Mở rộng tài khoá mới có thể tăng thu

Mạnh Bôn (Theo Baodautu)

Chiều ngày 31/10, Quốc hội thảo luận tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2012 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013.

Mở rộng tài khoá mới có thể tăng thu
Ông Thân Đức Nam, ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) cho rằng, năm 2013, để đạt mục tiêu thu ngân sách 807.000 tỷ đồng, cần phải thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Thưa ông, tài khoá là chính sách vô cùng quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp, vậy dư địa của tài khoá hiện ra sao?

So với kế hoạch, trong 9 tháng đầu năm, vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước mới đạt khoảng 71%; vốn trái phiếu chính phủ chỉ đạt 63,3%; vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước đạt 84%. Ba nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước năm nay không đạt kế hoạch, kéo tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2012 ước chỉ đạt 29,5% GDP (870.000 tỷ đồng), không chỉ thấp xa so với năm 2011 (đạt 34,6% GDP), mà còn không đạt mục tiêu đề ra (33,5% GDP). Số liệu này cho thấy, dư địa của tài khoá còn rất nhiều, nhưng không được sử dụng hết.

Hệ quả của việc không sử dụng hết tài khoá là gì, thưa ông?

Nhà nước không đầu tư hết số tiền dự kiến, nên không khuyến khích được các nguồn vốn khác tham gia đầu tư. Đây là một trong những nguyên nhân khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn. Tôi mới tiếp xúc với với lãnh đạo của khoảng 200 doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng và được biết, hoạt động sản xuất, kinh doanh của tuyệt đại đa số doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng gặp rất nhiều khó khăn, do không tiêu thụ được sản phẩm và tình trạng nợ nần dây dưa lẫn nhau, nợ ngân hàng, cũng như Nhà nước nợ doanh nghiệp diễn ra phổ biến.

Ngay như Cienco 5, đầu năm, chúng tôi đặt kế hoạch doanh thu 4.000 tỷ đồng, nhưng 9 tháng đầu năm mới đạt khoảng 1.700 tỷ đồng. Doanh thu giảm có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân quan trọng nhất là tình trạng Nhà nước nợ thanh toán công trình. Có không ít dự án, chúng tôi triển khai theo đúng kế hoạch, nhưng ngân sách vẫn không giải ngân. Ngân sách nợ thanh toán, trong khi chúng tôi vẫn phải trả lãi vay vốn ngân hàng, khiến lợi nhuận của đơn vị bị ảnh hưởng. Các doanh nghiệp ở những lĩnh vực khác cũng gặp khó khăn tương tự và lại kéo theo nhiều lĩnh vực khác của toàn nền kinh tế bị tác động đáng kể.

Thế còn năm 2013?

Năm 2013, về tỷ lệ tương đối, tổng vốn đầu tư toàn xã hội dự kiến chỉ bằng 29,7% GDP, cao hơn không nhiều so với năm 2012, nhưng về số tuyệt đối rất lớn (khoảng 1,003 triệu tỷ đồng). Trong đó, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước là 180.000 tỷ đồng, vốn trái phiếu chính phủ 45.000 tỷ đồng, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước 60.000 tỷ đồng.

Tôi cho rằng, Nhà nước cần phải đầu tư toàn bộ số vốn theo dự kiến mới thu hút được khu vực doanh nghiệp nhà nước, khu vực dân cư và doanh nghiệp tư nhân, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và các nguồn vốn khác tham gia. Nguồn vốn ngoài nhà nước, đặc biệt là của khu vực doanh nghiệp nhà nước, dân cư và doanh nghiệp tư nhân ngày càng tăng cả về số tuyệt đối lẫn tỷ trọng trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội (năm 2013, dự kiến 2 nguồn vốn đầu tư này tăng 20% và 29% so với ước thực hiện năm 2012), nhưng nguồn vốn ngoài nhà nước chỉ tăng đầu tư khi Nhà nước với vai trò là nhà đầu tư lớn nhất cũng phải tăng đầu tư.

Chính sách tín dụng thì sao, thưa ông?

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng đang “nhúc nhắc”. Nhưng câu hỏi đặt ra là, tiền giải ngân từ các ngân hàng thương mại có thực sự phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, hay lại rơi vào vòng luẩn quẩn là ngân hàng cho doanh nghiệp vay tiền để doanh nghiệp trả nợ gốc và lãi cho chính ngân hàng?

Tôi không dám chắc là có hiện tượng đảo nợ (cho vay khoản mới để trả nợ khoản vay cũ), nhưng thực tế, Cienco 5 là doanh nghiệp lớn, có uy tín, có thương hiệu mà đi vay cũng rất khó, thì doanh nghiệp nhỏ và vừa làm sao vay được. Nhiều doanh nghiệp cho biết, họ đã “gõ cửa” nhiều ngân hàng, nhưng việc vay vốn để đầu tư hết sức khó khăn.

Nhưng nếu mở rộng chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ, nguy cơ lạm phát quay trở lại sẽ rất cao?

Kiềm chế lạm phát phải thực hiện rất nhiều giải pháp khác nhau, nhưng nếu cứ quá lo sợ lạm phát quay trở lại và thực hiện thắt chặt quá mức tài khoá và tiền tệ, sẽ dẫn tới tình trạng doanh nghiệp bị “chết dần, chết mòn”.

Theo tôi, những doanh nghiệp nào yếu kém, hoạt động không hiệu quả, cần có giải pháp cho họ giải thể, phá sản; những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có khả năng phát triển đang gặp khó khăn nhất thời, nên có chính sách tài khoá, tiền tệ thiết thực để hỗ trợ họ vượt qua khó khăn. Bởi chỉ khi nào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phát triển trở lại, thì năm 2013, ngân sách nhà nước mới có thể thu được 807.000 tỷ đồng. Ngược lại, ngân sách nhà nước khó có thể cân đối được như dự toán và nợ xấu cũng khó có khả năng giảm.