Mối lo nợ xấu vẫn chưa nguôi!

Theo thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành văn bản số 8421 yêu cầu các ngân hàng báo cáo số liệu nợ xấu theo hướng dẫn của Thông tư 02. Điểm khác biệt chính trong số liệu báo cáo nợ xấu lần này là nợ tái cơ cấu sẽ được tính vào nợ xấu. Rõ ràng, mục tiêu của cơ quan này là muốn thấy được bức tranh nợ xấu trước cuối năm để lường trước những tác động, khi Thông tư 02 chính thức có hiệu lực, từ tháng 6/2014.

Nỗi lo "nợ xấu" không lúc nào nguôi ngoai trong hệ thống ngân hàng. Nguồn: internet
Nỗi lo "nợ xấu" không lúc nào nguôi ngoai trong hệ thống ngân hàng. Nguồn: internet

Không lo sao được, khi mà nợ xấu vẫn đang trong xu hướng tăng. Trong khi đó, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn và tăng trưởng tín dụng, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng tái cơ cấu nợ theo Quyết định 789.

Tại phiên giải trình với đại biểu Quốc hội mới đây, Thống đốc NHNN, ông Nguyễn Văn Bình, ước tính nợ tái cơ cấu tính cho đến nay khoảng 300.000 tỷ đồng, khoảng 10% tổng dư nợ tín dụng. Tuy nhiên, khi Thông tư 02 chính thức có hiệu lực thì Quyết định 789 sẽ hết hiệu lực và khoản nợ được tái cơ cấu này sẽ được trở về đúng tên. Nếu không nắm rõ, rất có thể nền kinh tế lại chịu thêm một "cú sốc" nữa mang tên "nợ xấu".

VAMC chỉ xác nhận nợ

Mới đây, Ủy ban Kinh tế Quốc hội có đưa ra nhận định rằng thị trường vẫn đang vật lộn với nợ xấu và chưa có phương án hữu hiệu để xử lý, làm lành mạnh hệ thống, tạo tiền đề cho những cải cách sâu rộng tiếp theo.

Nhận định này cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều chuyên gia, vì trên thực tế, VAMC không phải là công ty mua nợ mà chỉ là công ty xác nhận nợ.

"VAMC kiểm chứng lại tài sản nợ xấu của ngân hàng thương mại (NHTM) đang bị doanh nghiệp mắc nợ. Nếu khoản nợ xấu đó đã trích lập dự phòng 20% rồi thì khoản nợ 100 tỷ đồng chỉ được xác nhận là 80 tỷ đồng. Nó giống như trạm đầu tiên của NHNN trước khi quyết định cho NHTM có nợ xấu vay. Như vậy, nó là đơn vị thẩm định bước đầu về tài sản nợ xấu của NHTM", TS. Trần Hoàng Ngân, chuyên gia tài chính nhận định.

Nếu vậy, vì sao các NHTM tiếp tục "xếp hàng" đem nợ xấu đến bán cho VAMC? Theo lý giải của TS. Trần Hoàng Ngân, là bản thân ngân hàng đã không che giấu được nữa. TS. Hoàng Ngân cho rằng đây là cách làm hay vì làm giảm áp lực cạnh tranh vốn. Hiện nay, tình trạng cạnh tranh trong huy động vốn đã giảm đi vì NHTM có được nguồn vốn vay từ NHNN. Hơn nữa, nợ xấu được chuyển qua "tiền trạm" VAMC sẽ giúp các ngân hàng có thời gian "bồi bổ" cơ thể. Có thể, với tình hình hiện nay, sẽ không ai dám mua nợ xấu, vì thị trường bất động sản chưa khởi sắc. Nhưng để lại ở chỗ VAMC thêm vài năm cũng sẽ có những chuyển biến khác.

Một lý do nữa, cũng như NHNN, các ngân hàng đang rốt ráo chuẩn bị cho thời hạn áp dụng Thông tư 02. Theo ông Trần Xuân Quảng, Phó Tổng Giám đốc MaritimeBank, việc bán dần nợ xấu cho VAMC là để phòng sang tháng 6/2014 áp dụng Thông tư 02 có thể xảy ra những tác động đột biến trong hoạt động ngân hàng.

Bởi Thông tư 02 yêu cầu chặt chẽ hơn về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro của các tổ chức tín dụng (TCTD), khi đó, chắc chắn nợ xấu sẽ tăng. "Do vậy, nếu không tăng tốc xử lý nợ xấu thì có nguy cơ tự làm khó mình khi nợ cũ chưa kịp xử lý, nếu cộng thêm khoản nợ xấu mới sẽ khiến các ngân hàng trở tay không kịp", ông Quảng cho biết.

Ngồi trên "đống lửa"

Theo tài liệu NHNN gửi tới Quốc hội mới đây, đến cuối tháng 9/2013, tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng là 4,62%, tăng so với mức 4,08% của cuối năm 2012 và 3,07% cuối năm 2011. Tổng số dư nợ xấu toàn hệ thống là 142.330 tỷ đồng, tăng 23.900 tỷ đồng (tăng 20,2%) so với cuối năm 2012. Tốc độ gia tăng nợ xấu bình quân trong 9 tháng đầu năm 2013 là 2,2%/tháng, giảm đáng kể so với tốc độ tăng bình quân 3,91%/tháng trong năm 2012 và giảm mạnh so với tốc độ tăng bình quân 6,7%/tháng trong 9 tháng đầu năm 2012.

Theo đánh giá của NHNN, quy mô nợ xấu đến nay lớn và tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ tăng nhanh cho thấy nợ xấu của các TCTD tiềm ẩn và đã được tích lũy trong một thời gian dài, đặc biệt là thời kỳ nới lỏng chính sách kinh tế vĩ mô để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhanh. Từ quý IV/2011 trở lại đây, nợ xấu bắt đầu lộ diện khi môi trường kinh doanh xấu đi, tín dụng tăng chậm và Chính phủ triển khai quyết liệt các giải pháp cơ cấu lại các TCTD.

Bởi vậy, NHNN cần phải thu thập thông tin để nắm được tác động có thể xảy ra của Thông tư 02 đối với số liệu nợ xấu khi thông tư này có hiệu lực vào tháng 6/2014. Hơn nữa, NHNN sẽ có cái nhìn thực tế hơn về mức độ chất lượng tài sản hiện tại của hệ thống ngân hàng. Từ đó đưa ra một lộ trình rõ ràng hơn để thấy được số lượng nợ xấu sẽ được hoán đổi/bán cho VAMC và xây dựng các bước chuẩn bị cần thực hiện trước khi áp dụng Thông tư 02.

Một điều dễ thấy nữa, đó là, nợ xấu đang tác động trực tiếp đến tăng trưởng tín dụng. Do vậy, nếu không có cái nhìn thực tế về nó, NHNN sẽ rất khó xây dựng chính sách tiền tệ phù hợp với điều kiện thực tiễn và tăng trưởng tín dụng sẽ khó đạt.

Theo khuyến nghị của nhiều chuyên gia, năm 2014 nên tập trung xử lý nợ xấu nên tăng trưởng tín dụng chỉ nên dao động trong khoảng 10 - 12%. Tuy nhiên, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ, cho rằng nếu xử lý nợ xấu tốt, tăng trưởng tín dụng năm 2014 sẽ đạt khoảng 15%.