Mới chỉ phạt "phần ngọn" nợ xấu

Theo nhandan.com.vn

(Tài chính) Theo các chuyên gia, vấn đề nợ xấu của Việt Nam chưa ở mức trầm trọng do áp lực không quá lớn. Những tháng gần đây, hệ thống ngân hàng đã tích cực xử lý nợ xấu, nhất là Chính phủ đã thành lập Công ty VAMC. Theo số liệu thống kê, đến nay hệ thống ngân hàng đã xử lý được hơn 101,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu bằng dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng (năm 2012 là 69,2 nghìn tỷ đồng và chín tháng đầu năm 2013 là 32,5 nghìn tỷ đồng).

Tính đến ngày 21/11/2013, VAMC đã mua được tổng số nợ xấu với số dư nợ gốc 18.398 tỷ đồng. Nguồn: internet
Tính đến ngày 21/11/2013, VAMC đã mua được tổng số nợ xấu với số dư nợ gốc 18.398 tỷ đồng. Nguồn: internet
Tính đến tháng 10/2013, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành trái phiếu đặc biệt mua nợ xấu cho Agribank, SaiGonBank, SHB, PGBank, PhuongNamBank, VietABank và Techcombank. Tính đến ngày 21/11/2013, VAMC đã mua được tổng số nợ xấu với số dư nợ gốc 18.398 tỷ đồng với giá mua 14.398 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng, tỷ lệ nợ xấu còn cao, đến cuối tháng 9/2013 là 4,62%. Việc xử lý nợ xấu còn gặp không ít khó khăn như: cơ chế chính sách xử lý tài sản bảo đảm tiền vay còn nhiều vướng mắc; thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán phục hồi chậm; sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng vẫn chưa được hạn chế và kiểm soát hiệu quả, ảnh hưởng đến sự lành mạnh trong hoạt động của các tổ chức tín dụng...

Để từng bước xử lý vấn đề nợ xấu, các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện linh hoạt các giải pháp đã đề ra, đồng thời, VAMC đưa ra lộ trình đến cuối năm sẽ mua tiếp khoảng 30 - 35 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Chủ trương đề ra trong năm 2014 là, VAMC sẽ xử lý khoảng 100 - 150 nghìn tỷ đồng nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Đến hết năm 2015, phấn đấu xử lý được số nợ xấu hiện nay, hệ thống ngân hàng thương mại trở lại hoạt động bình thường, an toàn, lành mạnh.

Chuyên gia Võ Trí Thành cho rằng: Trong bối cảnh các công cụ của chính sách tiền tệ chưa đủ mạnh và đủ hiệu quả, chưa phải Ngân hàng Nhà nước đã nắm thật chắc, nhưng thị trường tiền tệ đã hoạt động bình thường và tốt hơn. Việc sử dụng các công cụ đã linh hoạt hơn. Việc kiểm soát cung tiền trong mục tiêu ổn định có thể coi là được.

Dẫu vậy, một số chuyên gia nhận định, hệ thống quy chuẩn an toàn tài chính hiện nay của Việt Nam chưa đủ mạnh. Tại hội thảo "Tăng cường giám sát và lành mạnh hóa hệ thống tài chính" do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương Đảng và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia phối hợp tổ chức ngày 18/12, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn cho rằng, tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo với sự liên thông của cả ba khu vực ngân hàng, chứng khoán, doanh nghiệp đã làm méo mó và lệch lạc các dòng chảy tiền tệ trong nền kinh tế và được coi là một trong những nguyên nhân gây nên những bất cập của hệ thống tài chính trong thời gian qua. Vụ Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) kinh doanh vi phạm pháp luật, trốn thuế đến hàng nghìn tỷ đồng là một thí dụ.

"Tái cấu trúc thị trường tài chính Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc khắc phục những hậu quả như nợ xấu, thanh khoản mà hơn thế nữa, chúng ta phải thay đổi căn bản về thể chế, cấu trúc thị trường và cả tư duy chính sách để kiến tạo một nền tảng tài chính vững mạnh, đảm đương được vai trò phân bổ nguồn lực xã hội một cách có hiệu quả, đồng thời bảo đảm ổn định tài chính để phát triển bền vững" - ông Ngoạn nói.

Đồng tình với quan điểm việc khắc phục hậu quả chỉ là giải quyết "phần ngọn" trong vấn đề xử lý nợ xấu, một số chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần đánh giá chính xác các khoản nợ xấu tồn đọng. Bước tiếp theo là thiết kế và thực hiện một đề án xử lý nợ hiệu quả, cải tiến sự minh bạch, thêm các chế tài để buộc các doanh nghiệp phải minh bạch. Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hệ thống tài chính - ngân hàng thông qua các cơ quan kiểm tra, giám sát độc lập. Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện môi trường pháp lý để đưa các tổ chức tín dụng vào hoạt động an toàn, hiệu quả.