Môi trường đầu tư của Việt Nam và những vấn đề đang lo ngại

Nguyễn Lộc

(Tài chính) Môi trường kinh doanh của Việt Nam đang kém hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài so với các nước lân cận. Các doanh nghiệp châu Âu đang thể hiện sự lo ngại về tình hình kinh doanh hiện tại, lạm phát tăng và triển vọng của nền kinh tế vĩ mô xét về tổng. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đã cân nhắc việc chuyển công việc kinh doanh sang một thị trường ASEAN khác. Đó là kết quả đánh giá của bà Nicola Connolly – Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp EuroCham, trong hội nghị giữa lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và các nhà đầu tư nước ngoài, được tổ chức sáng 30/8.

Toàn cảnh hội nghị. Nguồn: FinancePlus.vn
Toàn cảnh hội nghị. Nguồn: FinancePlus.vn

Bà Nicola Connolly cũng cho biết thêm, kết quả cuộc khảo sát lần thứ 12 về chỉ số kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu hàng quý do EuroCham thực hiện vừa kết thúc trong tháng 8, có 38% doanh nghiệp đánh hài long với môi trường kinh doanh hiện tại, 28% doanh nghiệp chưa hài lòng. Tuy nhiên, xét về tương lai, triển vọng kinh tế khi tham gia được đánh giá sẽ tiếp tục cải thiện với lượng phản hồi tích cực tăng lên 51% so với mức 43% của quý.

Một trong những mối lo ngại của các nhà đầu tư FDI đưa ra là chính sách tiền lương của Việt Nam chưa nhất quán trong thời gian dài, Luật lao động, Luật đất đai, Luật đầu tư liên tục thay đổi làm các doanh nghiệp nước ngoài khó nắm bắt để lên kế hoạch… chính sách thuế, hải quan điện tử và việc thực hiện nhất quán, vấn đề tăng giá điện gần đây, các chính sách của nhà nước từ trung ương đến địa phương chưa đồng bộ làm ảnh hưởng đến việc các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất và đặc biệt là khả năng thu hút các nhà đầu tư mới.

Đánh giá về triển vọng của môi trường đầu tư của Việt Nam trong thời gian tới, ông Herb Cochran – Giám đốc điều hành hiệp hội doanh nghiệp Mỹ cho rằng: có 4 nguyên nhân khiến môi trường đầu tư của Việt Nam chưa đạt được mức độ kỳ vọng mà các nhà đầu tư mong muốn (1) Việt Nam chưa thực hiện mạnh mẽ các cam kết WTO trong lĩnh vực đầu tư và dịch vụ; (2) Thiếu cơ sở hạ tầng đầy đủ về năng lượng và giao thông; (3) Cải cách cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chậm và chưa có sự hỗ trợ thích đáng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tăng khả năng cạnh tranh và thích ứng với môi trường WTO, thiếu sự liên kết chặc chẽ giữa doanh nghiệp và chính phủ và (4) Thiếu lao động có tay nghề cao, khiến khó di chuyển lên chuỗi giá trị ngay cả khi chi phí lao động tiếp tục tăng.

Hiện, chỉ số môi trường kinh doanh tại Việt Nam chỉ duy trì ở mức trung bình, điều này cho thấy, trong thời gian tới, Việt Nam nên nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh tốt hơn nữa. Bên cạnh đó, muốn thu hút các hoạt động kinh doanh đến Việt Nam đầu tư mới, điều quan trọng là Việt Nam phải đón đầu xu thế, hướng tới sự hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN. Nếu giải quyết tốt những vấn đề này, cùng với việc thực hiện hoàn thiện và nhất quán chính sách thuế, thủ tục hải quan và thủ tục hành chính. Tương lai Việt Nam vẫn là môi trường đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp./.