hàng năm 2012, có thể nói là năm đáng quên đối với các nhà quản lý và nhiều ông chủ ngân hàng. Sóng gió trên thị trường này có thể được phác họa dưới 5 điểm nhấn dưới đây:

Nợ xấu ngân hàng điểm yếu cốt tử của nền kinh tế. Nợ xấu trở thành chủ đề thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận, các phương tiện thông tin đại chúng. Đáng lo hơn, nợ xấu ngân hàng được nhiều chuyên gia nhận định là điểm yếu cốt tử của nền kinh tế. Ngày 21/8/2012, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết nợ xấu là 8,8%, với mức này, nợ xấu vào cuối năm 2012 khoảng 10 tỷ USD. Điều đáng nói là có thời điểm tốc độ tăng nợ xấu rất nhanh. Tuy nhiên, lãnh đạo NHNN khẳng định, nợ xấu vẫn nằm trong tầm kiểm soát vì phần lớn các khoản nợ đều được bảo đảm bằng tài sản thế chấp có giá trị cao hơn các khoản vay.

Thanh khoản và sự biến mất của ngân hàng. Năm 2012 ngoài việc chứng kiến sự biến mất của một số thương hiệu như Ficombank, TinNghiaBank khi phải sáp nhập với SCB, thì sự biến mất của Habubank với lịch sử hơn 20 năm phát triển khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Với khoản lỗ lũy kế 4.066 tỷ đồng, “cái chết” của Habubank được coi là “do tập trung tín dụng vào một số khách hàng lớn”, trong đó chỉ riêng 50 khách hàng lớn đã chiếm tới 65% tổng nợ của Habubank. Mất thanh khoản và không thể gượng nổi do các khoản nợ khó đòi, đặc biệt từ Vinashin và Công ty BianFish, Habubank đã đành “bán mình” cho SHB...

Cuộc chiến thâu tóm và chống thâu tóm ngân hàng. 2012 là năm mà cuộc chiến thâu tóm ngân hàng diễn ra khốc liệt, trong đó sự kiện Sacombank gây tốn nhiều giấy mực nhất. Từ cuối năm 2011 đã xuất hiện tin đồn về việc một nhóm cổ đông tích cực mua gom cổ phiếu Sacombank. Tháng 2/2012, nhóm thâu tóm (nắm giữ 51% vốn điều lệ) lộ diện khi đòi bầu lại ban lãnh đạo Sacombank. Đến tháng 5, câu chuyện khép lại khi 8 trong số 10 thành viên Hội đồng Quản trị mới của Sacombank đến từ Eximbank và SouthernBank. Ông Đặng Văn Thành thoái dần vốn khỏi Sacombank và đến nay rút hẳn khỏi Hội đồng Quản trị Sacombank. Dù thâu tóm thân thiện hay thù địch thì sự kiện Sacombank cũng đã thổi bùng nỗi lo bị thâu tóm.

Sự ra đi của hàng loạt CEO ngân hàng. Năm 2012 chứng khiến sự thay đổi hàng loạt CEO của các ngân hàng, phần nào phản ánh sóng gió đầy bất ngờ trên thị trường tiền tệ - ngân hàng. Thống kê cho thấy, có ít nhất 19 ngân hàng thay đổi CEO, từ các ông lớn như Techcombank, Sacombank đến ngân hàng nhỏ như Kienlong Bank, VietABank, VietCapital Bank... Một số ngân hàng lại thay CEO nội, cậy nhờ CEO ngoại như Techcombank, Marintime Bank… Kết quả làm ăn thua kém hiệu quả, nợ xấu tăng… là những nguyên nhân chính khiến nhiều CEO phải ra đi.

Nhiều sếp ngân hàng vướng vào vòng lao lý. Thông tin nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị ACB Nguyễn Đức Kiên bị bắt, chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank Đặng Văn Thành bị cơ quan công an mời lên làm việc mở ra một giai đoạn đen tối của các ông chủ ngân hàng. Không lâu sau, ông Lý Xuân Hải, nguyên Tổng giám đốc ACB cũng bị khởi tố. Tiếp đó, ông Trần Xuân Giá, nguyên Chủ tịch ACB và 3 nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang lần lượt từ nhiệm và bị liên quan đến vấn đề pháp lý do cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả kinh tế nghiêm trọng. Mới đây nhất, bà Nguyễn Thị Hương Giang, nguyên Phó Tổng giám đốc SeABank cũng đã bị cơ quan công an khởi tố...

Thời điểm hành động

Việc chậm tái cơ cấu và giải quyết nợ xấu không chỉ làm ảnh hưởng đến vốn cung ứng từ hệ thống NHTM cho nền kinh tế mà còn khiến nợ xấu và chi phí để tái cơ cấu và giải quyết nợ xấu tăng cao. Tuy nhiên, dù đã hơn một năm kể từ thời điểm Chính phủ quyết tâm tái cơ cấu mạnh mẽ hệ thống NHTM, tiến độ tái cơ cấu diễn ra vẫn khá chậm. Theo một số chuyên gia, tình trạng này là do thiếu thông tin và thiếu sự minh bạch; lợi ích nhóm đan xen lẫn nhau; và mối liên kết giữa hệ thống NHTM với thị trường bất động sản, doanh nghiệp nhà nước còn lớn. Hơn nữa, tái cơ cấu không chỉ là chuyện sáp nhập ngân hàng với nhau mà còn phải làm lành mạnh và nâng cao sức khỏe của từng ngân hàng và toàn hệ thống.

Hiện tại, kinh tế vĩ mô vẫn đang gặp khó khăn nên hoạt động tái cơ cấu sẽ khó khăn hơn và tốn nhiều chi phí hơn. Các nhà đầu tư sẽ ngần ngại khi tham gia bỏ vốn vào ngân hàng yếu kém. Với trần tỷ lệ sở hữu ở mức thấp 20% như hiện nay, sẽ rất khó khuyến khích các ngân hàng ngoại tham gia tích cực tái cấu trúc. Do vậy, theo ông Phạm Hồng Hải, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, có thể phải chấp nhận đóng cửa các ngân hàng yếu kém thay vì sáp nhập. Hơn nữa, việc sở hữu chồng chéo giữa các ngân hàng dẫn tới khó tái cấu trúc và sáp nhập. Các nhóm lợi ích sẽ phản ứng rất quyết liệt khi quyền lợi bị ảnh hưởng. Rõ ràng, cần mạnh tay với vấn đề lợi ích nhóm xuất phát từ sở hữu chéo và mạnh tay cắt bỏ những “khối u” trong hệ thống NHTM thì việc tái cơ cấu mới triệt để.

Khó khăn của kinh tế năm 2013 sẽ là rào cản cho việc tái cấu trúc hệ thống NHTM, song đây là thời điểm phải hành động. Quá trình tái cơ cấu phải được tiến hành nhanh để khôi phục khả năng tiếp cận tín dụng và niềm tin được duy trì trong hệ thống ngân hàng. Theo một số chuyên gia, có 3 việc cần làm ngay: Thứ nhất, cần khoanh vùng các NHTM yếu kém thuộc diện tái cơ cấu để không làm toàn bộ hệ thống bị ảnh hưởng bởi nhóm ngân hàng này. Các ngân hàng này sẽ phải tuân thủ quy chế riêng về cho vay, huy động và các nghiệp vụ khác. Thứ hai, tái cấu trúc hệ thống NHTM phải nằm trong tổng thể tái cấu trúc toàn bộ nền kinh tế. Do đó, cần tiến hành tái cơ cấu đồng thời với các lĩnh vực khác như doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công. Thứ ba, kế hoạch tái cấu trúc phải rất chi tiết, bao gồm kế hoạch thực hiện với thời gian cụ thể, thực hiện như thế nào, chi phí thực hiện ra sao, ai sẽ trả chi phí này. Ngoài ra, nên có quy định rõ ràng để kêu gọi vốn từ khu vực tư nhân, đặc biệt từ các ngân hàng ngoại tham gia vào quá trình tái cơ cấu.

Bài đăng từ Tài chính & Đầu tư số 1+2-2013

Mệnh lệnh từ cuộc sống

Tuấn Kiệt

(Tài chính) Năm 2012 có thể xem là năm sóng gió đối với ngành ngân hàng. Nhiều ông chủ ngân hàng rơi vào vòng lao lý, một số thương hiệu biến mất, cuộc chiến giữa thâu tóm và chống thâu tóm diễn ra khốc liệt, nợ xấu bùng phát… Năm 2013 dự báo tiếp tục sẽ là năm không yên bình nếu tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) không được tiến hành nhanh chóng và hiệu quả.

Xem thêm

Video nổi bật