Mô hình giá hiện hành trong kế toán: Nhìn từ góc độ kinh tế học

ThS. Nguyễn Tuấn Duy - Công ty Thẩm định giá và đại lý thuế Việt Nam

Trong những năm đầu thế kỷ XX, các nghiên cứu lý thuyết kế toán đã được các học giả về kế toán quan tâm, nhiều nhà nghiên cứu đã cố gắng tìm kiếm các mô hình tính giá khác thay thế cho mô hình giá gốc. Các nghiên cứu về mô hình giá hiện hành đã phát triển một hệ thống các quan điểm lý thuyết khá hoàn chỉnh làm cơ sở cho việc sử dụng rộng rãi mô hình giá hiện hành trong kế toán. Bài viết đưa ra góc nhìn lý thuyết về mô hình giá hiện hành trong kế toán nhằm giúp doanh nghiệp đầu tư, mua sắm tài sản ở mức giá tốt nhất.

Mô hình giá hiện hành chủ yếu đề cập đến việc điều chỉnh và ghi nhận biến động giá hiện hành của tài sản. Nguồn: Internet.
Mô hình giá hiện hành chủ yếu đề cập đến việc điều chỉnh và ghi nhận biến động giá hiện hành của tài sản. Nguồn: Internet.

Tổng quan nghiên cứu về mô hình giá hiện hành

Một trong những học giả đầu tiên nghiên cứu về giá hiện hành là Limperg, người Hà Lan. Ngay trong thập niên 1920, ông đã nghiên cứu và công bố về mô hình giá hiện hành.

Đến năm 1936, tại Mỹ, Giáo sư Sweeney đã đề xuất kế toán điều chỉnh theo mức giá chung và mô hình kế toán theo giá hiện hành trong tác phẩm “Kế toán ổn định”. Tác phẩm này được coi như sự khởi đầu cho những nghiên cứu một cách có hệ thống về mô hình giá hiện hành trong kế toán.

Cách tiếp cận kinh tế học trong kế toán được phát triển mạnh từ thập niên 1940, do ảnh hưởng của quan điểm kết quả kinh tế của nhà kinh tế học Hick. Trong đó, tiêu biểu là quan điểm của Edward và Bell trong giai đoạn 1960 - 1980 cũng như quan điểm về kết quả toàn diện được đề cập trong khuôn khổ quy định về kế toán cuối thế kỷ XX.

Năm 1961, Edward và Bell công bố tác phẩm “Lý thuyết về đo lường lợi nhuận kinh doanh”. Tác phẩm này được đánh giá là bước ngoặt cho sự phát triển các nghiên cứu lý thuyết về mô hình giá hiện hành, đặt nền móng cho các nghiên cứu tiếp theo về giá hiện hành trong những năm cuối của thể kỷ XX.

Kể từ sau khi công trình nghiên cứu của Edward và Bell được công bố, các nghiên cứu, tranh luận về giá hiện hành đã thực sự được các học giả quan tâm. Đặc biệt, trong thập niên 1970, các nước phát triển đối mặt với tình hình lạm phát cao, giá hiện hành đã được các tổ chức lập quy ở các nước sử dụng trong khuôn khổ quy định về kế toán ở Anh, Mỹ và một số nước khác.

Trong những năm tiếp theo, các nghiên cứu tranh luận về giá hiện hành vẫn còn tiếp diễn với các công trình nghiên cứu của Dean G.W và Well M.C “Kế toán theo giá hiện hành – nhận diện vấn đề” năm 1977; Edgar Adward “Kế toán theo giá hiện hành” năm 1975; Revsine Lawrence “kế toán theo giá thay thế” năm 1973; Rechard Samuelson “Biến động giá hiện hành có nên được phản ánh vào kết quả?” năm 1980.

Cơ sở lý thuyết của mô hình giá hiện hành

Cơ sở lý thuyết của mô hình giá hiện hành bao gồm những khía cạnh cơ bản sau:

- Mục tiêu của thông tin tài chính. Các nhà nghiên cứu về mô hình kế toán theo giá hiện hành cho rằng, mục tiêu của thông tin tài chính là giúp các chủ thể khác đánh giá các quyết định đã thực hiện trong quá khứ.

Sự kết hợp giữa thông tin quá khứ theo giá gốc và thông tin hiện tại theo giá hiện hành sẽ giúp việc đánh giá các quyết định trong quá khứ và dự báo được tương lai. Một mặt, mục tiêu của thông tin tài chính phục vụ cho các nhà quản trị doanh nghiệp. Mặt khác, khi thông tin hữu ích cho các nhà quản trị thì nó cũng hữu ích với các chủ thể khác là chủ sở hữu và chủ nợ.

- Khái niệm lợi nhuận kinh doanh. Hạt nhân của hệ thống lý luận cơ sở cho việc đề xuất sử dụng mô hình giá hiện hành trong lý thuyết của Edward và Bell cũng như các học giả khác là khái niệm “Lợi nhuận kinh doanh”. Lợi nhuận kinh doanh bao gồm hai bộ phận cấu thành chủ yếu, đó là: (i) Lợi nhuận hoạt động hiện hành; (ii) Các khoản tiết kiệm chi phí đã thực hiện.

Cụ thể, đối với lợi nhuận hoạt động hiện hành được xác định bằng chênh lệch giữa giá hiện hành của hàng hóa, dịch vụ đầu ra trừ đi giá hiện hành của các yếu tố đầu vào tương ứng. Còn đối với các khoản tiết kiệm chi phí đã thực hiện là các khoản gia tăng giá hiện hành của tài sản khi doanh nghiệp nắm giữ các tài sản này trong kỳ hiện tại.

- Giả định đơn vị hoạt động liên tục. Mô hình giá hiện hành được đề xuất áp dụng thay thế cho mô hình giá gốc. Tuy nhiên, mô hình này vẫn dựa trên cơ sở giả định đơn vị hoạt động liên tục. Theo cách tiếp cận của mô hình giá hiện hành, cho dù doanh nghiệp hoạt động một cách liên tục trong tương lai không xác định nhưng các tài sản cụ thể của doanh nghiệp thì luôn có vòng đời hữu hạn, vì vậy các tài sản này cần phải được đầu tư thay thế.

Khi đó, giá hiện hành để đầu tư, mua sắm tài sản là mức giá tốt nhất để đo lường và trình bày các tài sản này. Biến động giá hiện hành một mặt làm biến động mức khấu hao để đơn vị thu hồi vốn nhằm tái đầu tư vào tài sản. Mặt khác, biến động đó phản ánh chi phí cơ hội mà đơn vị đã tiết kiệm được do đã đầu tư vào tài sản trong quá khứ. Xét theo góc độ này, biến động giá hiện hành của tài sản có thể được ghi nhận là một yếu tố của thu nhập trong kỳ.

- Quan điểm bảo toàn vốn hiện vật. Việc đánh giá tài sản theo mô hình giá hiện hành dựa trên quan điểm bảo toàn vốn hiện vật. Theo đó, lợi nhuận được xác định trên cơ sở số vốn thực chất, tức là năng lực hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được bảo toàn.

Quan điểm này dẫn đến doanh nghiệp phải phản ánh các tài sản theo mức giá mua thay thế hiện hành, các chi phí được ghi nhận để trừ vào doanh thu trong kỳ cũng được xác định trên cơ sở chi phí thay thế của các nguồn lực đã được sử dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Quan điểm bảo toàn vốn hiện vật khác với quan điểm bảo toàn vốn tài chính (điều chỉnh giá trị của các yếu tố báo cáo tài chính theo mức giá chung) ở chỗ, từng loại tài sản phải được xem xét lại giá trị của nó theo mức giá hiện hành tại mỗi thời điểm lập báo cáo.

Nội dung của mô hình giá hiện hành

Mô hình giá hiện hành chủ yếu đề cập đến việc điều chỉnh và ghi nhận biến động giá hiện hành của tài sản. Giá hiện hành của các khoản nợ phải trả thường ít được đề cập.

Xác định giá trị ban đầu của tài sản

Theo mô hình giá hiện hành, các tài sản được ghi nhận ban đầu theo giá gốc. Nguyên tắc xác định giá gốc của từng loại tài sản trong từng trường hợp hình thành tài sản tương tự như mô hình giá gốc.

Xác định giá trị sau ghi nhận ban đầu của tài sản

Sau ghi nhận ban đầu, tài sản của đơn vị được đánh giá theo giá hiện hành (current cost). Giá hiện hành (còn được gọi là giá thay thế/ replacement costs) là số tiền, các khoản tương tương tiền mà đơn vị phải chi ra để mua sắm, để đầu tư hoặc sản xuất các tài sản tương tự như những tài sản doanh nghiệp hiện đang nắm giữ…

Ghi nhận biến động giá hiện hành

Giá hiện hành của tài sản/nợ phải trả được xác định mỗi khi lập báo cáo kế toán nói chung và báo cáo tài chính nói riêng. Biến động của giá hiện hành được ghi nhận vào lợi nhuận kinh doanh như một yếu tố được trình bày một cách riêng biệt trên báo cáo tài chính

Đánh giá mô hình giá hiện hành

Kể từ khi Edward và Bell công bố quan điểm của mình về giá hiện hành trong tác phấm kinh điển “Lý thuyết và đo lường kết quả kinh doanh” năm 1961 nhiều học giả đưa ra các nghiên cứu tranh luận về mô hình giá hiện hành.

Các quan điểm ủng hộ giá hiện hành:

(i) Do các tiến bộ khoa học công nghệ nên các tài sản chủ yếu của doanh nghiệp phải được thay thế một cách định kỳ. Việc phản ánh tài sản theo giá hiện hành một mặt cho phép ghi nhận vào chi phí của doanh nghiệp mức khấu hao, đảm bảo có thể tái đầu tư và duy trì năng lực sản xuất kinh doanh ổn định của doanh nghiệp, mặt khác, khi so sánh doanh thu với chi phí tính theo giá hiện hành thì chỉ tiêu lợi nhuận phản ánh hiệu quả kinh doanh thực sự của doanh nghiệp không chỉ trong ngắn hạn mà còn trong dài hạn.

(ii) Cơ sở logic cho việc ghi nhận các khoản biến động giá hiện hành vào lợi nhuận kinh doanh trong kỳ là xuất phát từ quan điểm cho rằng, khi giá hiện hành tăng, tức là chi phí thay thế tài sản tăng, việc doanh nghiệp đã đầu tư và nắm giữ tài sản tạo cho doanh nghiệp một khoản tiết kiệm chi phí mang tính cơ hội, bản chất của khoản tiết kiệm chi phí cũng là các khoản thu nhập cơ hội. Khi có đủ bằng chứng khách quan về biến động giá hiện hành, thì các khoản này cần được ghi nhận vào kết quả kinh doanh trong kỳ.

(iii) Trong điều kiện có thị trường hoạt động cho tài sản, việc xác định giá hiện hành của hầu hết các tài sản là khách quan và đáng tin cậy. Cho dù giá hiện hành không đạt được tính khách quan và tin cậy như giá gốc, song với quan điểm cho rằng thông tin kế toán không hướng tới một sự tin cậy tuyệt đối thì việc sử dụng giá hiện hành trong kế toán hoàn toàn phù hợp.

(iv) Bên cạnh các lập luận mang tính chuẩn tắc ủng hộ việc sử dụng giá hiện hành trong kế toán, một số nghiên cứu thực nghiệm trong thập niên 1970 và 1980 cũng đưa ra các kết luận ủng hộ giá hiện hành: Nhà nghiên cứu Louis, trong nghiên cứu thực nghiệm năm 1980 thông qua khảo sát các nhà quản lý cho thấy 61% các nhà quản lý cho rằng, giá hiện hành sẽ dần dẫn trở nên quan trọng hơn giá gốc nếu lạm phát còn tiếp diễn; Trong các nghiên cứu thực nghiệm của mình, Friedman, Buchman và Melicer nhận thấy có sự phản ứng của thị trường đối với thông tin theo giá hiện hành.

Các quan điểm phản biện giá hiện hành:

Các quan điểm phản biện giá hiện hành chủ yếu đến từ các học giả ủng hộ áp dụng giá gốc và giá đầu ra trong kế toán:

(i) Phần lớn các tài sản của doanh nghiệp, đặc biệt là các tài sản dài hạn được nắm giữ để sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh chứ không phải để bán, nên việc sử dụng một cơ sở tính giá khác không phải là giá gốc sẽ không phù hợp, không cung cấp thêm thông tin thích hợp đối với các chủ thể có lợi ích liên quan.

Một lý do quan trọng khác là, giá hiện hành được xác định cho các tài sản đang được sử dụng, thị trường hoạt động cho các tài sản này hiếm khi tồn tại trên thực tế. Vì vậy, việc xác định giá hiện hành cho các tài sản của doanh nghiệp khó đảm bảo tính khách quan và tin cậy cần có để được công bố trên báo cáo tài chính...

(ii) Một khía cạnh quan trọng của mô hình giá hiện hành là đề xuất ghi nhận biến động giá hiện hành vào lợi nhuận kinh doanh. Các học giả ủng hộ nguyên tắc thực hiện theo mô hình giá gốc kịch liệt phản bác quan điểm này. Họ cho rằng, biến động tăng giá hiện hành không chứng minh lợi ích kinh tế tăng thêm từ việc sử dụng tài sản trong tương lai. Vì vậy, việc ghi tăng lợi nhuận thực chất chỉ có trong tưởng tượng của doanh nghiệp.

(iii) Phản biện lập luận về sự tiến bộ kỹ thuật của Edward và Bell, các học giả như Thomas và Lemke cho rằng, các tiến bộ khoa học công nghệ sẽ tạo ra các tài sản thay thế các tài sản hiện tại, vì vậy giá hiện hành của các tài sản hiện tại và lợi nhuận tính trên cơ sở giá hiện hành không có khả năng dự báo về lợi nhuận trong tương lai.

(iv) Các nghiên cứu thực nghiệm phản biện mô hình giá hiện hành.

Một số nghiên cứu thực nghiệm được tiến hành trong những năm 1980 cũng cho kết quả nghiên cứu không ủng hộ việc sử dụng giá hiện hành:

- Ở Mỹ, nghiên cứu của Ro (1981) cho thấy việc công bố thông tin bổ sung theo giá hiện hành của các công ty theo quy định của FAS 33 và ASR 190 của Ủy ban chứng khoán không ảnh hưởng đến giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Điều này, chứng tỏ các thông tin này không ảnh hưởng đến quyết định của các nhà đầu tư.

- Nghiên cứu của Keith Stanga (1981) về phản ứng của các nhà cho vay thương mại đối với dữ liệu về giá hiện hành trong mối quan hệ so sánh với số liệu trên cơ sở giá gốc cho kết quả: cơ sở giá gốc được đánh giá là đáng tin cậy hơn.

- Một nghiên cứu tổng quan của Louis Harris và các cộng sự tiến hành phỏng vấn các giảm đốc và chuyên gia tài chính của các tập đoàn lớn, các công ty chứng khoán và công ty kiểm toán cho kết quả: 61% số người được hỏi tin rằng, giá hiện hành rất khó có thể thay thế cho giá gốc ngay cả trong điều kiện có lạm phát...

Về góc độ nghiên cứu, vấn đề tìm ra một mô hình tính giá khác thay thế cho mô hình giá gốc luôn là hướng nghiên cứu chủ đạo của các học giả trong suốt thế kỷ 20. Từ những năm 1930, Sweeny đã nghiên cứu để xuất về việc sử dụng giá đầu vào/giá thay thế trong kế toán thay thế cho giá gốc. Quan điểm của Macneal được phát triển thành lý thuyết hoàn chỉnh về mô hình giá thay thế bởi Adward và Bell trong những năm 1960.

Mô hình giá đầu ra càng được ủng hộ và chứng minh tính khả thi vào thập kỷ 1970, thập kỷ của lạm phát. Trên thực tế, mô hình này cũng được các tổ chức lập quy kế toán khuyến cáo áp dụng trong thời kỳ này với tư cách là các thông tin tài chính bổ sung.

Bước sang thập kỷ 1990, khi tình hình lạm phát ở các nước phát triển đã dịu bớt và tình hình kinh tế có những chuyển biến, đặc biệt là sự phát triển của thị trường chứng khoán, mô hình giá hiện hành ít được đề cập. Các tranh luận về kế toán hướng sang mô hình giá đầu ra với trọng tâm là việc sử dụng giá trị hợp lý trong kế toán.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Tài chính (2005), Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam, NXB Tài chính;

2. Y. Ijiri (1967), The foundation of Acconting Measurement, NXB Prentice Hall;

3. Robert Mautz (1973), A few words for historical cost;

4. Sterling Robert (1971.), Asset valuation and Income determination;

5. W.Paton (1922), Accounting theories, With special reference to the corporate enterprirse, Ronald Press Co;

6. Jammes McKeown (1973), Comparative application of market and cost based accounting models, Journal of Accounting research, Spring;

7. Nobes et al (2012), Comparative International Accounting, Prentice Hall;

8. Veron Kam (1990), Accounting theories, Wiley & Son.