Môi trường đầu tư sẽ hấp dẫn hơn, cạnh tranh hơn

Theo Báo Đầu tư

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, Hội nghị 25 năm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), diễn ra ngày 27/3 tại Hà Nội, sẽ nghiêm túc đánh giá những mặt được và chưa được của môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam trong thời gian qua, để có biện pháp khắc phục, cải cách, nhằm làm cho môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn, cạnh tranh hơn.

Thưa Bộ trưởng, sau 25 năm thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã thu hút được hơn 200 tỷ USD vốn FDI, một phần là nhờ sự hấp dẫn của môi trường đầu tư, kinh doanh. Nhưng những năm gần đây, đã có sự giảm điểm nhất định trong vấn đề này và thực tế là, vẫn có những băn khoăn, quan ngại của nhà đầu tư về môi trường đầu tư của Việt Nam. Bộ trưởng có bình luận gì về điều này?

Môi trường đầu tư sẽ hấp dẫn hơn, cạnh tranh hơn - Ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh
Mục tiêu của Việt Nam khi tổ chức Hội nghị này là để đánh giá thành quả 25 năm thu hút FDI, đồng thời nhận chân được những hạn chế, yếu kém của mình để tìm ra nguyên nhân, giải pháp khắc phục, làm sao để môi trường đầu tư Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn, hấp dẫn hơn.

Một trong những điều mà gần đây nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước quan tâm, lo ngại là rủi ro chính sách. Một số chính sách của chúng ta không nhất quán, thiếu đồng bộ và dễ thay đổi. Ví dụ, trước năm 2009, chúng ta cho phép dự án đầu tư trong các khu công nghiệp được hưởng ưu đãi thuế, nhưng sau khi có Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 và Nghị định 124/2008/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật, thì quy định này lại bị bãi bỏ.

Thậm chí, các quy định ở Luật Đầu tư và các luật chuyên ngành lại khác nhau. Lại có những điều khoản không rõ ràng, ví dụ thế nào là công nghệ cao, khiến nhà đầu tư không hiểu được liệu dự án của họ có được coi là dự án công nghệ cao hay không, có được hưởng ưu đãi không…

Không ít những rủi ro về chính sách như thế, khiến nhà đầu tư không an tâm và tin tưởng vào môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam.

Vậy hướng xử lý tới đây sẽ thế nào, thưa Bộ trưởng?

Chúng tôi đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành rà soát những vấn đề còn mâu thuẫn, thiếu nhất quán trong các luật, nghị định liên quan đến FDI, để từng bước sửa đổi cho minh bạch, dễ hiểu, thống nhất, ổn định, để nhà đầu tư nước ngoài có thể tin tưởng lâu dài và đổ vốn vào Việt Nam. Quy định càng rõ ràng, thì nhà đầu tư càng không phải xin - cho.

Tuy nhiên, việc khắc phục tình trạng nói trên không hề đơn giản, bởi quan điểm mỗi bộ, ngành một khác. Ví dụ, quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cần ưu đãi khi đầu tư vào các khu công nghiệp, nơi có hạ tầng đầy đủ, nơi chúng ta có thể kiểm soát được ô nhiễm môi trường…, nhưng lại có cơ quan đứng ở góc độ thu thuế để cho rằng, không nên ưu đãi nữa.

Điều có thể nhận thấy là, nếu không sửa đổi, cải cách, thì môi trường đầu tư của Việt Nam sẽ ít cạnh tranh hơn so với các nước lân cận. Hiện Thái Lan, Indonesia đã vượt xa chúng ta rồi. Thậm chí, cả Campuchia, Myanmar tới đây cũng có thể cạnh tranh rất gay gắt với Việt Nam.

Có quan điểm cho rằng, một trong những điều kiện tiên quyết trong cải thiện môi trường đầu tư là phải thay đổi hoàn toàn ưu đãi đầu tư theo định hướng mới. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?

Đúng là, ngoài các giải pháp chung để cải thiện môi trường đầu tư, như ổn định kinh tế vĩ mô, mở rộng thị trường nội địa, khắc phục các nút thắt về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực…, thì các chính sách ưu đãi đầu tư có ý nghĩa quan trọng. Đã đến lúc chúng ta phải có những định hướng mới trong thu hút FDI, phải xác định rõ những lĩnh vực chúng ta cần thu hút đầu tư và cùng với đó phải có chính sách ưu đãi hợp lý.

Phải thiết kế được một hệ thống chính sách đủ sức hấp dẫn, minh bạch, kể cả về ưu đãi thuế, đất đai…, để khi nhà đầu tư tìm hiểu, quyết định đầu tư vào lĩnh vực mà chúng ta muốn và cần. Mặt khác, cũng cần có những quy định, chế tài để không cho những dự án gây ô nhiễm môi trường, sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng… đầu tư vào Việt Nam, làm tổn hại đến nền kinh tế. Làm như vậy, chúng ta sẽ điều tiết được dòng vốn đầu tư theo đúng cơ cấu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội mà chúng ta muốn.

Vậy thưa Bộ trưởng, đâu là lĩnh vực mà Việt Nam cần và muốn thu hút FDI trong thời gian tới?

Hiện nay, Việt Nam đang bước vào thời kỳ thực hiện chiến lược mới, với mục tiêu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Chính vì vậy, thu hút FDI trong giai đoạn tới sẽ quán triệt những định hướng sau:

Một là, cần tạo bước chuyển mạnh để thu hút các dự án FDI có chất lượng cao, công nghệ cao, thân thiện với môi trường và phù hợp với định hướng tái cấu trúc nền kinh tế của từng vùng, từng ngành và quốc gia.

Hai là, đặc biệt quan tâm thu hút các dự án quy mô lớn, sản phẩm có sức cạnh tranh cao tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia, từ đó xây dựng, phát triển hệ thống các ngành, các doanh nghiệp phụ trợ.

Ba là, quy hoạch thu hút FDI theo ngành, lĩnh vực, đối tác phù hợp với lợi thế của từng vùng để phát huy hiệu quả đầu tư của từng địa phương, từng vùng, phù hợp tổng thể lợi ích quốc gia.

Bốn là, chuyển dần thu hút FDI với lợi thế nhân công rẻ sang cạnh tranh bằng nguồn nhân lực chất lượng cao.