Mô hình nào cho hệ thống giám sát tài chính của Việt Nam?

Theo daibieunhandan.vn

Về xây dựng mô hình giám sát tài chính, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam nên hướng tới xây dựng mô hình giám sát tài chính hợp nhất, trong khi một số ý kiến khác lại đề nghị nên hoàn thiện, tăng cường hiệu quả của mô hình giám sát tài chính theo chức năng như hiện nay. Dù lựa chọn mô hình giám sát nào thì Việt Nam cũng cần hoàn thiện về mặt pháp lý, chức năng và quyền lực của các tổ chức giám sát tài chính; hoàn thiện cơ chế phối hợp, công bố, cung cấp và hoàn chỉnh dữ liệu thông tin và chất lượng nguồn nhân lực cho hệ thống giám sát tài chính.

Mô hình nào cho hệ thống giám sát tài chính của Việt Nam?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thực trạng hệ thống giám sát tài chính

Trước bối cảnh thị trường tài chính phát triển ngày càng đa dạng, sáng tạo về hình thức và loại hình, đòi hỏi theo đó một mô hình giám sát tài chính tinh giản, gọn nhẹ, hiệu quả nhằm giúp hệ thống tài chính quốc gia hoạt động ổn định và giảm rủi ro. Hiện nay, hệ thống giám sát tài chính của Việt Nam được tổ chức theo mô hình giám sát theo chức năng. Theo đó, NHNN giám sát các tổ chức tín dụng, Ủy ban chứng khoán Nhà nước giám sát các tổ chức chứng khoán, Bộ Tài chính giám sát các tổ chức bảo hiểm. Ngoài ra, Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) cũng có vai trò tích cực trong việc tham mưu, tư vấn chính sách tài chính vĩ mô cho Chính phủ.

Tại Hội thảo bàn về thực trạng và triển vọng của hệ thống giám sát tài chính vừa được tổ chức, chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực cho rằng, hoạt động giám sát tài chính những năm qua tồn tại một số bất cập như thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, thiếu quy tắc và trách nhiệm rõ ràng, chưa có cơ chế quản lý và giám sát các tổ chức tài chính đa năng hoạt động theo kiểu tập đoàn tài chính và bán chéo tài sản. Mặt khác, nguồn lực cần thiết cho hoạt động giám sát như CNTT, nhân lực, dữ liệu thông tin còn thiếu và yếu; chuẩn mực kế toán Việt Nam và quốc tế vẫn còn có những điểm khác biệt. Vai trò của UBGSTCQG vẫn chỉ tập trung vào tham mưu, tư vấn mà thiếu thực quyền và địa vị pháp lý trong công tác giám sát hệ thống tài chính nói chung.

TA.Nguyễn Tú Anh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) đặt vấn đề: trong thực tế, hoạt động của ba thị trường tài chính là bảo hiểm, tín dụng và chứng khoán liên kết với nhau rất chặt chẽ. Người dân có thể đầu tư vào bảo hiểm, các công ty bảo hiểm lại đầu tư vào thị trường tín dụng và thị trường chứng khoán, các công ty chứng khoán có thể lại mua các sản phẩm của thị trường bảo hiểm, các tổ chức tín dụng có thể mua các sản phẩm của bảo hiểm… tất cả các mối quan hệ qua lại, đan xen nhau. Mô hình giám sát tài chính theo chức năng của Việt Nam có lợi thế tập trung vào chuyên môn hóa rất cao, các chuẩn mực được áp dụng trong từng trường hợp cụ thể rất chặt chẽ.

Tuy nhiên, theo ông giám sát được mối tương tác giữa các thị trường này với thị trường khác. Đặc biệt, khi xuất hiện các công ty tài chính đa năng đa ngành, họ có thể đầu tư vào các thị trường chứng khoán, bảo hiểm, tín dụng. Khi không có một sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan giám sát tài chính chuyên ngành thì các công ty này hoàn toàn có thể “lách luật” và thoát khỏi sự giám sát của các cơ quan chức năng, điều này kéo theo sự mất kiểm soát, mất an toàn của hệ thống tài chính.

Mô hình nào cho Việt Nam?

Xu hướng của thế giới những năm gần đây ngày càng hình thành nhiều mô hình giám sát tài chính hợp nhất. Mô hình này đang được thúc đẩy, mở rộng ra nhiều quốc gia, từ khoảng 20% các tổ chức giám sát tài chính hợp nhất cách đây khoảng 15 năm năm, hiện nay đã lên đến 31%. Tuy nhiên, mỗi mô hình giám sát tài chính đều có những ưu điểm và khuyết điểm, không có mô hình giám sát nào là siêu việt, lý tưởng. Tùy từng đặc điểm cụ thể của thị trường tài chính của trừng quốc gia mà quốc gia đó xây dựng hệ thống giám sát tài chính phù hợp, bắt kịp các thay đổi, biến động của thị trường tài chính. Ở Việt Nam, đã có nhiều nghiên cứu về mô hình giám sát tài chính. Có nghiên cứu cho rằng xu hướng của Việt Nam dần dần chuyển sang mô hình giám sát hợp nhất. Cũng có ý cho rằng nên tiếp tục củng cố, tăng cường các tổ chức giám sát chuyên ngành hiện có.

Ông Cấn Văn Lực nhận định, với quy mô thị trường tài chính nhỏ, mức độ tập trung cao của thị trường, tốc độ phát triển nhanh chóng của các tập đoàn tài chính và mức độ chuyển đổi tài chính nhanh chóng, Việt Nam có thể tiến tới chuyển đổi sang mô hình giám sát tài chính hợp nhất trong dài hạn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần phải khắc phục như quyền lực quản lý và giám sát, mục tiêu giám sát, tính độc lộc và trách nhiệm giải trình cùng quyền lực cưỡng chế của cơ quan giám sát. Quan trọng hơn, ông Lực cho rằng vẫn thiếu ý chí chính trị cần thiết.

Theo nhiều chuyên gia, một mô hình giám sát tài chính hợp nhất nếu được tổ chức khoa học có thể bảo đảm tính hiệu quả giám sát và hiệu lực thi hành cao, đặc biệt trong việc giám sát chéo hoạt động trong các tập đoàn tài chính kinh doanh đa ngành, tăng cường năng lực quản lý rủi ro. Ngoài ra, mô hình giám sát tài chính hợp nhất tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các sản phẩm tài chính; linh hoạt trong việc giải quyết các yêu cầu mới đặt ra của hệ thống tài chính; chính xác trong việc tổng hợp dữ liệu thông tin; tăng cường trách nhiệm của cơ quan giám sát khi không thể “đá bóng” sang người khác.

Bên cạnh đó, một số ý kiến chuyên gia lại nhận định, Việt Nam nên tiếp tục theo mô hình giám sát tài chính theo chức năng hiện tại. Cho rằng Việt Nam nên tập trung theo mô hình giám sát theo chức năng, ông Nguyễn Tú Anh nhấn mạnh, điều quan trọng là phải có cơ quan điều phối các cơ quan giám sát chuyên ngành theo chức năng. Cơ quan điều phối này tập trung điều phối giám sát tương tác giữa các thị trường, giám sát các công ty đầu tư đa ngành. Vai trò điều phối này nên giao cho UBGSTCQG.

Đồng quan điểm tiếp tục duy trì mô hình giám sát tài chính chuyên ngành theo chức năng, TS. Nguyễn Thị Kim Thanh (Viện Chiến lược Ngân hàng) cho rằng, nên có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan giám sát chuyên ngành. Cần thiết lập một cơ chế phối hợp hoạt động và trao đổi thông tin hiệu quả giữa các cơ quan giám sát chuyên ngành hiện nay nhằm tránh sự chồng chéo, bảo đảm giám sát tốt hơn các định chế tài chính đa ngành. Tăng cường năng lực giám sát tài chính cho các cơ quan chuyên ngành và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về giám sát tài chính.

Theo Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bản chất của hoạt động giám sát tài chính không phải quyết định ở mô hình giám sát hợp nhất hay theo chức năng. Điều cơ bản là hệ thống giám sát tài chính phải gắn với phát triển hệ thống thông tin chuẩn mực, phối hợp chia sẻ thông tin; đồng thời, xác định rõ chức năng, quyền hạn của các loại hình đầu tư tài chính. Tiếp đó là năng lực nghiệp vụ, năng lực phát triển công cụ giám sát, tính chuyên nghiệp của bộ máy giám sát. Dù là lựa chọn mô hình giám sát nào, thì Việt Nam cũng cần hoàn thiện về mặt pháp lý, chức năng và quyền lực của các tổ chức giám sát tài chính; hoàn thiện cơ chế phối hợp, công bố, cung cấp và hoàn chỉnh dữ lệu thông tin và chất lượng nguồn nhân lực cho hệ thống giám sát tài chính.