Mô hình kinh tế nền tảng: Xu thế không thể đảo ngược

Theo Vũ Quang/daibieunhandan.vn

Chính sách phải đón đầu xu hướng và quy định theo hướng giúp nền tảng phát triển hơn nữa và có tác dụng lan tỏa đến toàn bộ hệ sinh thái kinh tế số.

Toàn cảnh buổi tọa đàm. Nguồn: Internet
Toàn cảnh buổi tọa đàm. Nguồn: Internet

Nhận định này được các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh tại Tọa đàm Xu hướng chính sách đối với kinh tế nền tảng do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 1/8.

Tối ưu về chi phí và giao dịch

Trong hơn một thập kỷ qua, thế giới đã chứng kiến sự xuất hiện của kinh tế nền tảng trong nhiều lĩnh vực, từ nông nghiệp, mạng xã hội, hàng tiêu dùng, giáo dục, năng lực, tài chính, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ cung ứng lao động, dịch vụ hậu cần và giao hàng, bán lẻ, vận tải và du lịch.

Các nền tảng được cho là có thể giúp cải thiện năng suất, giảm chi phí kinh doanh, giảm các khâu thiếu hiệu quả của các mô hình kinh doanh hiện tại, tạo ra các nhu cầu mới, thị trường mới, gia tăng sự linh hoạt, cũng như tăng khả năng tiếp cận thị trường cho người lao động và doanh nghiệp.

Kinh tế nền tảng là hoạt động kinh tế và xã hội dựa trên các hạ tầng nhất định và mặc định được hiểu là các hạ tầng kỹ thuật số. Đến nay loại phổ biến nhất là nền tảng giao dịch còn được gọi là trung gian kỹ thuật số.

Ví dụ về các nền tảng giao dịch như Amazon, Airbnb, Uber. Loại thứ hai là nền tảng đổi mới, cung cấp một khung công nghệ chung mà người khác có thể xây dựng chẳng hạn như nhiều nhà phát triển độc lập làm việc trên nền tảng Microsoft, Intel để tạo ra các sản phẩm mới và bán cho người khác.

Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, mô hình kinh tế nền tảng đã dần bộc lộ một số khuyết điểm cần đến sự can thiệp của Nhà nước để bảo vệ quyền lợi đối với người tiêu dùng, người lao động, chống thất thu thuế với các nền tảng hoạt động xuyên biên giới.

Đại diện của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam cho rằng, dường như Việt Nam chưa có một sự tiếp cận chính sách và ứng xử nhất quán, cũng như đang gặp phải nhiều khó khăn trong việc xây dựng các quy định đối với các mô hình kinh tế mới này.

Nhất quán, rõ ràng về quan điểm

Theo PGS., TS. Ngô Trí Long, trong xu hướng hiện nay, một nền tảng sẽ cung cấp kết nối cho nhiều ngành, thay vì chỉ trong lĩnh vực vận tải hay giao nhận hàng, thực phẩm, dược phẩm...

Nếu tất cả các ngành đều coi một nền tảng thuộc về lĩnh vực của mình thì khi xuất hiện một nền tảng mới sẽ lại phải mất tới 2 - 3 năm nữa để tranh cãi và tìm câu trả lời. Do đó, việc xây dựng một môi trường chính sách thuận lợi cho nền tảng phát triển là cần thiết.

Để làm được tốt điều này, các cơ quan quản lý cần phải hiểu rõ tính mới của mô hình kinh doanh nền tảng, để có tư duy mới trong quản lý và tránh khiên cưỡng áp quy định cũ vào mô hình mới. Quy định buộc các doanh nghiệp nền tảng phải đáp ứng quy định về vận tải hoặc thúc đẩy các doanh nghiệp vận tải chuyển sang làm ứng dụng kết nối, sẽ dẫn đến việc không đạt hiệu quả đối với xã hội.

Cùng với đó, việc nhận diện những tác động không mong muốn của nền tảng (như hành vi phạm tội của người dùng, nguy cơ giảm cạnh tranh trên thị trường, sự bất bình đẳng trong kinh doanh…) đối với từng ngành là cần thiết. Từ đó, mới có thể đưa ra các chính sách cụ thể nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực.

Quan trọng hơn cả, theo các chuyên gia kinh tế, Chính phủ cần có quan điểm nhất quán và rõ ràng về mô hình kinh tế nền tảng. Đồng thời, cần có một tầm nhìn bao quát cũng như có cơ chế phối hợp liên ngành tốt hơn khi soạn thảo chính sách liên quan đến kinh tế nền tảng.

Việc ban hành chính sách rời rạc theo từng ngành, thậm chí thiếu nhất quán sẽ làm ảnh hưởng đến mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số.

Theo xu hướng hiện nay, một nền tảng sẽ cung cấp kết nối cho nhiều ngành thay vì chỉ trong một vài lĩnh vực vận tải, giao nhận hàng, thực phẩm, dược phẩm… Nếu ngành nào cũng giành điều chỉnh hoạt động của nền tảng thì ngày mai khi xuất hiện một nền tảng mới cung cấp dịch vụ cho đa ngành thì chúng ta lại phải mất tới 2 - 3 năm nữa để tranh cãi ai sẽ là cơ quan quản lý.

Do đó, điều các cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm nhất hiện nay là chính sách đưa ra phải đón đầu xu hướng này và quy định theo hướng giúp nền tảng phát triển hơn nữa và có tác dụng lan tỏa đền toàn bộ hệ sinh thái kinh tế số.