Môi trường kinh doanh: Góc nhìn từ lĩnh vực ngân hàng

TS. Nguyễn Đức Trung - Phó Vụ trưởng Vụ Dự báo, thống kê - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Để tăng trưởng kinh tế bền vững, Việt Nam cần đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh. Các tiêu chí đánh giá của Ngân hàng Thế giới có thể coi như là một trong những gợi ý có giá trị cho Việt Nam trong quá trình cải cách môi trường kinh doanh. Muốn đạt được những tiêu chí trên, yêu cầu tất yếu đặt ra là cần có sự thay đổi toàn diện từ pháp luật liên quan đến các nỗ lực của các cơ quan quản lý vĩ mô, trong đó có Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thăng hạng tiêu chí “tiếp cận tín dụng”

Báo cáo Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (Wordbank) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với mọi quốc gia. Bởi công bố này công khai xếp hạng mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh tại 190 quốc gia và trở thành tham chiếu quan trọng cho các nhà đầu tư trên toàn cầu.

Mười tiêu chí được Worldbank sử dụng để đánh giá mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh bao gồm: (i) Khởi nghiệp kinh doanh; (ii) Tiếp cận tín dụng; (iii) Bảo vệ các nhà đầu tư; (iv) Nộp thuế; (v) Giao thương, thương mại qua biên giới; (vi) Xin cấp phép xây dựng, (vii) Bảo vệ quyền tài sản, (viii) Đảm bảo thực hiện hợp đồng; (ix) Tiếp cận điện năng; (x) Giải quyết tình trạng phá sản.

Tính đến báo cáo gần nhất là “Báo cáo Môi trường kinh doanh 2016”, Việt Nam đang xếp vị trí thứ 90, cải thiện 3 bậc so với năm 2015. Kết quả trên bắt nguồn từ việc hỗ trợ nhà đầu tư tiếp cận với nguồn điện, cải cách các thủ tục thuế và tiếp cận tín dụng. Cụ thể, Báo cáo Môi trường kinh doanh 2016 đã chỉ ra rằng, Việt Nam có 5 chỉ số thăng hạng so với năm 2015, gồm:

Chỉ số về khởi sự kinh doanh tăng 6 bậc, từ hạng 125 lên thứ hạng 119; Chỉ số về tiếp cận điện năng tăng 22 bậc, từ thứ hạng 130 lên 108; Chỉ số về tiếp cận tín dụng tăng 8 bậc, từ hạng 36 lên 28; Chỉ số về nộp thuế tăng 4 bậc, từ hạng 172 lên 168.

Môi trường kinh doanh: Góc nhìn từ lĩnh vực ngân hàng - Ảnh 1
Báo cáo của Worldbank đánh giá, hơn một nửa trong số 27 nền kinh tế trong khu vực đã thực hiện tổng cộng 27 đợt cải cách, nhằm tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Trong đó, Việt Nam là một trong những nền kinh tế dẫn đầu về cải cách (5 cải cách), nhiều hơn cả Hongkong - Trung Quốc (4 cải cách) và Indonesia (3 cải cách). Theo đánh giá của Worldbank, chỉ số của Việt Nam hiện ở mức điểm 62,1, cao hơn Indonesia, Philippines, Sri Lanka, Campuchia, Ấn Độ, Lào, Myanmar và Bangladesh.

Mười tiêu chí được Worldbank sử dụng để đánh giá mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh, bao gồm: (i) Khởi nghiệp kinh doanh; (ii) Tiếp cận tín dụng; (iii) Bảo vệ các nhà đầu tư; (iv) Nộp thuế; (v) Giao thương, thương mại qua biên giới; (vi) Xin cấp phép xây dựng, (vii) Bảo vệ quyền tài sản, (viii) Đảm bảo thực hiện hợp đồng; (ix) Tiếp cận điện năng; (x) Giải quyết tình trạng phá sản. 

Kết quả của báo cáo môi trường kinh doanh của Worldbank cũng đồng thuận cao với chỉ số hoán đổi rủi ro tín dụng và chỉ số môi trường kinh doanh của EuroCham.

Điều này phản ánh niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài ngày càng được nâng cao: (i) Chỉ số hoán đổi rủi ro tín dụng phản ánh rủi ro tín dụng quốc gia giảm mạnh từ mức 400 điểm trong năm 2011 và giảm trên 60% so với mức đỉnh cao 550 điểm trong năm 2009 xuống ổn định dưới mức 200 điểm; (ii) Chỉ số môi trường kinh doanh của EuroCham đã tăng đáng kể trong trong năm 2014, đạt mốc kỷ lục tại quý III/2014 và duy trì ổn định trong giai đoạn 2015-2016, phản ánh tâm lý lạc quan về môi trường kinh doanh của doanh nghiệp FDI trong những năm trở lại đây.

Báo cáo Môi trường kinh doanh 2016 khẳng định, tiêu chí “tiếp cận tín dụng” đã thăng hạng đáng kể cũng như ở vị trí cao nhất trong các tiêu chí, hiện đứng hạng 28/190 quốc gia và tăng 8 hạng so với năm trước. Sử dụng các dữ liệu về kinh tế thực trong nước được thu thập từ nguồn Tổng Cục thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), dữ liệu về tiền tệ được thu thập từ nguồn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từ quý I/2005 đến hết quý II/2016, kết quả mô hình tự hồi quy vectơ (gồm các biến tăng trưởng GDP (RGDP), tỷ lệ lạm phát (CPI), tín dụng (CRED), xuất khẩu (X) cho thấy, tín dụng ngân hàng đóng vai trò lớn trong tăng trưởng kinh tế, khoảng 18,87% vào tăng trưởng kinh tế với độ trễ 4 quý (1 năm) và tiếp tục đóng góp ở mức lớn nhất là 32,55% vào GDP với độ trễ 8 quý (2 năm) sau đó mới giảm dần.

Như vậy, tín dụng mạnh mẽ hơn cho doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong khi lượng tiền cung ứng được điều hành hợp lý có vai trò quan trọng trong việc ổn định và kiểm soát lạm phát.

Những yêu cầu đặt ra với ngành Ngân hàng

Tuy nhiên, theo cách đánh giá của Worldbank có một vấn đề cần lưu ý, đó là nếu một quốc gia không thay đổi trong khi các quốc gia khác thực hiện cải cách, thì quốc gia đó sẽ tụt hạng rất nhanh. Rà soát lại các tiểu mục trong chỉ tiêu “tiếp cận tín dụng” của Worldbank, các vấn đề thể chế liên quan trực tiếp đến ngành Ngân hàng hầu như đã hết “dư địa” để cải cách.

Môi trường kinh doanh: Góc nhìn từ lĩnh vực ngân hàng - Ảnh 2

Những nội dung còn lại chưa đạt yêu cầu liên quan đến các vấn đề thể chế khác, trong đó đặc biệt đáng quan ngại là một số quy định thiếu hoặc chưa phù hợp với qua điểm đánh giá của Worldbank tại Bộ Luật Dân sự sửa đổi cũng như sự phối hợp thông tin chưa hiệu quả giữa các tổ chức cung cấp dịch vụ công với trung tâm thông tin tín dụng quốc gia của Ngân hàng Nhà nước.

Cụ thể, theo cách tính của Worldbank, tiêu chí “tiếp cận tín dụng” có thể giảm hạng trong tương lai nếu như một số quy định liên quan đến tài sản bảo đảm không có những thay đổi tại Bộ Luật Dân sự sửa đổi; hoặc thiếu môi trường thông tin hoàn chỉnh, để ra quyết định cho vay chính xác, do sự thiếu hiệu quả trong phối hợp giữa các tổ chức cung cấp dịch vụ công với trung tâm thông tin tín dụng quốc gia về dữ liệu của khách hàng.

Theo yêu cầu của Báo cáo Môi trường kinh doanh 2016; (i) Người cho vay có quyền được yêu cầu bổ sung tài sản bảo đảm, tự động phù hợp với các sản phẩm vay, người trả nợ cũng như việc thay thế tài sản; hoặc (ii) bên cho vay được tham gia điều hành khi con nợ bị tái cơ cấu… Đứng từ góc độ đánh giá của Worldbank về “tiếp cận tín dụng”, người cho vay cần được bảo vệ thì họ mới “sẵn lòng” cấp tín dụng cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ngược lại, một khi những nội dung trên chưa được cụ thể hóa trong luật, người cho vay sẽ gặp nhiều khó khăn trong một số trường hợp xử lý rủi ro tín dụng. Theo đó, người cho vay sẽ quan ngại hơn khi cho vay các doanh nghiệp dùng chính dự án đầu tư làm tài sản bảo đảm. Từ đó, làm hạn chế nguồn vốn tín dụng ngân hàng và hệ quả tất yếu là làm giảm điểm của môi trường kinh doanh, vì một trong những căn cứ để xếp hạng môi trường kinh doanh thuận lợi là mức độ sẵn có của nguồn vốn với chi phí hợp lý cho các doanh nghiệp…

Đề xuất, kiến nghị

Để hạn chế những tồn tại cũng như tạo nền tảng để tiếp tục cải thiện chỉ tiêu “tiếp cận tín dụng” hơn nữa, góp phần hoàn thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam, bài viết đề xuất một số giải pháp sau:

Một là, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp ổn định thị trường tiền tệ, từ đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó, chính sách tiền tệ cần tiếp tục được điều hành theo hướng chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát thấp ổn định, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung, dài hạn và ổn định tỷ giá nhằm hỗ trợ nguồn vốn tín dụng với chi phí thấp hơn cho doanh nghiệp đồng thời tạo cơ sở để doanh nghiệp chủ động về kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong năm.

Tính đến báo cáo gần nhất là “Báo cáo Môi trường kinh doanh 2016”, Việt Nam đang xếp vị trí thứ 90, cải thiện 3 bậc so với năm 2015. Kết quả trên bắt nguồn từ việc hỗ trợ nhà đầu tư tiếp cận với nguồn điện, cải cách các thủ tục thuế và tiếp cận tín dụng. 

Hai là, tiếp tục củng cố cơ sở dữ liệu của trung tâm thông tin tín dụng quốc gia cả về độ sâu và tính chính xác của số liệu làm cơ sở cho hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ cũng như cung cấp các thông tin cần thiết cho các ngân hàng thương mại trong việc phòng ngừa rủi ro tín dụng. Bên cạnh đó, cần xây dựng các quy định pháp lý về cơ chế phối hợp và tăng cường khả năng tiếp cận các dữ liệu khách hàng tại tổ chức cung cấp dịch vụ công với trung tâm thông tin tín dụng quốc gia.

Ba là, xem xét bổ sung thêm những quy định liên quan đến tài sản bảo đảm vào Bộ Luật Dân sự sửa đổi; hoặc hiện thực hóa thông qua các nghị định, thông tư hướng dẫn Bộ Luật Dân sự sửa đổi nhằm tăng thêm sự bảo vệ đối với người cho vay, từ đó các doanh nghiệp cũng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cũng sẽ phát triển an toàn và bền vững hơn khi thực hiện cấp tín dụng. Nếu thực hiện được nội dung này thì chỉ tiêu “tiếp cận tín dụng” sẽ được cải thiện và nâng hạng theo tiêu chí đánh giá của Worldbank.

Tóm lại, để tăng trưởng kinh tế bền vững, Việt Nam cần đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh. Nghiên cứu về cải thiện chỉ số “tiếp cận tín dụng” trên đã minh chứng cho yêu cầu cần một sự cải cách mạnh mẽ, từ đó tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Kim Anh (2015), Ngân hàng Nhà nước trong tiến trình cải thiện môi trường kinh doanh và một số định hướng trong thời gian tới, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Môi trường kinh doanh Việt Nam và các tác động đến doanh nghiệp”, World Bank, 2015;

2. World Bank (2014), Báo cáo môi trường kinh doanh 2015 công bố ngày 29/10/2014 của Ngân hàng thế giới;

3. World Bank (2015), Báo cáo môi trường kinh doanh 2016 công bố ngày 28/10/2015 của Ngân hàng thế giới.