Thêm kỳ vọng…

Kế hoạch thành lập Công ty quản lý tài sản quốc gia để xử lý nợ xấu được Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ đã chưa thể thông qua. Xung quanh đề án gây nhiều tranh cãi này vẫn còn không ít ý kiến lo ngại và thiếu tin tưởng về tính khả thi khi áp dụng vào thực tế. Vấn đề được nhiều thành viên Chính phủ và chuyên gia kinh tế đặt ra là Công ty trên ra đời liệu nợ xấu của DN có được giải quyết và lấy đâu ra nguồn vốn quá lớn cho Công ty trong bối cảnh khó khăn hiện nay… “Do đó, việc thành lập Công ty quản lý tài sản quốc gia cần được nghiên cứu, tính toán hết sức thận trọng”- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Trong bối cảnh việc cho ra đời Công ty quản lý tài sản quốc gia còn đang đặt ra nhiều quan ngại thì dư luận, chuyên gia và một số thành viên Chính phủ tiếp tục hướng tầm nhìn và kỳ vọng vào DATC thuộc Bộ Tài chính. Nhiều chuyên gia kinh tế viện dẫn: Cho đến nay, DATC vẫn đang là đơn vị duy nhất tại Việt Nam thực hiện xử lý nợ, tái cơ cấu DN hiệu quả nhất và hoàn toàn có cơ sở để đặt kỳ vọng vào Công ty này tham có thể xử lý nợ xấu ngân hàng trong bối cảnh hiện nay. Thậm chí, đã có nhiều ý kiến đề xuất, nên chuyển đổi DATC thành Công ty Mua bán nợ Quốc gia, nâng đúng tầm năng lực tài chính, cơ chế để xử lý nợ xấu…

Cũng theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, điều này được dựa trên nền tảng DATC đã tạo dựng được trong gần 10 năm hoạt động với nghiệp vụ chuyên môn là mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN; xử lý nợ xấu, tái cơ cấu DN… Và đã vực dậy nhiều DN đứng bên bờ phá sản, âm vốn chủ sở hữu hàng trăm tỷ đồng trở lại hoạt động hiệu quả, có lãi, niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Với số vốn ban đầu là 2.000 tỷ đồng và mới được nâng lên thành trên 2.400 tỷ đồng, một số vốn không phải quá lớn so với bức tranh nợ của các DN và ngân hàng, nhưng DATC luôn vận dụng tốt mọi cơ chế hiện có và tiềm năng của đồng vốn để thực hiện các nhiệm vụ được giao trong suốt những năm qua. Kết quả mang lại là tính đến hết năm 2012, DATC đã mua lũy kế được khoảng trên 8.000 tỷ đồng nợ xấu từ các tổ chức tín dụng thông qua 120 phương án và hiện đang đàm phán khoảng 5.000 tỷ đồng nợ xấu khác. Trong 120 phương án mua nợ có 77 phương án xử lý theo hình thức tái cơ cấu DN và đến nay đã hoàn tất được 47 phương án…

Điều quan trọng hơn là nhiều DN đã được DATC giải cứu thành công, mang lại những “thắng lợi kép” cho DN, Nhà nước và xã hội. DN sau tái cơ cấu đã phục hồi phát triển, kinh doanh có hiệu quả, các chỉ tiêu về doanh thu, cổ tức, nộp ngân sách, thu nhập của người lao động được cải thiện. Nhà nước không những thu đủ thuế nợ đọng mà còn thu được hàng trăm tỷ đồng tiền thuế phát sinh hàng năm. Xã hội không bị lãng phí nguồn lực do phải xóa sổ DN mà còn được thêm công ăn việc làm cho người lao động và có điều kiện giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.

Tăng lực, đổi mới cơ chế

Dù đã gặt hái được một số thành công, song thực tế hoạt động của DATC luôn phải đối mặt với không ít khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quá trình xử lý nợ, tái cơ cấu DN. Cụ thể, đối với các DN do DATC thực hiện xử lý nợ, tái cơ cấu là sau tái cơ cấu, các DN cần có vốn lưu động nhất định để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, tất cả các DN đều không có khả năng đáp ứng quy định được vay vốn của ngân hàng, mà theo quy định DATC không được phép cho vay hoặc bảo lãnh cho các DN này vay vốn ngân hàng. Trong khi đó, việc chuyển nợ thành vốn góp của DATC lại không tạo ra dòng tiền mặt cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Vì không nhận được sự hỗ trợ kịp thời sau khi được tái cơ cấu tài chính nên nhiều DN tiếp tục rơi vào tình trạng khó khăn.

Năm 2012, DATC đã triển khai hàng loạt phương án mua bán nợ, điển hình như tại Tổng Công ty cổ phần dâu tằm tơ Việt Nam, Công ty Thực phẩm Miền Bắc, Công ty cổ phần Sản Xuất và Xuất Nhập Khẩu Thanh Hà, Công Ty Thủy Tinh Cam Ranh, CÔNG ty Nhựa Tân Hóa...

“Nghịch lý ở chỗ, DN thuộc sở hữu của mình thì phải đi vay ngân hàng với lãi suất cao, hoặc không thể tiếp cận vốn ngân hàng, trong khi hàng nghìn tỷ đồng vốn do DATC sở hữu vẫn phải gửi ngân hàng, không được giải ngân để giúp DN trong lúc khó khăn. Chúng tôi thấu hiểu điều này nhưng không làm gì hơn được vì vướng cơ chế…” – ông Phạm Thanh Quang - Tổng Giám đốc DATC thừa nhận.

Bên cạnh đó, mặc dù rất muốn tham gia mạnh vào xử lý nợ tại các ngân hàng nhưng không phải ngân hàng nào cũng muốn bán nợ cho DATC. Hiện có gần 20 công ty mua bán nợ của các ngân hàng, nhưng hoạt động này chủ yếu để làm đẹp số liệu trước các kỳ chốt sổ sách kế toán của quý hay năm tài chính. Như vậy, liệu các ngân hàng có muốn khai thật nợ xấu khi bán cho DATC hay không còn là một dấu hỏi lớn.

Khó khăn này được Phó Tổng Giám đốc DATC Phạm Mạnh Thường chia sẻ “các ngân hàng không muốn bán nợ cho DATC và nếu bán thì cũng bán với giá đắt đỏ thay vì chiết khấu nợ. Do đó, DATC đề nghị phải có chính sách bắt buộc các ngân hàng xử lý nợ xấu...”

Mặc dù vẫn còn nhiều rào cản về cơ chế, chính sách trong xử lý nợ xấu, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng, nên đặt trọng tâm việc xử lý nợ xấu hiện nay vào DATC bằng việc “tăng lực”, nâng tầm mô hình hoạt động mở rộng “chiếc áo” pháp lý cho DATC hơn là hình thành một pháp nhân non trẻ khác…

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 4 - 2013

Mở rộng “chiếc áo” pháp lý

ThS. NGUYỄN KIM CHUNG

(Tài chính) Xử lý nợ xấu, tái cơ cấu doanh nghiệp (DN) tiếp tục là chủ đề nóng tại nhiều diễn đàn của năm 2013. Để giải quyết hiệu quả vấn đề này mà ít gây tốn kém, lãng phí, nên chăng các cấp hữu quan cần chú trọng tới việc mở rộng chức năng, nhiệm vụ cho công ty mua bán nợ Việt Nam (DATC).

Xem thêm

Video nổi bật