Mở lối đi cho dòng tiền

Lê Hiền

(Tài chính) Ngày 27/6/2013, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa đưa ra quyết định tăng tỷ giá thêm 1% và giảm trần lãi suất huy động từ 7,5% về 7%, đồng thời, bỏ trần lãi suất huy động trên 6 tháng.

Khơi thông dòng chảy của đồng tiền, là tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển. Nguồn: internet
Khơi thông dòng chảy của đồng tiền, là tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển. Nguồn: internet

Đánh giá về hiệu quả các động thái mới trong chính sách của Nhà nước

Việc giảm trần lãi suất sẽ giúp hạ lãi suất đầu ra, dòng tiền sẽ được bơm thêm vào nền kinh tế. Doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận vốn vay rẻ hơn.

Quyết định nới tỷ giá có thể giúp phản ánh chính xác hơn cung cầu ngoại tệ trên thị trường, đáp ứng nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp dịp cuối năm và giảm sức ép nhập siêu đang gia tăng gần đây.

Đánh giá về động thái mới này, nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực tài chính ngân hàng đều cho rằng, đây là nỗ lực của NHNN nhằm nới lỏng các điều kiện tín dụng, thúc đẩy cho vay, hỗ trợ cho tăng trưởng.

Việc tỷ giá được nâng lên cùng với điều chỉnh giảm lãi suất là tín hiệu cho thấy Nhà nước tiếp tục dùng chính sách tiền tệ để kích thích nền kinh tế để dòng tiền có thể chảy đúng chỗ.

Quyết định quan trọng nói trên được đưa ra trong bối cảnh tín dụng mới ở mức khoảng 3% so với kế hoạch 12% cho cả năm, và ngay trước thời điểm các ngân hàng sắp hoàn thành yêu cầu tất toán vàng huy động trong dân,  do vậy, được kỳ vọng là giúp đẩy dòng tiền chảy mạnh hơn vào nền kinh tế.

Cùng với việc Chính phủ đã và đang triển khai rất nhiều giải pháp để cứu doanh nghiệp, vực dậy nền kinh tế, cố gắng duy trì tốc độ tăng trưởng và thực hiện tăng trưởng bền vững thì mục đích đẩy tiền vào nền kinh tế sẽ hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp, giúp giảm thiểu số doanh nghiệp giải thế, phá sản do nợ xấu và giúp thị trường khởi sắc, giải quyết hàng tồn kho ứ đọng.

NHNN cũng quyết định giảm lãi suất huy động USD của cả tổ chức và cá nhân (tổ chức từ 0,5%/năm xuống 0,25%/năm và cá nhân từ 2% xuống 1,25%/năm). Đây được coi như một biện pháp trung hòa giúp ổn định tỷ giá sau nới lỏng, bởi lãi suất giảm, tỷ giá USD tăng lên thì cung USD cũng sẽ tăng lên. Lâu nay, khi tỷ giá USD ổn định và lãi suất tiền gửi VNĐ cao, người dân thường đổi USD lấy VND để thu được lãi suất cao hơn, nay lãi suất USD giảm xuống, điều này khiến việc đổi USD sang đồng Việt Nam có thể còn diễn ra mạnh mẽ hơn, do đó, nền kinh tế có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với tiền đồng.

Với tình hình lạm phát khá ổn định lâu nay, việc Nhà nước thành lập công ty mua bán nợ, giải cứu BĐS, mua ngoại tệ cũng đã kéo nền kinh tế đi lên. Các chính sách được đưa ra linh hoạt và được đánh giá là hợp lý và đúng thời điểm.

Nhận định về các quyết định mới của NHNN, không ít NĐT cho rằng, động thái này sẽ giúp chi phí vốn của doanh nghiệp thấp đi trong khi VND giảm giá ở mức vừa phải sẽ kích thích xuất khẩu.

Trong điều kiện kinh doanh khó khăn, dòng tiền ẩn náu vào các ngân hàng, kể cả USD và VND, tuy nhiên khi lãi suất huy động của cả hai loại tiền đểu giảm đi, việc gửi ngân hàng sẽ kém hấp dẫn hơn nhiều, dòng tiền sẽ  đến những nơi có triển vọng sinh lợi cao hơn. Lúc này các doanh nghiệp sẽ là địa chỉ được tìm đến, thị trường cứng khoán (TTCK) cũng không là ngoại lệ (tình hình khởi sắc của hai sàn HNX và HOSE trong tháng 6 đã cho thấy điều đó). Mặt khác, đa phần người dân vẫn thấy khả năng gửi tiết kiệm VND ở mức lãi suất 6-7% vẫn là một lựa chọn an toàn, do vậy, tiền vẫn được gửi ở ngân hàng và tín dụng ra nền kinh tế sẽ có giá thấp, đồng nghĩa với việc nợ xấu sẽ giảm.

Tuy nhiên, trong thực tế, dòng tiền vẫn chưa được khơi thông

Tình hình  nừa đầu năm 2013 khiến không ít nhà hoạch định chính sách và chuyên gia kinh tế trăn trở, đó là  nền kinh tế vẫn rất chật vật, sản xuất vẫn bị thu hẹp, ngân hàng vẫn khó khăn và tín dụng tăng trưởng rất chậm, TTCK vẫn chưa hồi phục, tồn kho còn nhiều...

Có một thực tế là nếu chính sách tốt nhưng việc thực thi không tốt thì kết quả thu về cũng không khả dĩ. Cụ thể:

- Thời gian vừa qua, dù Nhà nước quy định lãi suất huy động xuống còn 7,5% nhưng ở nhiều ngân hàng, lãi suất huy động vẫn được nâng lên tới trên 9%, thậm chí trên 10%. Lãi suất đầu ra theo đó có nơi vẫn ở mức rất cao, có khi lên tới 15-18%/năm, cá biệt tới hơn 20% (nếu tính đủ các chi phí). DN thiếu vốn, nhưng không tiếp cận được, ngân hàng thừa vốn, nhưng khó cho vay cũng không còn là hiện tượng đơn lẻ của từng ngân hàng nữa.

- Những hoạt động thâu tóm, mua bán, sáp nhập, các công ty sân sau, sở hữu chéo trong  ngân hàng... đã và đang tạo ra những vòng luẩn quẩn của dòng tiền. Chỉ khi dòng vốn ra khỏi vòng luẩn quẩn bởi một số ngân hàng, thì điểm nghẽn về vốn mới được khắc phục, việc tiếp cận vốn của DN mới dễ dàng  hơn.

- Gói kích cầu BĐS 30.000 tỷ được nhiều người có nhu cầu mua nhà mong đợi nhưng trên thực tế tiếp cận vốn từ gói này rất khó khăn, dường như vẫn chưa có người dân nào vay được từ nguồn này. Khối tiền này vẫn chưa tìm được lối giải ngân, dù Thống đóc Ngân hàng Nhà nước ra sức kêu gọi các ngân hàng thương mại tìm cách giải ngân nhanh cho người dân mua nhà ở xã hội.

- Vấn đề hàng tồn kho vẫn nan giải. Để giảm lượng hàng tồn kho,  biện pháp quan trọng là giảm giá, đưa hàng đến người tiêu dùng để kích cầu tiêu dùng. Muốn vậy, cần có sự phối hợp đồng bộ trong việc xử lý nợ xấu và hàng tồn kho của ngân hàng và DN, để gỡ nút nghẽn về vốn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, đến nay, giữa DN và ngân hàng vẫn chưa tìm được hướng giải quyết rứt điểm.

Có thể thấy, có chính sách tiền tệ đúng đắn chưa chắc đã phát huy tác dụng, để dòng tiền chảy đúng hướng còn cần nhiều chính sách khác như chính sách tài khóa, chính sách kích cầu, chính sách hỗ trợ,... .. Để hướng cho dòng tiền đi vào nền kinh tế, cần huy động tổng lực, trong đó, quan trọng là các công cụ thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách.